Thị trường béo bở
Đặt bức tượng đồng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn xuống bàn, người đàn ông trạc 50 tuổi móc trong ví ra đếm 80 tờ mệnh giá 500.000 đồng đưa cho Hùng: “Ghi phiếu thu đi, anh đặt trước 40 triệu, còn đâu hoàn thành xong giao đến nhà rồi anh thanh toán hết. Nhớ dát vàng chuẩn sẽ có thưởng”.
Ngồi gần 2 tiếng đồng hồ trong sáng thứ Bảy để nhìn lượng khách hàng giao dịch, được nghe những câu chuyện từ Hùng, người đàn ông bán hàng kiêm thợ kỹ thuật lành nghề của làng nghề đúc đồng Ý Yên, Nam Định kể lại, mỗi khi dịp cao điểm cách Tết Âm lịch 2 - 3 tháng, anh lại phải về xưởng quê chiều thứ Bảy để tăng cường làm thêm cùng đội thợ để cho kịp tiến độ thị trường.
“Trước kia cửa hàng của ông anh họ em chủ yếu đúc những bức tượng hoặc tranh bằng đồng. Toàn là những thứ treo đặt trong nhà phục vụ vấn đề phong thủy và thờ cúng.
Vài năm gần đây, nhà em mới đầu tư thêm máy móc công nghệ dát vàng 24k (hay còn gọi là vàng 9999, vàng ròng) để mở thêm 2 cửa hàng nữa ở Thanh Xuân và Cầu Giấy (Hà Nội), phục vụ việc bán các đồ dát vàng đang có nhu cầu tăng cao”, Hùng nói.
Về sự chịu chơi của khách, Hùng phân vân: “Cái khó của tụi em là chưa dám nhận những hợp đồng lớn. Có những khách hàng muốn đúc khung trong lẫn bên ngoài của tượng toàn bộ đều bằng vàng, nhưng giá trình nhúng bế điện phân, phân kim, thì lượng vàng có thể sẽ hụt 10-20%, nếu không hiểu thì không thể làm được”.
Tại Hà Nội, con phố Nguyễn Thái Học dài chừng 1,5 km, nhưng có đến chục cửa hàng bán đồ dát vàng. Trước đây, con phố này từng được biết đến như phố chép tranh, nhưng gần đây, một số của hàng đã bắt nhịp thị trường, chuyển hướng sang bán lẫn các đồ món đồ phủ vàng.
Chị Hiền, chủ cửa hàng ở Nguyễn Thái Học cho biết: “Các đồ vật ở cửa hàng có rất ít là đồ bán sẵn, các đồ bán sẵn này thường là các món quà lưu niệm khoảng chục triệu đồng trở xuống, còn những mặt trống đồng, hoành phi, cuốn thư, câu đối, hay chữ thư pháp, các bức tượng dát vàng này chỉ là mẫu trưng bày.
Các khách VIP thường thích đặt tùy theo sở thích và diện tích phòng. Những khách này thường là dân kinh doanh, họ quan tâm tới các vật phẩm, tranh phong thủy như Vinh quy bái tổ, Cá chép hóa rồng, Thuận buồm xuôi gió”.
Xu hướng dát vàng đồ phong thủy mới xuất hiện khoảng từ 3 năm trở lại đây, nhưng tốc độ phát triển các cửa hàng, cơ sở để đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh chóng.
Ở miền Bắc, những cơ sở gia công trực tiếp này chủ yếu đến từ làng nghề gia truyền Ý Yên, tỉnh Nam Định, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, tỉnh Thái Bình và làng nghề làm vàng lá ở Kiệu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Còn lại các cửa hàng bán đồ phong thủy dát vàng trên phố chủ yếu là buôn lại từ các cơ sở gia công.
“Cứ khoảng 2 tuần, cơ sở gia công lại đổ hàng một lần. Còn nhân viên của các cơ sở thì cuối ngày đến cửa hàng để lấy đơn đặt hàng theo yêu cầu của khách. Thậm chí, có lúc khách cần gấp, chủ cửa hàng như chúng tôi còn phải đích thân đánh xe riêng để giao hàng cho khách”, chị Hiền cho biết.
Không chỉ phố Nguyễn Thái Học, tại Lê Duẩn, con phố chuyên bán đồ thờ cúng bằng đồng lâu nay cũng xuất hiện những cửa hàng bán đồ dát hoặc mạ vàng.
Năm nay là năm Mậu Tuất với linh vật là con chó. Trong văn hóa tâm linh, chó là loài vật thông minh, trung thành, giữ nhà, giữ của cho chủ. Do vậy, thị trường đồ vật phong thủy cuối năm Đinh Dậu sôi động với các mẫu tượng linh khuyển.
