Quán chè thập cẩm bị phản ánh đắt nhất Hà thành: Ngày cao điểm bán hết 1500 cốc

Trang Trần - Quang Hùng |

Dù nổi tiếng đắt đỏ với giá lên tới 75.000 đồng/cốc, quán chè thập cẩm 1976 ở Hà Nội vẫn nhận được số lượng khách đông đảo hàng ngày.

Nằm sâu trong ngõ 72 Trần Hưng Đạo (Q. Hoàn Kiếm), quán "Chè thập cẩm Cũ 1975" nổi danh suốt 46 năm vẫn luôn tất bật khách ra vào. Theo chủ quán là cô Lê Minh Dung (1960) chia sẻ, hiện tại ở thời điểm Hà Nội chưa chấm dứt dịch bệnh hoàn toàn, trung bình mỗi ngày quán đều bán được từ 500-700 cốc chè với mức đồng giá 50.000/cốc. Phụ thuộc vào tiêu chí thêm nguyên liệu của khách hàng, có cốc lên tới giá 75.000 đồng.

"Đắt" là lời phản hồi nhiều nhất về quán

Theo phản ánh của khách hàng mà cô Dung nhận được trong suốt mấy chục năm qua, "đắt" là lời phản hồi nhiều nhất. Tuy nhiên, có ngày đỉnh điểm quán bán lên đến tận 1500 cốc, đến mức cô Dung phải cười đùa và nói: "…lắm khi nhìn thấy khách mà phát sợ".

Gần năm thập kỷ, người ta vẫn luôn ấn tượng với quán phần nhiều bởi mức giá đắt đỏ. Đến với món ăn tráng miệng quen thuộc, giản dị; nhiều vị khách đã đặt dấu chấm hỏi lớn: Liệu chất lượng có xứng đáng với giá cả. Tuy nhiên, cũng từ tò mò, nhiều người đã trở thành "khách ruột" của món chè cũ đắt đỏ bậc nhất Hà thành.

Quán chè thập cẩm bị phản ánh đắt nhất Hà thành: Ngày cao điểm bán hết 1500 cốc - Ảnh 1.

Chè thập cẩm Cũ 1976 lúc nào cũng đông khác dù cho là ngày hay buổi tối.

Không gian sạch sẽ, phục vụ nhiệt tình, thực đơn đa dạng,... đó là những ấn tượng cơ bản nhất của mỗi vị khách khi bước chân vào "Chè thập cẩm Cũ 1976". Tuy không mấy rộng rãi, quán vẫn luôn hút khách mua hàng bởi sự gọn gàng, ngăn nắp. Dù không cầu kỳ bày trí, nét "Hà Nội cổ" vẫn hiện rõ bởi chính thời gian lâu năm và vị trí địa lý đắc lợi.

Được kết hợp từ gần 20 nguyên liệu cơ bản, hiện nay, "Chè thập cẩm Cũ 1976" đã đa dạng thực đơn với tận 72 loại chè khác nhau. Trong đó, món chè thập cẩm vẫn luôn được lòng các thực khách bởi hương vị vừa truyền thống, vừa sáng tạo một cách đặc biệt.

Truyền thống ở điểm kết hợp từ những nguyên liệu quen thuộc vốn có như đậu xanh, đậu đỏ, cốm xào… hòa quyện cùng nước cốt dừa đặc sánh, béo ngậy. Tất cả đều được chế biến một cách tỉ mẩn, công phu và không bao giờ sử dụng nguyên liệu đóng sẵn. Và sáng tạo trong mắt mọi người bởi nhiều nguyên liệu bổ sung thêm là các loại hoa quả như mít, nhãn, mãng cầu…

"Đây là lần đầu tiên mình ăn ở quán này. Ban đầu nhìn thấy giá thì mình thấy khá đắt. Nhưng sau khi ăn và cảm nhận thì công nhận là rất xứng đáng và ngon. Điểm mà mình thích nhất ở món chè ở đây là trân châu có nhân, mà lại có tận ba loại nhân. Và mình rất thích nhân socola. Nước cốt dừa ở đây cũng đặc biệt thơm ngon hơn những nơi khác", chị Thủy Tiên (Gia Lâm) tâm sự.

Cho đường hoá học vào chè thì tôi không phải là con người

Ở quán, có cụ Mai (Khánh Hòa) dù đã hơn 80 tuổi vẫn hàng ngày ngồi một góc nhiệt tình chào khách và nhận trọng trách thu ngân để "bớt rảnh tay". Được biết, cụ chính là người khai sinh ra quán "Chè thập cẩm Cũ 1976" và cũng là một trong những người đầu tiên đưa món chè từ phía Nam trở nên phổ biến rộng rãi hơn tại Hà Nội.

Quán chè thập cẩm bị phản ánh đắt nhất Hà thành: Ngày cao điểm bán hết 1500 cốc - Ảnh 3.

