Quan chức Mỹ dùng Google Translate để quyết định số phận người tị nạn

Bảo Nam |

Những người tị nạn phải công khai tài khoản mạng xã hội để các nhân viên kiểm tra xem có chứa nội dung cấm không, thông qua Google Dịch.

Nếu đã từng sử dụng Google Translate (Google Dịch) để chuyển ngữ, bạn chắc chắn sẽ biết nó chưa đủ tốt để có thể giúp bạn hiểu được hoàn toàn ý nghĩa của một đoạn văn, chứ chưa nói toàn bộ nội dung hàm ý phía sau. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định rằng dịch vụ này của Google đủ tốt để làm công cụ kiểm tra các tài khoản truyền thông xã hội của những người tị nạn, theo một báo cáo mới của ProPublica.

Một tài liệu hướng dẫn, thu được từ Dự án Hỗ trợ người tị nạn quốc tế của Sở nhập tịch và di trú Mỹ (USCIS) khuyên các cán bộ kiểm soát rằng "phương pháp hiệu quả nhất để dịch nội dung bằng tiếng nước ngoài là sử dụng một trong các dịch vụ dịch thuật trực tuyến miễn phí, được cung cấp bởi Google, Yahoo, Bing, và các công cụ tìm kiếm khác". Thậm chí, tài liệu này còn có một hình ảnh cung cấp hướng dẫn từng bước về cách sử dụng Google Dịch.

Và lý do chính khiến điều này trở thành một vấn đề rắc rối là các sĩ quan đang được hướng dẫn sử dụng các công cụ dịch máy này như một phương tiện để kiểm tra các phương tiện truyền thông xã hội của người tị nạn. Và các nội dung hiển thị, thông qua Google Dịch, sẽ có tầm quan trọng trong quyết định xem họ có được chấp nhận tị nạn hay không.

Nhưng, các ngôn ngữ đều sử dụng rất nhiều tiếng lóng, thành ngữ và các kiểu chơi chữ. Điều này lại đặc biệt phổ biến trên mạng xã hội. Do đó, Google Dịch có thể hiểu lầm hoặc cung cấp nội dung ý nghĩa hoàn toàn sai lệch. Chắc chắn sẽ không một ai muốn bước ngoặt của cuộc đời mình được phó thác vào một công cụ chuyển ngữ vẫn còn đang phải được hoàn thiện từng ngày.

Trong một ví dụ, ProPublica đã dịch một câu từ tài khoản Twitter bằng tiếng Urdu thông qua Google Dịch. Họ cũng đã nhờ dịch nó bởi một giáo sư tiếng Urdu từ Đại học Pennsylvania. Bản dịch từ giáo sư có nội dung: "Tôi đã bị đánh đòn rất nhiều và cũng đã nhận được rất nhiều tình yêu (từ cha mẹ tôi)".

Nhưng Google Dịch đã giải nghĩa nó thành "việc đánh đập là quá nhiều và tình yêu cũng đầy sóng gió như vậy". Rõ ràng, hai bản dịch có nội dung mang hàm nghĩa trái ngược nhau.

Quan chức Mỹ dùng Google Translate để quyết định số phận người tị nạn - Ảnh 1.

Chắc chắn không một ai muốn việc xét duyệt nhập cư của mình bị quyết định bởi một công cụ dịch thuật.

Một mối nguy hiểm khác của việc chỉ dựa vào công cụ dịch trực tuyến là nó khiến các sĩ quan an ninh không biết liệu có cần điều tra kỹ một bài đăng thêm không. Bởi với một người nói nhiều ngôn ngữ, thì ngay cả việc chuyển nghĩa các câu nói hài hước hoặc đùa cợt cũng rất khó khăn. Một câu đùa rõ ràng trong một nền văn hóa này có thể trở nên vô nghĩa trong một bối cảnh khác.

Các tiện ích từ smartwatch và điện thoại thông minh đã bổ sung các tính năng và ứng dụng dịch thuật rất nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tiện ích của chúng chủ yếu giới hạn ở các cụm từ đơn giản liên quan đến việc đi lại hoặc các từ đơn lẻ.

Bản thân Google cũng nói rằng dù họ đã rất cố gắng nhưng không có bản dịch tự động nào là hoàn hảo và công cụ của họ phát triển cũng không có ý định thay thế những người dịch chuyên nghiệp. Một ví dụ liên quan về các hạn chế của dịch máy là năm 2018, một thẩm phán đã đưa ra phán quyết rằng kết quả từ Google Dịch không được chấp nhận trong phòng xử án.

Không rõ USCIS ban hành sổ tay hướng dẫn của mình khi nào và liệu nó có đang ảnh hưởng đến tất cả người tị nạn hoặc những người nhập cư khác hay không.

Tham khảo Gizmodo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại