Ông Brian Hook, Giám đốc chiến lược của Bộ Ngoại giao Mỹ và là cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết: “Mối đe dọa của Nga đối với an ninh chung của phương Tây là rất rõ ràng, và các nước ở hai bờ Đại Tây Dương không được bỏ qua điều này”.
Ông cũng ví “hiểm họa” này giống như Liên Xô trước đây, và rằng “mối đe dọa này chạy từ biển Baltic tới Biển Đen”.
Theo ông Hook, khác với Liên Xô, nước Nga ngày nay “không có một hệ thống ý thức hệ có tính chất quyết định đến hành động của họ” và rằng “lợi thế về quân sự ngày nay đang thuộc về Nga”.
Ông Hook đã dẫn việc Nga có kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang cùng một loạt các cuộc diễn tập quân sự thường niên mà Quân đội Nga tiến hành trên lãnh thổ của họ một mình hoặc cùng các quốc gia đồng minh khác.
Ông đề cập đến cuộc tập trận Zapad 2017 diễn ra vào tháng 9 vừa qua, có sự tham gia của 12.700 binh sĩ, 70 máy bay quân sự, 10 tàu chiến và 680 xe quân sự mà Nga và Belarus đã thực hiện đúng theo quy tắc của NATO.
Cuộc diễn tập Zapad đã khiến nhiều quốc gia NATO và các nước đồng minh quan ngại nguy cơ bị Nga “xâm lược”. Sau khi cuộc diễn tập này được tổ chức, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng trấn an các nước thành viên và bác bỏ cáo buộc của Quân đội Ukraine rằng một số binh sĩ Nga vẫn còn lưu lại ở Belarus, do không có chứng cứ xác thực nào.
Trong khi đó, NATO liên tục tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn, có sự tham gia của hàng chục ngàn binh lính, gần biên giới nước Nga. Binh sĩ Mỹ cũng tham gia vào các cuộc tập trận này.
Ba Lan đã tổ chức các cuộc diễn tập lớn có sự tham gia của các binh lính Mỹ, Anh, Đức, Litva, Latvia, Slovakia, Italy, Bulgari, Rumani, Gruzia và Ukraine. Quân số tham gia cuộc tập trận này lớn hơn nhiều so với Zapad khi có đến 17.000 binh lính và 3.500 khí tài quân sự được điều động.
Một cuộc tập trận khác có sự tham gia của khoảng 20.000 binh lính đã được tổ chức tại Thụy Điển, cách vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad của Nga không xa. Binh sĩ của nhiều quốc gia thành viên NATO cũng tham gia vào hoạt động này.
Ông Hook cho rằng Nga là một nước gây hấn và dẫn chứng việc Nga can thiệp vào tình hình Gruzia trong "Chiến tranh Năm Ngày" vào năm 2008. Thực tế, chính quân đội Gruzia đã nổ súng tấn công dân thường cũng như binh lính gìn giữ hòa bình của Nga tại khu vực Nam Ossetia và liên tục nã tên lửa vào thủ phủ Tskhinval của vùng này.
Ông Hook cũng nhắc lại quan điểm của chính phủ Mỹ về việc Crimea sáp nhập vào Nga rằng đây là hành động “bất hợp pháp”, mặc dù động thái này là nhằm thể theo mong muốn của người dân Crimea sau khi một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức trước đó.
Tuy vậy, ông Hook thừa nhận rằng mặc dù giữa Nga và Mỹ có những bất đồng, hai bên vẫn có thể hợp tác với nhau để giải quyết xung đột tại Ukraine, Syria cũng như khủng hoảng Triều Tiên.
“Tại Syria, hai bên đã cùng nhau thiết lập các khu vực không giao tranh, và cho đến nay các khu vực này vẫn còn tồn tại. Lệnh ngừng bắn mà cả Mỹ và Nga nhất trí đã được áp dụng triệt để từ tháng 7 tới nay, và hi vọng rằng trong tương lai hai bên có thể hợp tác với nhau trong nhiều vấn đề khác”, ông Hook kết luận.