Sáng 11/5, Đoàn đại biểu của TP.HCM tiếp xúc cử tri quận 2, trong đó có người dân Thủ Thiêm. Tổ đại biểu Quốc hội gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM), ông Phan Nguyễn Như Khuê (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy) và bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó chánh án TAND TP.HCM).
Buổi tiếp xúc nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14.
Ban tổ chức chỉ mời 90 cử tri của 11 phường. Ảnh: Kỳ Hoa
Để đảm quy định phòng chống Covid-19, ban tổ chức chỉ mời 90 cử tri của 11 phường. An ninh xung quanh khu vực được thắt chặt, chỉ những người có thư mời mới được vào hội trường. Rất đông người dân mang băng rôn, biểu ngữ khiếu nại tập trung bên ngoài Nhà thiếu nhi quận 2 - nơi diễn ra buổi làm việc, yêu cầu được vào dự hội nghị tiếp xúc.
"Mỗi lần họp với đại biểu Quốc hội là mỗi cơ hội của cử tri quận 2, đặc biệt là người dân ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đến đoàn đại biểu. Chúng tôi mong muốn tiếng nói của người dân được đưa lên nghị trường Quốc hội, nhưng hôm nay lại không được vào", Nguyễn Châu Hùng (phường Bình Khánh, quận 2) bức xúc nói.
Còn cử tri Lê Thị Kim Thanh bày tỏ, sự việc kéo dài khiến chị và người dân Thủ Thiêm làm ăn khó khăn, không có nhà ở, việc học hành của con cái cũng bị ảnh hưởng.
Buổi tiếp xúc kéo dài khoảng 2 giờ, có 15 cử tri phát biểu, song không ai đề cập đến khiếu nại ở dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết, hôm 7/5, UBND TP.HCM đã ban hành chính sách đền bù nhà đất ở khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch. Quận 2 đang xây dựng kế hoạch thực hiện.
Ông Hưng cũng cho biết, do dịch Covid-19 nên chưa thực hiện tiếp xúc người dân tại 5 khu phố và 3 phường phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh - được nhiều người cho là cũng nằm ngoài ranh quy hoạch. Dự kiến, nội dung này sẽ được thực hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.
Người dân đội nắng chờ suốt 2 giờ liền. Ảnh: Hải Long
Trước đó, hồi tháng 1, Thanh tra Chính phủ và UBND TP.HCM thống nhất đối thoại với các hộ dân tại 5 khu phố thuộc 3 phường khiếu nại nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ ngày 17/2 đến ngày 22/2.
Song, cuộc đối thoại tạm hoãn do các cơ quan đang tập trung phòng chống dịch Covid-19.
Ngày 8/4, Thanh tra Chính phủ có quyết định lập Tổ công tác đối thoại với người dân Thủ Thiêm do ông Nguyễn Hồng Điệp (Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương) làm tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung đối thoại với người dân Thủ Thiêm, đồng thời tham mưu lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trả lời khi có yêu cầu.
Rất đông người dân tập trung trước Nhà thiếu nhi quận 2. Ảnh: Hải Long
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ngày 8/5 đã có báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc việc thành phố lập tổ công tác và ban hành kế hoạch thực hiện các kết luận Thanh tra Chính phủ cũng như thực hiện kế hoạch kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm đối với tập thể và cá nhân có liên quan theo kết luận thanh tra...
UBND thành phố cũng sẽ tham mưu Thành ủy ban hành nghị quyết về tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm tại kỳ họp giữa năm 2020.
Nhiều người dân bức xúc, yêu cầu được vào tham gia hội nghị tiếp xúc. Ảnh: Hải Long
Vi phạm liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 20/3, ông Lê Thanh Hải bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM (giai đoạn 2010 - 2015); ông Lê Hoàng Quân (nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM) cũng bị kỷ luật cảnh cáo.
Thành phố cũng bị yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng do tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT (xây dựng - chuyển giao) không đúng...
Người dân chặn xe, đòi tiếp xúc với đại biểu. Ảnh: Hải Long
Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 657 ha, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay), được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP.HCM, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...
TP.HCM khẳng định thực hiện dự án KĐTM Thủ Thiêm không nhằm kinh doanh bất động sản. Phần lớn diện tích được ưu tiên làm các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm thành phố hiện hữu chưa có. Tuy nhiên, hơn 20 năm sau quy hoạch dự án vẫn còn dở dang, hàng trăm hộ dân khiếu nại từ thành phố đến Trung ương vì cho rằng bị thu hồi đất trái quy định.
Thanh tra Chính phủ hai lần kết luận hàng loạt sai phạm của UBND TP.HCM và các bộ ngành liên quan. Thành phố cũng bị yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng do tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng...