"Quả ngọt" của bà mẹ có con trai tự kỷ biết vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ

Bài & Ảnh: Trường Hùng |

Nhờ những nỗ lực của mẹ, Hiếu - chàng trai tự kỷ 23 tuổi có thể vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ (organ, piano, saxophone, guitar, sáo trúc, trống điện tử).

Chàng trai Nguyễn Trung Hiếu.

Chàng trai Nguyễn Trung Hiếu.

Nguyễn Trung Hiếu (23 tuổi, Hà Nội) là một người tự kỷ chức năng cao (thuật ngữ cũ gọi là hội chứng Asperger).

Ngoài những đặc trưng dễ nhìn thấy ở những người tự kỷ nói chung, dạng tự kỷ này còn được đăng trưng bởi chỉ số thông minh, khả năng học hỏi, trí nhớ tốt và tính toán giỏi.

Hiếu chơi chơi 6 loại nhạc cụ - organ, piano, saxophone, guitar, sáo trúc, trống điện tử.

Bạn nhỏ tự kỷ đầu tiên biết chơi đàn trên sân khấu

Trong các phương pháp can thiệp cho người tự kỷ hiện nay, trị liệu bằng âm nhạc có tác dụng khắc phục các khuyết điểm về tinh thần, thể chất, nâng cao chất lượng cuộc sống và thay đổi các hành vi có vấn đề của trẻ tự kỷ.

Cũng vì lẽ đó, khi can thiệp cho Hiếu, bên cạnh việc mời giáo viên chuyên biệt tới nhà can thiệp, chị Nguyễn Mai Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Gia đình Người Tự kỷ Hà Nội còn mời giáo viên âm nhạc dạy kèm 1-1 cho con.

"Mục đích của tôi ban đầu chỉ là để cải thiện khả năng thính giác của con, hoàn thiện khả năng phối hợp giữa mắt và tay. Nhìn chung đây là những hoạt động rất khó khăn đối với người tự kỷ", chị Mai Anh chia sẻ.

Quả ngọt của bà mẹ có con trai tự kỷ biết vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ - Ảnh 2.

Hiếu chơi đàn organ.

Hiếu bắt đầu học loại nhạc cụ đầu tiên (organ) năm lên 7 tuổi. Mới đầu em nhấn phím lung tung, tạo thành những âm thanh lộn xộn. Khoảng 3 tháng sau, Hiếu đã chơi được những bản nhạc thiếu nhi đơn giản – "Ra chơi vườn hoa", "Một con vịt"..., rồi đến những bài nhạc nước ngoài như "Happy birthday"...

Nhân dịp Noel năm ấy, CLB tổ chức lễ giáng sinh cho các trẻ tự kỷ và Hiếu có tham một tiết mục biểu diễn đàn organ. Đây là lần đầu Hiếu lên sân khấu, chị Mai Anh vừa hồi hộp, vừa lo lắng, sợ rằng con thấy đông người sẽ không biểu diễn được.

Nhưng đến khi những nốt nhạc dạo đầu ngân lên, chị cảm thấy hạnh phúc, tự hào khi thấy con tự tin, thể hiện thành tạo bản nhạc "Jingle bells". "À, con mình cũng chơi được nhạc đấy!", chị Mai Anh thầm nhủ.

Cho tới thời điểm đó, chỉ tính riêng các trẻ trong CLB, Hiếu là bạn nhỏ tự kỷ đầu tiên biết chơi nhạc cụ và biểu diễn trước mọi người.

Song tấu saxophone cùng cha con nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn

Trong một lần cùng mẹ đi chơi phố, thấy một nghệ sĩ đường phố độc tấu saxophone, Hiếu tò mò đến mượn và thổi thử. Thấy con thích thú, chị Mai Anh liền mua ngay cho Hiếu một cây kèn và nhờ thầy giáo âm nhạc dạy kèm thêm – bên cạnh việc học piano, guitar, sáo trúc, trống điện tử.

Việc học nhiều nhạc cụ cùng một lúc, không chỉ giúp Hiếu tránh nhàm chán khi học nhạc mà còn nâng cao hiệu quả trị liệu, can thiệp bằng âm nhạc. Qua những cách chơi, âm sắc khác nhau, trẻ tự kỷ có thể tự điều chỉnh và cân bằng cảm xúc của bản thân một cách tốt hơn.

Quả ngọt của bà mẹ có con trai tự kỷ biết vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ - Ảnh 3.

Hiếu tập saxophone bài "Hơn cả yêu".

Hơn nữa, âm nhạc còn là những tần số kỳ diệu giúp trẻ tự kỷ tương tác với thế giới bên ngoài. Nhờ kỹ năng chơi các loại nhạc cụ, Hiếu thường được các cơ quan, tổ chức mời đến biểu diễn tại các sự kiện, chương trình dành cho người tự kỷ, người khuyết tật.

Chị Mai Anh nhớ nhất là khi Hiếu song tấu saxophone bản "Nhật ký của mẹ" cùng cha con nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, trong ngày hội thể thao diễn ra trong khuôn khổ Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ lần thứ 2 tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM), ngày 2/4/2017.

Trước đó một ngày, khi hay tin Hiếu sẽ tham gia sự kiện này, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã gọi điện hỏi chị Mai Anh một cách kỹ càng, cẩn thận về bản nhạc biểu diễn, khả năng cũng như những điều cần hỗ trợ.

Thường những bạn tự kỷ như Hiếu tuy khả năng vỡ bài nhạc mới rất nhanh, nhưng cái khiếm khuyết là chơi nhạc một cách cứng nhắc, không đưa được tâm hồn của người chơi vào trong bản nhạc. Nghĩa là Hiếu thổi chỉ có thổi thôi, đúng nốt, đủ nốt của bản nhạc là kết thúc.

Điều này vô hình trung gây có khăn khi biểu diễn song tấu, đòi hỏi cả hai người chơi phải hiểu nhau và có sự tương tác với nhau. Nhưng vì đã tìm hiểu từ trước, nên nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và con gái Trần An đã lường trước được và cùng Hiếu hoàn thành bản nhạc một cách đầy cảm động.

Quả ngọt của bà mẹ có con trai tự kỷ biết vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ - Ảnh 4.

Hiếu song tấu saxophone bản "Nhật ký của mẹ" cùng cha con nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. Ảnh: NVCC

Những giai điệu ấy khi lên khi xuống cùng những cung bậc cảm xúc của người mẹ - "bao ngày mẹ mong con chào đời", "tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần", "tiếng con khóc òa mắt mẹ lệ nhòa", "ngắm con ngoan nằm trong nôi mắt xoe tròn"...

Dẫu rằng đôi môi bé nhỏ ấy có muộn màng thốt lên câu "Mẹ ơi!", nhưng cuối cùng bao vất vả, bao đau đớn, bao tuyệt vọng của người mẹ đã qua đi để rồi đọng lại ở tiếng ngân vang da diết của tiếng kèn saxophone: "Cám ơn vì con đến bên mẹ!".

Không chỉ chị Mai Anh lặng rơi nước mắt, mà trong số hơn 300 phụ huynh của trẻ tự kỷ có mặt trong buổi biểu diễn ngày hôm đó cũng không thể kìm nén được sự xúc động.

Có lẽ vì vậy, đây là kỷ niệm để lại trong chị một ấn tượng sâu sắc. Và trong số những nhạc cụ mà Hiếu chơi, chị bao giờ cũng dành sự trân trọng, nâng niu cho cây kèn saxophone nhiều hơn.

Dạy con bao giờ cũng cần "đạo cụ" thực tế

Ngoài khả năng chơi được nhiều nhạc cụ, trong đó thành thạo organ, piano, guitar và saxophone. Hiếu còn có thể sáng tác nhạc, mix nhạc DJ và vẽ tranh màu acrylic.

Với những năng khiếu đó, Hiếu gần như trở thành niềm mơ ước không chỉ của những cha mẹ có con tự kỷ mà còn của những cha mẹ có con bình thường. Nhưng đó suy cho cùng cũng chỉ là những phần nổi của một tảng băng chìm.

Quả ngọt của bà mẹ có con trai tự kỷ biết vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ - Ảnh 5.

Bức tranh "Hoa cát tường màu tím" của Hiếu chụp cùng với mẹ và một đại sứ nước ngoài. Ảnh: NVCC

Quả ngọt của bà mẹ có con trai tự kỷ biết vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ - Ảnh 6.

Hiếu vẽ tranh màu acrylic, chủ yếu là phong cảnh và hoa lá.

Cũng như bao trẻ tự kỷ khác, ngay từ khi sinh ra, Hiếu đã mang một đôi mắt vô hồn, không phát triển ngôn ngữ, không nhận biết người thân, không có giao tiếp với ai, hoàn toàn rối loạn giấc ngủ và bài tiết.

Khi thấy con khác biệt so với trẻ bình thường, chị Mai Anh cũng tự đặt nhiều câu hỏi và đưa con đi khám bác sĩ nhưng không ai biết con chị mắc bệnh gì. Đến khi hiểu ra đây là một loại khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời – tự kỷ, thì cũng đã quá thời gian vàng (3 năm đầu đời) can thiệp cho Hiếu.

Năm đó Hiếu 3,5 tuổi và để dành toàn thời gian chăm sóc, can thiệp cho con, chị Mai Anh khi đó đang là kỹ sư hóa thực phẩm của một công ty lớn ở Hà Nội đã xin nghỉ việc.

Trở về nhà, ngoài việc bán tư trang, nhẫn cưới để có tiền tham gia các khóa học chăm sóc và nuôi trẻ tự kỷ đắt đỏ, chị còn mời các giáo viên chuyên biệt đến nhà can thiệp cho Hiếu. Nhờ vậy, 5 tuổi Hiếu đã nói được những từ đầu tiên – "bố, mẹ". Nghe tiếng con nói ngọng nghịu, chị bật khóc, "Tôi đã thấy ánh sáng đã le lói ở cuối đường hầm".

Quả ngọt của bà mẹ có con trai tự kỷ biết vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ - Ảnh 7.

Hiếu học vẽ tại trung tâm. Ảnh: NVCC

Vì khả năng hiểu bằng ngôn ngữ của trẻ tự kỷ rất kém, nên bao giờ dạy con chị Mai Anh cũng phải kèm theo đạo cụ thực tế. Để con nhận biết gà con và gà mái, gà trống, chị phải chạy về quê mua ngay "đạo cụ" này và chỉ rõ "đây là con gà con", "đây là con gà mái"...

Khi con lớn lên một chút, chị dạy con cảm nhận nước nóng bằng cách pha nước tầm khoảng 70 độ và nói Hiếu nhúng ngón tay vào. Kể từ đó trở đi, trước khi uống nước, Hiếu đều kiểm tra xem nước có nóng hay không và do đó tránh việc bị bỏng.

Cũng có lần thấy Hiếu hay nghịch dây điện, tuy đã dặn là nguy hiểm nhưng con mãi không nghe. Lo rằng về sau con sẽ bị điện giật, chị bàn với chồng thiết kế một thiết bị lưu điện có cường độ dòng điện <1.5mA – đủ gây cảm giác hơi tê tê.

Hiếu nghịch và không may bị giật, "kể từ đó về sau đi đâu hễ thấy ổ điện là bao giờ Hiếu cũng cách xa vài mét, bao giờ lấy quần áo từ máy giặt trở ra con cũng rút ổ cắm", chị Mai Anh cười nói.

Tiếng ấm chén choang... choang... choang

Hồi nhỏ Hiếu vẫn thường lấy ấm chén dưới bàn uống nước lôi ra đập choang choang choang và cười thích thú. Mỗi lần như vậy, ông bà và mọi người thường cuống quýt chạy xuống xem Hiếu có bị làm sao không. Dẫu rằng khi đó có bị mắng mỏ, nhắc nhở, nhưng những ngày sau Hiếu vẫn tái diễn hành vi này.

Vì đã được học ở các lớp can thiệp cho trẻ tự kỷ từ trước, khi nhìn nhận hành vi đó, chị Mai Anh thấy rằng có hai yếu tố. Một là nhu cầu của bản thân đứa trẻ, trẻ thích làm điều đó vì muốn thu hút sự chú ý của mọi người. Hai là đối tượng của hành vi đó – bố mẹ, người thân. Như vậy muốn loại bỏ hành vì này thì phải cắt một trong hai yếu tố đó đi, yếu tố từ bản thân đứa trẻ là rất khó, nhưng yếu tố thứ hai thì không mấy trở ngại.

Quả ngọt của bà mẹ có con trai tự kỷ biết vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ - Ảnh 8.

Hiếu và em trai tham quan Cố đô Huế. Ảnh: NVCC

Chị Mai Anh bèn mua rất nhiều bộ ấm chén giá thấp và bàn với ông bà ngoại tỏ ra không quan tâm, không nghe thấy gì mỗi khi Hiếu đập ấm chén. Ban đầu, ông bà cũng bày tỏ lo lắng sợ rằng cháu bị đứt chân đứt tay, nhưng khi được con gái giải thích cặn kẽ thì cả hai người có vẻ xuôi lòng.

Một lần, hai lần, ba lần, Hiếu đập choang choang như vậy nhưng không thấy ai xuống cuống quýt, không ai gắt gỏng, có vẻ cảm thấy bị "tẽn tò" nên lần sau Hiếu không tái diễn hành vi này nữa.

Cách đây ít năm, có một phụ huynh trong CLB cũng phàn nàn về việc con hay nhổ nước bọt vào quần áo của mẹ mỗi khi mẹ đi làm về, rồi còn nhổ vào mâm cơm khi đến bữa ăn. Dẫu có bị bố lôi ra đánh rất đau nhưng y rằng ngay sau đó trẻ tự kỷ này vẫn chứng nào tật ấy.

Nhưng khi áp dụng phương pháp trên của chị Mai Anh – "cắt bỏ đối tượng của hành vi". Việc trẻ nhổ bọt vào mâm cơm chỉ ngay ngày sau đã hết, vì khi trẻ nhổ bọt, cả gia đình không ăn cơm (lúc đó có một mâm cơm dự phòng để chỗ khác), trẻ phải nhịn bữa trưa.

Đến tối, trẻ lại tái diễn và phải nhịn thêm bữa tối. Buổi sau, biết nếu tiếp tục sẽ phải nhịn đói nên trẻ không còn dám tái diễn hành vi kể trên. Còn đối với hành vi nhổ nước bọt vào quần áo thì phải đến 1 tuần sau trẻ mới chấm dứt.

Quả ngọt của bà mẹ có con trai tự kỷ biết vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ - Ảnh 9.

Sinh nhật Hiếu 13 tuổi. Ảnh: NVCC

Nhân câu chuyện này, chị Mai Anh nhớ đến một trường trẻ tự kỷ nặng (15 tuổi) gần nhà. Mẹ bỏ đi, bố đi lấy vợ khác, trẻ ở với ông bà nội. Trẻ thường có thói quen, một ngày phải được ông hoặc bà chở lòng vòng hai lần bằng xe máy quanh Hà Nội.

Mỗi lần đi là một tiếng, dù bất kể mưa nắng, bão bùng cũng phải đi, nếu không đi y như rằng tối hôm đó trẻ đập phá, gào thét, khiến ông bà và hàng xóm mất ngủ.

Trong một lần chở cháu đi chơi như vậy, ông của trẻ lúc này đã hơn 70 tuổi, trẻ ngồi đằng sau bỗng dưng nhảy chồm lên. Cả hai ông cháu đều bị ngã, ông bị xe máy đè vào chân dẫn tới bong gân, chân bị phù, đi khập khiễng.

Dẫu sự thể như vậy, nhưng ngày hôm sau, bà tuổi cao vẫn phải đèo cháu đi loanh quanh đủ hai vòng trên phố. "Đấy có những trường hợp rất là thương như vậy, nhưng không biết làm sao để giúp đỡ họ", chị Mai Anh buồn rầu nhắc lại.

