Theo tờ Space, hiện tượng đặc biệt đó là mưa sao băng Geminids với giai đoạn cực đại rơi vào giữa tháng 12 hàng năm. Đây là cơn mưa sao băng lạ lùng và gây nhiều thắc mắc đối với các nhà khoa học. Bởi nó không sinh ra từ chiếc đuôi đá bụi của sao chổi, mà là tiểu hành tinh.
Tuy được đặt tên theo chòm sao Song Tử (Gemini) mà trận mưa sao băng trông như từ đó phun ra nhưng nguồn gốc của Geminids lại là vật thể cổ quái 3200 Phaethon.
3200 Phaethon - Ảnh đồ họa từ NASA
Trong nghiên cứu mới, NASA đã giải thích cách mà một tiểu hành tinh có thể tạo ra mưa sao băng: Một vụ va chạm khốc liệt tốc độ cao với một vật thể khác trong quá khứ, khiến tiểu hành tinh bị nát vỡ một phần. Khả năng thứ hai là nó đã gặp phải một vũ khí bí ẩn.
Nhưng dù là gì, nó đã tạo ra một mớ mảnh vụn khổng lồ lơ lửng gần tiểu hành tinh. Mưa sao băng Geminids được tạo ra khi Trái Đất đi qua đám mảnh vỡ này mỗi cuối năm.
Phát hiện này được đưa ra từ các dữ liệu của Tàu thăm dò Mặt Trời Parker của NASA, hoạt động ở khu vực có thể thăm dò tốt về tiểu hành tinh và đám mảnh vỡ của nó.
Cách mà vật thể này ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt khi đến gần ngôi sao mẹ nóng bỏng của chúng ta và cách mà luồng bụi từ nó quay trên một quỹ đạo xa hơn một chút so với vật thể chính đã chỉ ra vụ va chạm tiềm năng trong quá khứ.
3200 Phaethon là một tiểu hành tinh carbonaceous chondrites, cổ xưa hơn Trái Đất, có từ thuở sơ khai của hệ Mặt Trời hoặc thậm chí trước đó, nên có niên đại ít nhất từ 4,6 đến gần 5 tỉ năm.
Nhóm carbonaceous chondrites cũng mang những thành tố có thể giải thích nguồn gốc của sự sống Trái Đất. Do đó, mỗi viên đá mà nó ném xuống Trái Đất là một kho báu vĩ đại nếu bạn may mắn nhặt được một viên - giống như mogia đình ở New Jersey - Mỹ nhặt được thiên thạch từ mưa sao băng Eta Aquarids hồi tháng 5, là mảnh sao chổi Halley.