Nội dung chính
- Trung Quốc đối mặt với tình trạng sa mạc hóa nghiêm trọng
- "Quái thú" trị cát lập kỳ tích xanh khiến thế giới kinh ngạc
Bài viết đăng tải trên Sina vào ngày 6/8/2024 đã hé lộ những nỗ lực không ngừng nghỉ và sáng kiến đột phá là "quái thú" trị cát giúp Trung Quốc biến sa mạc thành miền đất hứa.
Những "vùng đất chết" nơi sa mạc nuốt chửng mọi thứ
Dựa trên dữ liệu từ cuộc khảo sát thứ năm về tình trạng hoang hóa và sa mạc hóa đất đai tại Trung Quốc, tổng diện tích đất hoang hóa của quốc gia này là 2,6116 triệu km2, chiếm 27,2% tổng diện tích đất liền. Tổng diện tích đất bị sa mạc hóa là 1,7212 triệu km2, chiếm 17,93% tổng diện tích đất liền. Những con số này cho thấy mức độ sa mạc hóa đáng báo động ở Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở phía Bắc và khu vực Tây Bắc, bao gồm các tỉnh như Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Thiểm Tây, Ninh Hạ, Cam Túc và Thanh Hải.
Trong đó, sa mạc Taklamakan là sa mạc lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ hai thế giới, trải dài khoảng 1.000 km từ đông sang tây và 400 km từ bắc xuống nam, với diện tích lên tới 330.000 km2. Sa mạc Gurbantunggut là sa mạc lớn thứ hai của Trung Quốc, với diện tích khoảng 48.800 km2. Sa mạc Badain Jaran là sa mạc lớn thứ ba của Trung Quốc, rộng khoảng 44.300 km2. Sa mạc Tengger là sa mạc lớn thứ tư của Trung Quốc, có diện tích khoảng 43.000 km2. Ngoài ra còn có các sa mạc khác như Qaidam, Kumtag, Kubuqi.
Nguyên nhân gây ra sa mạc hóa không chỉ do yếu tố tự nhiên mà còn do hoạt động khai khẩn và chăn thả quá mức của con người. Những hành động này dẫn đến sự biến mất của rừng, suy thoái đồng cỏ, và cuối cùng là sự hình thành sa mạc do xói mòn đất nghiêm trọng.
Đất đai sau khi bị hoang mạc hóa không thể canh tác hay chăn thả. Đất bị xói mòn còn trôi xuống các con sông gần đó, điển hình là sông Hoàng Hà. Việc ngày càng nhiều đất bị hoang mạc hóa đồng nghĩa với việc đất canh tác và chăn thả giảm đi, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nông nghiệp và chăn nuôi, vốn là những ngành quan trọng đối với một quốc gia nông nghiệp như Trung Quốc.
Nhận thức được tình trạng sa mạc hóa nghiêm trọng, từ những năm 1950, các cơ quan chức năng đã bắt đầu triển khai các biện pháp khắc phục. Phương pháp truyền thống được nhiều người nghĩ đến là "trồng nhiều cây xanh". Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn nhiều. Không phải khu vực nào trong sa mạc cũng có thể trồng cây. Việc trồng cây cần bắt đầu ở những vùng cát có nước ngầm, thường nằm ở rìa ngoài của sa mạc.
Vì vậy, việc trồng cây trong sa mạc thường được tiến hành từ rìa ngoài vào trong. Không phải loại cây nào cũng có thể sống sót trong môi trường khắc nghiệt này. Nhiều loại cây thông thường sẽ chết khô nhanh chóng. Do đó, người ta thường bắt đầu bằng việc ổn định nước ngầm và đất.
Chỉ khi hoàn thành lớp bảo vệ này, mới có thể trồng các loại cây lớn. Vậy làm thế nào để thực hiện điều này?
Hành trình gieo mầm xanh của "quái thú" trị cát
Trung Quốc có một phương pháp trị cát độc đáo là sử dụng rơm rạ. Đầu tiên, người ta chọn những bó rơm có độ dài phù hợp, sau đó chia khu vực sa mạc thành các ô vuông bằng các đường kẻ. Tiếp theo, dùng dụng cụ ấn phần giữa của bó rơm xuống cát dọc theo các đường kẻ này, tạo thành các ô vuông. Kể từ năm 1992, khu vực sa mạc Nội Mông đã được áp dụng cách làm trị cát này.
Phương pháp trị cát truyền thống chủ yếu dựa vào sức người, ví dụ như chọn rơm, xếp rơm và ấn rơm xuống cát bằng tay. Điều này không chỉ khiến hiệu suất công việc thấp mà còn là một thử thách lớn về thể lực cho những người làm công tác trị cát, đặc biệt là trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Để cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao hiệu quả trị cát, nhóm nghiên cứu của Lưu Tấn Hạo (Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh) đã phát triển thành công một loại xe đa năng tích hợp các chức năng như cố định cát, trồng cây vào năm 2016. Kết quả thử nghiệm cho thấy, "quái thú" trị cát này có thể tự động trồng 2.000 cây con mỗi giờ và phủ xanh 40 mẫu sa mạc mỗi ngày, hiệu quả gấp 50 lần so với phương pháp truyền thống. Chiếc máy đa năng này được những người làm công tác trị cát gọi là "quái thú" trị cát.
