Quần đảo Solomon phong tỏa thủ đô ngăn chặn bạo loạn

Hữu Tiến |

Chính phủ Quần đảo Solomon đã ban hành lệnh giới nghiêm 36 tiếng đối với thủ đô Honiara nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực sau khi một nhóm người biểu tình xông vào nhà Quốc hội, đốt phá đồn cảnh sát và nhiều tòa nhà khác.

Một căn nhà trong khuôn viên Quốc hội Quần đảo Solomon đã bị người biểu tình đốt phá. Ảnh: Solomon Herald.

Một căn nhà trong khuôn viên Quốc hội Quần đảo Solomon đã bị người biểu tình đốt phá. Ảnh: Solomon Herald.

Vào tối qua (24/11), lệnh phong tỏa kèm theo các biện pháp kiểm soát an ninh nghiêm ngặt đã được áp dụng đối với toàn bộ thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon. Quyết định có hiệu lực đến 7h sáng ngày mai (26/11) được chính phủ quốc đảo Thái Bình Dương này ban hành để ngăn chặn khả năng tiếp tục diễn ra các vụ biểu tình bạo loạn, đồng thời cho phép cảnh sát truy tìm những kẻ phá hoại.

Trước đó, trong ngày hôm qua, theo nguồn tin từ cảnh sát địa phương, một đám đông đã xông vào khuôn viên tòa nhà Quốc hội và đốt cháy một căn nhà. Ngoài ra, một phần của trụ sở cảnh sát cũng bị thiêu rụi và nạn cướp phá đã diễn ra trong khu phố của người Hoa, gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp. Cảnh sát bác bỏ mục đích của cuộc biểu tình là nhằm lật đổ Thủ tướng Manasseh Sogavare và cho biết, tình hình đã được kiểm soát, công tác điều tra đang được tiến hành.

Theo nhiều nguồn tin từ Australia và các nước trong khu vực, một nhóm người biểu tình đến từ đảo Malaita thuộc Quần đảo Solomon đã gây ra vụ biểu tình bạo loạn tại thủ đô. Nguyên nhân dẫn đến biểu tình có thể do các cộng đồng trên đảo Malaita không hài lòng trước việc chậm trễ triển khai các cam kết phát triển cơ sở hạ tầng của chính phủ.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng khác cần phải nhắc đến đó là nhiều cộng đồng trên đảo Malaita vốn có quan hệ sâu sắc với chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) và chính quyền hòn đảo này đã nhiều lần bày tỏ bất mãn đối với quyết định của chính phủ Quần đảo Solomon vào năm 2019 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) và thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc.

Quan hệ căng thẳng giữa chính quyền các đảo thuộc Quần đảo Solomon đã dẫn đến nhiều vụ bạo loạn trong quá khứ dẫn đến việc các nước trong khu vực phải triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2017. Trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2006, bạo lực cũng đã nổ ra tại thủ đô Honiara và khu phố người Hoa tại đây đã bị phá nát sau khi có tin đồn cho rằng các doanh nghiệp có liên hệ với Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại