Nhận định gây sốc này xuất hiện trong phiên điều trần của Quốc hội Australia về việc mua sắm quân phục cho binh sĩ, theo News Corp Australia đưa tin hôm 19/10.
Trong khi quân phục dã chiến, giày, tất, mũ được sản xuất tại Australia, riêng gói sản xuất lễ phục và quân phục thường lại được giao cho một công ty ở Trung Quốc thông qua nhà thầu chính là Doanh nghiệp May mặc Quốc phòng Australia (ADA).
Điều trớ trêu là các tướng lĩnh và quan chức thuộc Lực lượng Quốc phòng Australia tham dự cuộc họp ngày 19 đều đang mặc trang phục do ADA sản xuất.
Thượng nghị sĩ đảng Lao động Kim Carr đã đặt vấn đề với các tướng rằng liệu họ có biết công ty mẹ của ADA là Logistik Unicorp thừa nhận sử dụng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến được nhúng vào vật liệu vải để xác định vị trí sản phẩm.
Hợp đồng cung ứng quân phục và lễ phục được quân đội Australia trao cho ADA, sau đó doanh nghiệp này đã cho một công ty Trung Quốc thầu lại.
Hiện chưa rõ nhà thầu phụ này trải qua kiểm tra an ninh như thế nào trước khi ký kết hợp đồng. Như Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne giải trình trước Quốc hội Australia, hợp đồng béo bở vẫn rơi vào tay một doanh nghiệp Trung Quốc vì chi phí sản xuất rẻ hơn ở Australia gấp 3 lần.
Quyết định này đã vấp phải nhiều lời chỉ trích. Thượng nghị sĩ tiểu bang Nam Australia Nick Xenophon cho rằng, Chính phủ không thu được lợi ích gì về kinh tế và việc làm cho quốc gia từ gói thầu này.
Tướng lĩnh quân đội Australia cùng nhiều nhân sự cấp cao tại một dự buổi điều trần của Thượng viện. Ảnh: News Corp Australia
Sau khi tìm hiểu thông tin, Thiếu tướng David Coghlan cho biết nhà thầu phụ Trung Quốc may loại lễ phục này là doanh nghiệp tư nhân Yeliya thuộc tỉnh Sơn Đông. Ông Coghlan nói rằng công ty này không sản xuất quân phục cho Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hay có liên kết với chính phủ Trung Quốc, nhưng chưa điều tra được các cổ đông của họ là ai.
Ông cũng xác nhận Bộ Quốc phòng Australia chưa bao giờ kiểm tra thực tế nhà máy của doanh nghiệp trên nhưng tin rằng họ hoạt động theo tiêu chuẩn "chấp nhận được".
Mối lo ngại về gián điệp Trung Quốc gần đây tăng cao ở Australia, sau khi truyền thông nước này phát hiện một số vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Hồi tháng 8, hãng tin ABC của Australia công bố kết quả điều tra cho thấy tin tặc Trung Quốc là thủ phạm đằng sau nhiều vụ tấn công mạng vào các cơ sở dữ liệu quan trọng của nhà nước và doanh nghiệp Australia trong nhiều năm qua.
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn mượn cớ tìm máy bay MH 370 để tiến hành do thám cảng quân sự của Australia.
Những thông tin trên khiến Australia ngày càng nghi ngại hơn về đối tác thương mại lớn nhất, cùng với mối lo về loại quân phục mới do Trung Quốc sản xuất.