Theo National Geographic, các nhà khoa học đã sử dụng chùm ion hội tụ của kính hiển vi điện tử để xem xét hình ảnh 3D được tạo nên từ hóa thạch Osteostraci, một " quái ngư " 423 triệu tuổi. Họ đã phát hiện rất nhiều đường dẫn xuyên xương bí ẩn trên bộ hài cốt.
"Trên thực tế, cấu trúc trong các mẩu xương hóa thạch tương đối giống với cấu trúc trong vật liệu điện cực của pin" – tiến sĩ Markus Osenber từ Helmholtz-Zentrum Berlin für Materialien (HZB) cho biết. HZB là một trung tâm nghiên cứu khoa học có trụ sở tại Berlin, Đức.
Chân dung "quái ngư" khi còn sống - Ảnh đồ họa từ nhóm nghiên cứu
Tờ Daily Mail trích dẫn nghiên cứu, cho biết bộ xương của loài cá không hàm, có "bọc thép" bí ẩn này đã thực sự làm việc như những cục pin: Lưu trữ canxi, phốt pho và nhiều khoáng chất khác thành một dạng mô đặc biệt. Khi cơ thể cần năng lượng, loại mô này sẽ tự hòa tan vào máu để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Khả năng có một không hai này đã giúp con cá kỳ lạ có thể vượt qua những hải trình dài mà không bị vướng bận nhiều bởi việc tìm kiếm thức ăn.
"Khả năng này mang lại lợi thế không thể chối cãi cho cá không hàm so với các động vật có xương sống cùng thời. Nó sâu sắc đến nỗi làm thay đổi quá trình tiến hóa của các động vật có xương sống, có hàm sau này" – tiến sĩ Yarra Haridy, nhà cổ sinh vật học từ Bảo tàng Naturkunde Berlin, cho biết.
Thực tế, động vật có xương sống, bao gồm tổ tiên chúng ta đã thay đổi để tiến hóa bộ xương thành dạng xương có các tế bào xương linh hoạt, tham gia quá trình chuyển hóa gần giống như "quái ngư" này.
Tuy rằng chức năng xương ở các động vật có xương sống không thể hiện rõ ràng tính năng "cục pin" như Osteostraci, nhưng cũng tham gia không ít vào việc lưu trữ và điều hòa các khoáng chất trong cơ thể.
Tuy nhiên việc phát hiện ra chức năng này, thể hiện một cách nguyên thủy và rõ ràng ở một sinh vật cổ đại như thế, là hoàn toàn đáng ngạc nhiên. Hóa thạch này còn quý giá ở chỗ các kênh xương vốn hẹp hơn một ngàn lần so với sợi tóc người gần như không bị hư hại sau hơn 400 triệu năm "hóa đá".