Phần sau của xe được trang bị thùng chứa rơm, máy chải rơm và cố định cát. Trước khi vận hành, công nhân sẽ cho rơm lúa mì, rơm lúa, lau sậy và các vật liệu khác vào máy chải rơm. Khi máy hoạt động, vật liệu sẽ được vận chuyển bằng băng chuyền đến đuôi xe, sau đó được sắp xếp lại và cố định. Cuối cùng, các đoạn rơm dài 20-30 cm sẽ được bánh lăn hình tròn ấn xuống độ sâu 15 cm dưới cát. Các ô rơm hình vuông này giúp bề mặt sa mạc trở nên gồ ghề hơn, giảm sức gió và giữ lại một phần nước. So với máy trồng rơm truyền thống, máy đa năng này còn có nhiều khả năng khác. Nó có thể kiểm soát chính xác khoảng cách giữa các đoạn rơm, đảm bảo mật độ vừa phải, không quá dày cũng không quá thưa.
Ngoài ra, về quá trình trồng cây con, máy còn có thể tưới nước, giúp tăng tỷ lệ sống sót của cây.
Khoang chứa lớn và khả năng hoạt động liên tục giúp tiết kiệm tối đa chi phí nhân công. "Quái thú" trị cát này có thể "nuốt" 40 mẫu sa mạc mỗi ngày. Không lâu sau đó, nhóm nghiên cứu đã nâng cấp máy bằng cách thêm cánh tay đòn tự điều chỉnh và tối ưu hóa hệ thống động lực. Hiện tại, nhóm đang nghiên cứu để biến "quái thú" trị cát thành một thiết bị trị cát hoàn toàn tự động, có thể thay thế con người làm việc trong những khu vực sa mạc khắc nghiệt hơn.
Xe cố định cát đa năng này được trang bị công nghệ cắm nghiêng kiểu bước lắc và công nghệ vận chuyển rơm liên tục kiểu cắt ngang dọc. Nó cũng có thể điều chỉnh theo địa hình khác nhau để cải thiện chất lượng cắt tỉa. Chỉ cần 3-6 tháng, "quái thú" này có thể hoàn thành khối lượng công việc mà trước đây người trị cát phải mất cả năm. Năm 2007, tỉnh Cam Túc đã quyết định mua xe cố định cát đa năng để xử lý 3.700 mẫu sa mạc. Kết quả thực tế đã chứng minh hiệu quả của máy, khiến những người làm công tác trị cát vô cùng ấn tượng với sức mạnh của khoa học công nghệ. Họ nhận thấy chỉ trong 1-2 giờ, máy đã hoàn thành công việc mà họ phải mất gần cả ngày. Với "quái thú" trị cát này, việc trị cát trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Nỗ lực khiến thế giới "ngả mũ thán phục" của Trung Quốc
Được biết, kể từ những năm 1990, số lượng gia súc ở Nội Mông tăng mạnh, dẫn đến việc chăn thả quá mức và làm trầm trọng thêm vấn đề hoang mạc hóa đất đai. Để bảo vệ môi trường, từ năm 2011, Trung Quốc đã thực hiện chính sách cân bằng cỏ và gia súc ở Nội Mông để giảm áp lực lên đồng cỏ. Sau hơn 10 năm nỗ lực, những vùng đất hoang vu trước đây đã dần trở lại xanh tươi, với cỏ cây um tùm và hồ nước trong xanh.
Khu vực Tam Bắc (Tây Bắc, Hoa Bắc và Đông Bắc) bao gồm 8 sa mạc lớn và 4 bãi cát, với tổng diện tích lên tới 1,33 triệu km2. Để kiểm soát tình trạng cát bay, phủ kín, Trung Quốc đã khởi động "Dự án Lâm nghiệp Sinh thái Nhân tạo quy mô lớn" vào năm 1979. Dự án này được chia thành 8 giai đoạn, kéo dài trong 73 năm và hiện đang ở giai đoạn thứ sáu. Rừng phòng hộ Tam Bắc trải dài trên 13 tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương) và 725 huyện với tổng diện tích 4,358 triệu km2.
Bên cạnh việc trồng những ô vuông rơm rạ, chính phủ Trung Quốc còn sử dụng các phương pháp như trồng cây nhân tạo, gieo hạt bằng máy bay và khoanh vùng bảo vệ để phát triển rừng và đồng cỏ, tạo nên một "bức tường xanh" chắn gió, cố định cát.
Theo báo cáo về tình hình phủ xanh đất đai năm 2021, Trung Quốc đã hoàn thành việc trồng rừng trên 3,6 triệu ha, cải tạo 2,0667 triệu ha đồng cỏ và xử lý thành công 1,44 triệu ha đất bị sa mạc hóa và đá vôi hóa, đạt được những thành tựu đáng kể. Từ năm 2004, Trung Quốc đã kiểm soát được đà mở rộng của sa mạc hóa. Diện tích đất hoang mạc hóa giảm trung bình 2.424 km2 mỗi năm, trong khi diện tích đất bị cát bay giảm trung bình 1.980 km2 mỗi năm.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã trồng khoảng 66 tỷ cây xanh. Thành quả này chứa đựng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ người dân trồng cây trên sa mạc.
Hình ảnh vệ tinh của NASA (Mỹ) cho thấy từ năm 2000 đến 2017, Trung Quốc đóng góp 25% diện tích xanh mới của toàn cầu. Những kỳ tích này khiến thế giới phải ngả mũ thán phục này là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc phủ xanh đất đai, đánh dấu sự chuyển đổi lịch sử từ "cát tiến người lùi" sang "xanh tiến cát lùi". "Quái thú" trị cát chỉ là bước khởi đầu trong công cuộc trị sa mạc.
Hy vọng rằng trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ cho ra đời nhiều công nghệ trị sa mạc hơn nữa, giúp biến đổi nhiều vùng đất khô cằn thành những "non xanh nước biếc".
Tổng hợp