Điều này cũng đồng nghĩa với việc tham vọng độc lập của chính quyền Khu tự trị người Kurd trở nên khó thành hiện thực hơn vì dầu mỏ là một nguồn thu lớn đối với nền kinh tế của khu vực này.
Chưa đầy 2 ngày kể từ khi phát động chiến dịch hôm 15/10, quân đội Iraq đã dần khôi phục được sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với tỉnh Tây Bắc Kirkuk, bị các tay súng người Kurd chiếm giữ từ năm 2014.
Ngay từ sáng 17/10, cờ của người Kurd trên các tòa nhà và trạm kiểm soát tại 2 giếng dầu chính của tỉnh Kirkuk là Bay Hassan và Havana đã bị hạ xuống và thay vào đó là cờ Iraq.
Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabbar al- Louaibi, chính quyền trung ương đã khôi phục quyền kiểm soát đối với toàn bộ các cơ sở và giếng dầu, cũng như các trạm bơm và hệ thống dẫn dầu của tỉnh Kirkuk, cũng như những khu vực lân cận.
Trong một phát biểu cùng ngày, ông Hadi Al- Amiri, người đứng đầu Lữ đoàn Badr, cánh quân sự của Hội đồng tối cao Cách mạng Hồi giáo ở Iraq tuyên bố, việc quân đội nước này giành lại quyền kiểm soát các giếng dầu là phù hợp với luật pháp bởi đây đều là các tài sản quốc gia của Iraq.
“Các lực lượng an ninh Iraq, bao gồm cảnh sát liên bang, cơ quan ứng phó khẩn cấp, cơ quan chống khủng bố... đã hoàn thành giai đoạn 2 của chiến dịch, với kết quả đã giành lại được quyền kiểm sát các mỏ dầu ở phía Bắc Kirkuk”, ông Al- Amiri nói.
Như vậy, 5 trên tổng số 6 giếng dầu của tỉnh Kirkuk hiện đã nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương Iraq, với sản lượng ước tính có thể lên tới hơn 400.000 thùng dầu mỗi ngày.
Quân đội Iraq cũng đã nắm giữ được trụ sở Công ty Dầu khí miền Bắc, có trụ sở tại Kirkuk. Chỉ duy nhất giếng dầu Khourmala còn nằm trong tay người Kurd, với sản lượng khoảng 10.000 thùng mỗi ngày, một con số khá khiêm tốn.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Khu tự trị người Kurd mất đi gần 3/4 nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ. Trong bối như vậy, các thị trường đã bắt đầu những dấu hiệu cho thấy sự lo ngại ngày càng tăng về những bất ổn tại Iraq có thể khiến nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ bị gián đoạn, đồng nghĩa với việc giá dầu sẽ tăng cao.
Theo các nhà phân tích, bước tiến của các lực lượng Chính phủ đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Iraq, đúng 3 tuần sau cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi về nền độc lập của Khu tự trị người Kurd. Bởi với việc mất đi những giếng dầu này, ngân sách của người Kurd đã bị giảm đi một nửa và điều này đồng nghĩa với việc tham vọng độc lập của chính quyền khu vực này đã kết thúc.
Trên thực tế, chỉ kể từ sau khi kiểm soát Kirkuk hồi tháng 7/2014, với nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào, lãnh đạo Khu vực tự trị người Kurd Massoud Barzani mới bắt đầu nói về nền độc lập, trong khi trước đây họ chỉ yêu cầu quyền tự trị.
Trong một phát biểu ngày 17/10, Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi, cũng đồng thời là Tổng tư lệnh các lực lượng Iraq cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của người Kurd là chuyện đã qua, đồng thời kêu gọi đối thoại vì sự đoàn kết dân tộc và thống đất nước.
"Tôi kêu gọi đối thoại trên cơ sở quan hệ đối tác quốc gia, tức là của những tác nhân thuộc cùng một đất nước và chịu sự chi phối của cùng một Hiến pháp. Cuộc trưng cầu ý dân đã kết thúc và trở thành câu chuyện đã qua. Chúng ta cần bắt đầu đối thoại trong khuôn khổ Hiến pháp, trên cơ sở tôn trọng các quyền của nhau, cũng như mối quan hệ đối tác quốc gia", ông al-Abadi nói.
Cách Kirkuk chỉ vài trăm km, gần biên giới Syria, thành phố Sinja ở phía Tây Bắc cũng đã trở lại quyền kiểm soát của Chính phủ trung ương.
Cũng giống như tại Kirkuk, tại đây, các tay súng Peshmerga đã rút khỏi khu vực trước đó mà không có bất kỳ hành vi bạo lực nào. Còn tại tỉnh Diyala, phía Đông thủ đô Baghdad, các lực lượng Chính phủ đã tiến vào Jalaoula và cắm cờ Iraq tại trụ sở chính quyền tỉnh.
Theo các nhà phân tích, việc quân đội Iraq dễ dàng đánh chiếm được những khu vực này một lần lớn là nhờ vào sự hợp tác của các tay súng Peshmerga thuộc Liên minh yêu nước người Kurd trong khuôn khổ một thỏa thuận với Chính phủ.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với chính quyền trung ương cũng rất lớn, đó là làm thế nào để người Kurd, người Thổ và các cộng đồng Arab có thể chung sống hòa bình với nhau. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc tại Iraq thời gian qua.