Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: KCNA)
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông đã đề xuất cung cấp vắc xin cho Bình Nhưỡng.
Trong chuyến thăm châu Á đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Biden đang ở Hàn Quốc và chiều nay sẽ sang Nhật Bản.
Trong cuộc gặp tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 21/5, ông Biden hứa sẽ gia tăng nỗ lực ngăn chặn mối đe doạ từ Triều Tiên, nhưng cũng khẳng định ông sẵn sàng đối thoại, bao gồm khả năng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un nếu cần thiết. Ông Biden cũng nói rằng ông đã đề xuất cung cấp vắc xin cho Bình Nhưỡng nhưng không nhận được phản hồi.
Triều Tiên tuyên bố những hành động của Mỹ không chân thành vì vẫn duy trì “nhiều chính sách thù địch”, như tập trận và trừng phạt.
Khi được hỏi rằng liệu ông Biden có sẵn sàng có những bước đi cụ thể để phá vỡ thế bế tắc hiện nay, vị quan chức trên cho biết chính quyền Mỹ đang tìm cách trao đổi nghiêm túc, chứ không phải những cử chỉ khoa trương.
“Đây là quyết định mà chỉ Triều Tiên mới có thể đưa ra”, vị quan chức nói.
Trọng tâm chuyến công du của ông Biden lần này là tập hợp các quốc gia “cùng chung tư tưởng” để hợp tác nhiều hơn nữa, nhằm đối phó với sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc và gây sức ép nhiều hơn với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Khi sang Tokyo, ông Biden sẽ họp với các thủ tướng của Nhật, Ấn Độ và Úc theo khuôn khổ "Bộ tứ", nhằm đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực đối phó với Trung Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác gần gũi hơn với "Bộ tứ", nhưng một quan chức Mỹ cho biết nhóm này chưa tính đến việc kết nạp Seoul.
“Lẽ tự nhiên là sẽ nghĩ đến những cách để hợp tác với các nước có chung tư tưởng, nhưng tôi nghĩ một điều cũng rất quan trọng là phải nhận ra rằng mục tiêu hiện nay là phát triển và xây dựng những gì đã được nêu ra”, vị quan chức nói.
Nhân dịp này, Tokyo sẽ tổ chức lễ công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) , một chương trình được xây dựng nhằm ràng buộc các quốc gia ở khu vực nhiều hơn bằng tiêu chuẩn chung trong những lĩnh vực như sức chống chịu của chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, hạ tầng và thương mại kỹ thuật số.
Quan chức Mỹ từ chối cho biết những quốc gia nào sẽ tham gia IPEF, nhưng khẳng định Washington hài lòng với “sự quan tâm mạnh mẽ” của khu vực.
Theo Reuters