Cụ Mai nhận trọng trách thu ngân để "bớt rảnh tay"

Dẫu bị lẫn ở tuổi già, nhưng cụ Mai luôn nhớ những kỉ niệm đẹp về thức chè thập cẩm nức danh của quán từ thuở trẻ. Trong khoảng thời gian tập kết tại miền Bắc, cụ thường xuyên đảm nhận công việc nấu nướng cho các bộ đội. "Từ ngày xưa, tôi đã nấu gì cũng ngon. Thời còn trẻ, tôi nấu chè cho bộ đội. Sau khi bộ đội ăn xong, thấy ngon quá, họ lại xách xoong qua bảo tôi nấu tiếp", cụ kể lại. Cũng từ đó, sau khi quyết định ở lại Hà Nội với chồng, cụ Mai quyết định bán chè là nghề lâu dài để mưu sinh.

Bên cạnh đó cụ còn đặc biệt nhấn mạnh: "Bán chè này thì tôi không bao giờ dám bỏ thứ gì độc hại. Không bao giờ tôi cho đường hoá học. Tôi cho đường hoá học vào chè thì tôi không phải là con người".

Chia sẻ về một số tiêu chí lựa chọn nguyên liệu để làm nên được món chè nổi danh đắt đỏ, cô Dung, con gái của cụ Mai, là người được truyền nghề từ năm 36 tuổi cho biết: "Nguyên liệu phải lựa chọn kĩ càng, nhất là bột trân châu vì làm rất khó. Hoa quả phải tươi ngon là tiêu chí hàng đầu. Cách bảo quản của mình cũng phải tốt. Hàng ngày, mình vẫn tự kiểm tra tất cả dù nhân viên ở đây đã thạo việc, có cái mình phải tự tay làm".

Theo cô, việc lựa chọn bột để làm trân châu đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và khó khăn nhất. Với nhân trân châu, đặc biệt là nhân socola, cô Dung phải luôn nhập khẩu từ Đức để có thể làm được một nguyên liệu thật sự ưng ý và chất lượng.

Vốn tâm huyết với sự nghiệp bán chè được nối truyền từ cụ Mai, cô Dung chưa bao giờ có ý định mở thêm bất kỳ một cơ sở nào khác. Mặc dù buôn bán đắt hàng và có thương hiệu nổi tiếng lâu năm, cô vẫn quyết tâm giữ vững chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

Vì vậy, khi nhắc đến dự định trong tương lai, cô dự định sẽ truyền lại nghề cho người con gái còn nhỏ tuổi. Một phần để giữ gìn món nghề đáng quý mà cụ Mai tâm huyết, phần mong muốn giữ được hương vị cũ giữa "thành phố ẩm thực" đầy cạnh tranh một cách lâu dài.

Dần dà theo thời gian, những vị khách đến với "Chè thập cẩm Cũ 1976" không chỉ bởi sự tò mò nhất thời, mà đến vì chất lượng xứng đáng đã níu giữ họ.

Chị Phan Mỹ Linh (Đà Nẵng) khi đến Hà Nội, được bạn dẫn đến đây ăn lần đầu cũng không khỏi tấm tắc khen: "Mỗi nơi đều có hương vị khác nhau. Nhưng chè ở đây mình ăn thấy không quá ngọt. Có vị béo của đậu xanh, trân châu cũng ngon. Ở ngoài đây ngoài những nguyên liệu từ loại đậu ra thì có cả trái cây. Bình thường mình ăn chè trong kia có 10.000 đồng/ly thôi. Lúc đầu mình nhìn vào đây thấy 50.000 đồng/ly, trời, mình choáng luôn á. Năm mươi ngàn là một giá quá đắt, nếu như bán ở Đà Nẵng thì giá này không ai ăn đâu. Nhưng mà thật sự thì cũng xứng đáng, tại vì chè rất là ngon".

Dù món chè bình dân lại có cái giá đắt đỏ, quán của cụ Mai, cô Dung vẫn luôn có một lượng khách quen khổng lồ. Là khách ruột lâu năm, cô Phan Thu Giang (Cầu Giấy) vẫn luôn chọn quán là địa điểm lý tưởng để gặp mặt, nói chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp.

Cô kể lại: "Mình đã ăn chè ở đây phải 43 năm rồi, từ khi 3, 4 tuổi, lúc còn bé tí. Mà tất cả mọi người trong gia đình tôi đều ăn chè ở đây. Bạn bè của mình sau khi lớn lên cũng ăn chè ở đây. Mình trải nghiệm gần hết 72 món chè ở đây rồi, món thập cẩm là món nổi tiếng ở quán này. Với giá 50.000 đồng cho một cốc, mình thấy hoàn toàn xứng đáng. Ở Hà Nội mình chưa thấy quán chè nào ngon bằng quán này".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại