Các nhà nghiên cứu vừa sản xuất thành công tấm vải phát sáng với kích thước lớn. Ánh sáng phát ra có màu vàng và có thể kéo dài liên tục hơn bảy ngày.
Vật liệu mới này có giá rẻ, linh hoạt và trong suốt, nhiều khả năng sẽ được ứng dụng rộng rãi trong may mặc, bảng hiệu và trang trí nội ngoại thất.
Vải phát sáng với họa tiết trang trí.
Nhóm nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của GS. Ludwig Edman tại Đại học Umea, Thụy điển cùng phối hợp với LunaLEC AB và AG đã công bố phát minh của mình trên tạp chí chuyên ngành.
Họ cho biết, khác với cấu trúc phát sáng thông thường có các điện cực cứng chắc, sản phẩm kết hợp điện hóa của họ mềm và dễ dàng áp dụng trong may mặc.
Đặc tính quan trọng nhất của loại vải mới này là nó rất linh hoạt, nhẹ và giá thành thấp. Hiện nay công nghệ sản xuất các đèn bán dẫn phát sáng gốc hữu cơ OLED khá phức tạp. Hơn thế nữa, điện cực thường được làm bằng vật liệu ITO khá hiếm và đắt tiền.
Mạng lưới đèn phát sáng trên vải thế hệ mới.
Trong khi đó, để sản xuất loại vải phát sáng thì chỉ cần phun một màng tế bào điện hóa LEC phát sáng lên trên tấm nền trong suốt.
Quy trình khá đơn giản và ít tốn kém hơn so với sản xuất OLED. Điện cực mới được dệt bằng dây đồng mạ bạc và sợi polime để tạo thành mạng lưới, sau đó nó được phủ bởi mực dẫn điện.
Các thí nghiệm cho thấy ánh sáng phát ra đồng đều, có màu vàng và thời gian phát sáng lâu. Họ hy vọng sẽ ngày càng cải thiện hiệu suất và độ phát sáng của vải.
Trong tương lai không xa, các nhà nghiên cứu sẽ có thể sản xuất vải phát sáng trên quy mô lớn giống như vải dệt thông thường hiện nay.
Trước đó, các nhà khoa học tại Đại học Tokyo đã thử nghiệm một loại điện cực trong suốt với hy vọng áp dụng cho mục đích tương tự.
Điện cực trong suốt được tạo ra từ mạng lưới sợi nhôm.
Trong nghiên cứu của mình, họ tạo ra màng lưới các sợi nhôm có kích thước rất nhỏ đan xen vào nhau.
Kết quả thu được là màng điện cực trong suốt, linh hoạt và rất bền. Những ứng dụng ban đầu có thể cho thiết bị hiển thị như màn hình điện thoại, TV, máy tính.