Câu chuyện Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận rằng "ở chỗ này chỗ kia yêu cầu doanh nghiệp phải nộp phong bao phong bì" là có; rằng vì lợi ích của cá nhân, công chức, viên chức thi hành công vụ gây khó dễ cho doanh nghiệp, mặc cả với doanh nghiệp tại buổi họp báo chiều 4/10 chỉ là những chuyện nói ra hay không, còn thực tế không hiếm.
Tuy nhiên, với việc ban hành nguyên tắc của mình, UBND TP.Hồ Chí Minh đã viết "một câu chuyện lạ". Đó nguyên tắc thực hiện thư xin lỗi trong quy định về thư xin lỗi với trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn trên địa bàn TP.
Theo nguyên tắc này, tất cả các trường hợp thủ tục hành chính giải quyết trễ hẹn đều phải gửi thư xin lỗi kịp thời, nêu rõ lý do chưa có kết quả và ngày hẹn trả kết quả lần sau cho cá nhân, tổ chức.
Nhắc đến câu chuyện ứng xử "lạ" này của chính quyền với doanh nghiệp trên địa bàn, chắc hẳn nhiều người còn nhớ đến "quán cà phê chủ tịch" ở tỉnh Đồng Tháp.
Tại Đồng Tháp, ngay trong khuôn viên văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp có kê mấy cái ghế đá, xung quanh là cây cảnh và bảng chữ "Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp"... Đó không còn là địa điểm xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp "đóng quân" trên địa bàn tỉnh này.
Chủ tịch và bí thư Đồng Tháp tiếp doanh nghiệp lúc 6h45' tại quán cà phê chủ tịch (Ảnh: Vân Trường/Tuổi trẻ)
Đây là quán cà phê được lập ra từ ý tưởng của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương. Đến quán với tư cách là những vị khách, các doanh nghiệp được ông chủ tịch mời cà phê và được "tố" khổ.
Từ những câu chuyện bên tách cà phê buổi sáng ngay tại quán, đã có rất nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhất là vấn đề "xin - cho" đã được tháo gỡ. Và cũng không ít chính sách không phù hợp đã được sửa đổi, bổ sung từ góp ý của doanh nghiệp.
Điều mà ai cũng thấy rõ sau khi bước ra khỏi quán cà phê này, đó là doanh nghiệp được tạo thuận lợi để làm ăn và phát triển. Còn ông chủ tịch tỉnh thì "mất" những tách cà phê.
Nhưng mấy ai biết, cái "được" của ông chủ tịch tỉnh chính là sự thoải mái khi ông giúp doanh nghiệp trút được gánh nặng ngàn cân khi bỏ câu chuyện xin - cho như ông đã từng tâm sự.
Cái "được" này đã "truyền đến tai" Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó, chính Thủ tướng đã hai lần nhắc và đề nghị các tỉnh học tập lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp dành thời gian gặp gỡ uống cà phê, trực tiếp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Không dừng lại ở việc nhắc nhở và đề nghị, đầu tháng 8/2016, chính Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo lập một website của Chính phủ giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp cùng các chuyên gia và các tổ công tác tiếp thu, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp tới Chính phủ.
Nói cách khác, qua hệ thống này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể "tố" khổ đến Thủ tướng và sẽ được các bộ, ngành, địa phương trả lời.
Cụ thể, việc này sẽ được Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thành lập tổ công tác để đôn đốc kiểm tra và trả lời trực tiếp cho doanh nghiệp với danh nghĩa Chính phủ trả lời cho doanh nghiệp.
Trang web để doanh nghiệp có thể "tố" khổ đến Chính phủ được giới thiệu tại buổi họp báo chiều 4/10 (Ảnh: Tuấn Nam)
Thực tế, ngày 1/10/2016, website doanhnghiep.chinhphu.vn đã bắt đầu hoạt động và từ ngày 5/10/2016, tổ giúp việc cho Bộ trưởng sẽ trực tiếp tiếp nhận các thông tin của doanh nghiệp.
Cùng mục đích giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hẳn Thủ tướng đã có một "quán cà phê doanh nhân" của mình.
Dù không "mất" những tách cà phê cho doanh nghiệp, công sức của vị Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng như các vị chuyên gia, tổ công tác không quy thành những tách cà phê nhưng, cái "được" của Thủ tướng sẽ không chỉ là sự thoải mái trong tinh thần.
Với "quán cà phê doanh nhân" này, nếu "đông khách", Thủ tướng sẽ "lãi". Những "bánh đà" doanh nghiệp sẽ được kích hoạt và đoàn tàu kinh tế sẽ "được" tăng tốc mạnh hơn, áp lực từ bài toán phát triển kinh tế đất nước đè lên vai người đứng đầu Chính phủ sẽ giảm đi.
Và khi đó, chắc chắn mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp sẽ không chỉ là một một con số ảo.