Có những món đồ hàng trăm triệu đồng như tượng “Chó vinh quang” đứng trên đế quý Lưu ly có giá khoảng 133 triệu đồng, thậm chí tượng “Chó chiến thắng” nhập khẩu đeo vòng cổ kim cương đứng trên phiến đá quý Lưu ly xanh, có giá khoảng 605 triệu đồng.
Không chỉ ở các cửa hàng trên phố hay các xưởng gia công, mặt hàng đồ phong thủy mạ vàng còn được rao bán trên các cửa hàng online.
Chỉ cần ngồi gõ tìm trên Google các từ khóa: “Dịch vụ dát vàng”, hay “tượng phong thủy dát vàng”… ngay lập tức có hàng trăm nghìn kết quả hiện ra. Điều này cho thấy, thị trường này sôi động đến nhường nào.
“Vàng thau lẫn lộn”
Cùng với sự phát triển của kinh tế, thị trường đồ phong thủy phủ vàng cũng ngày càng phát triển và đa dạng kích cỡ, hình dạng, loại hình…
Tuy nhiên, do nhu cầu cao, nên trên thị trường cũng xuất hiện cả hàng mạ vàng giả, nếu khách hàng không để ý kỹ, thì rất khó phân biệt. Thực tế, trên thị trường trong thời gian qua, đã xuất hiện việc một số sản phẩm vàng bị phát hiện pha độn đến 50% hợp chất vonfram.
Còn theo đại diện Bộ phận Marketing, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), việc một số cơ sở quảng cáo có dùng vàng lá SJC để dát là bịa đặt, vì đơn vị này không cung cấp nguyên liệu để dát hay mạ vàng, mà chỉ cung cấp dạng thành phẩm như vàng miếng hoặc vàng nhẫn và quà tặng bằng vàng.
“Có những bức tranh dát cả 3 - 4 cây vàng ròng. Có những khách hàng mua 2 - 3 bức tranh như thế để về treo ở các phòng. Nếu khách chủ quan, lơ là, thì số tiền mất lên tới cả trăm triệu như chơi”, Hùng khuyến cáo.
Khảo sát của phóng viên Đầu tư Bất động sản tại các cửa hàng bán đồ phong thủy mạ vàng cho thấy, nguồn gốc của các mặt hàng này rất đa dạng. Có hàng cả hàng nhập khẩu (từ Nhật Bản, Trung Quốc…) và hàng sản xuất trong nước (Ý Yên và Kiêu Kỵ).
Tuy nhiên, một cửa hàng cho biết, việc dùng vàng lá của Kiêu Kỵ dát ở những bức tranh lớn hoặc trên trần nhà thường không được dùng nhiều vì kích cỡ bé, nên rất tốn kém.
Để phân biệt các sản phẩm mạ vàng giả, theo GS. Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện đá quý vàng và trang sức Việt, việc kiểm định những thành phẩm được mạ hoặc dát từ vàng với kích thước lớn, phải dùng phương pháp sử dụng vật đối trọng.
Cụ thể, như hình dưới, để thử độ vàng của đối vật được mạ, ta sử dụng một ngôi sao với các cánh được gắn vàng chuẩn với các nồng độ vàng khác nhau (14K, 21K, 24K) và một lọ acid mạnh có thể hoà tan vết vạch của vàng trên tấm đá.
Sau đó, vạch một vạch vàng của đối vật trên phiến đá và vạch một vạch vàng của đỉnh cánh ngôi sao với một hàm lượng vàng nào đó. Cuối cùng, dùng acid đổ lên hai vạch vàng trên tấm đá.
Quan sát vạch vàng nào bị hoà tan mất trước thì vạch vàng đó có hàm lượng nhỏ hơn hàm lượng vàng ghi trên đỉnh ngôi sao. Cứ làm như vậy sẽ đến lúc tìm được lúc cả hai vạch vàng đều không bị hoà tan. Khi đó xác định hàm lượng vàng của đối vật chính là hàm lượng vàng được chi trên đỉnh cánh ngôi sao.
Ngoài ra, người mua có thể đem các món đồ đến trung tâm kiểm định vàng để dùng đầu thử máy chiếu X-quang thử đối vật để thu được tỷ lệ % vàng. Tuy nhiên, hiện chiếc máy này có giá lên đến gần 400 triệu đồng, nên không phải cơ sở nào cũng đầu tư, chỉ có những công ty vàng bạc lớn mới đầu tư loại máy này.
Do đó, để đảm bảo không mua phải hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam khuyên khách hàng nên chọn mua những món đồ ở nơi sản xuất có uy tín, thương hiệu.
Các tên tuổi lớn lớn này đều có mảng quà tặng bằng vàng, hoặc nhận đặt làm theo yêu cầu riêng, trong đó có các món đồ phong thủy bằng vàng cả mạ và đúc nguyên khối.