"Biệt tăm" trong vòng 2 tiếng để tìm số nhà 1.000

Thuở thơ bé, khi ở nhà, chị Mai Anh thường dạy Hiếu nhận biết cờ của các nước trên thế giới. Việt Nam có bao nhiêu tỉnh, thành phố và Hiếu đang ở Thủ đô Hà Nội. Hà Nội có rất nhiều phố phường, trên phố nhà sẽ được đánh số thứ tự, bắt đầu từ số 1, 2 – một bên là số chẵn, bên còn lại là số lẻ.

Vì nguyên do đó, Hiếu rất thích những con số. Mỗi lần đi đâu cùng mẹ, Hiếu đều đếm số nhà, nhưng chỉ toàn thấy số nhà mấy trăm, chưa thấy có số nhà nào đến 1.000 cả. Hiếu bèn hỏi mẹ, "Mẹ ơi, có phố nào nhà đến 1.000 không?". Chị Mai Anh trả lời có Đường Láng.

Mấy ngày hôm sau, chị Mai Anh khánh thành nhà mới trên phố Nguyễn An Ninh (quận Hoàng Mai). Tiệc đã chuẩn bị xong và khách khứa đã ngồi vào bàn hết, nhưng đến giờ chẳng ăn thấy Hiếu đâu. Mọi người không ai nghĩ đến cơm nước gì cả, túa ra đi tìm Hiếu khắp nơi – nhà cũ, trường học, các con phố gần đấy. Vẫn không tìm thấy.

Chị Mai Anh báo công an, hễ gặp cảnh sát giao thông là hỏi có vụ tai nạn nào hay không. Thậm chí chị còn vào cả khoa cấp cứu của bệnh viện để hỏi các y bác sĩ. Trong cơn bấn loạn ấy, chị chỉ nghĩ được rằng, "Nếu không tìm thấy con, không biết mình có về nhà hay không, hay không về nữa".

Hiếu biệt tăm từ lúc 11 giờ trưa, thì đến khoảng gần 2 tiếng sau, chồng chị Mai Anh nhận được một cuộc điện thoại: "Anh có phải là bố của cháu Hiếu không, cháu đang đứng khóc ở số 2 Vương Thừa Vũ". Khi đến đón, mọi người chia sẻ, Hiếu nói ngọng, không ai hiểu con đang nói gì. Nhưng rất may trong cuốn sách Hiếu cầm theo có ghi điện thoại của bố mẹ và mọi người đã liên lạc theo số này.

Trở về nhà, chị Mai Anh gặng hỏi Hiếu mới biết, không phải con bị lạc mà con đến Đường Láng xem có đúng có số nhà 1.000 như mẹ nói hay không. Trời hôm đó nắng chang chang, đi được qua Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, Hiếu mệt quá buộc phải quay trở lại, đến địa điểm trên không đi nổi nữa, nên khóc. "Hiếu rất nhớ đường, nhiều khi tôi quên cũng phải hỏi con", chị Mai Anh chia sẻ.

Quả ngọt của bà mẹ có con trai tự kỷ biết vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ - Ảnh 10.

Hiếu biểu diễn saxophone tại một chương trình dành cho trẻ tự kỷ và gia đình tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), tháng 4/2022. Ảnh: Hiền Nikon

Thầy Hiếu lần đầu đi làm công ăn lương và hạnh phúc nghẹn ngào của mẹ

Thông qua việc biểu diễn âm nhạc và vẽ tranh theo đơn đặt hàng, Hiếu đã kiếm được tiền từ rất lâu. Tuy nhiên những công việc này cũng không phải thường xuyên và dẫu số tiền còn ít ỏi, nhưng đã phần nào mang đến cho Hiếu niềm vui khi được lao động.

Những ngày này, khi công việc dán nhãn dữ liệu AI cho một đơn vị công nghệ vừa hoàn tất, buổi tối hàng ngày Hiếu vẫn đang học thêm photoshop để chuẩn bị sang công việc thời vụ mới.

Sau hơn một năm nghỉ việc ở nhà do dịch bệnh, mới đầu tháng 3 năm nay, Hiếu đã trở lại công việc "thầy giáo" tại Trung tâm Nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập Vkagbe (quận Đống Đa).

Quả ngọt của bà mẹ có con trai tự kỷ biết vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ - Ảnh 11.

Thầy giáo Hiếu theo dõi việc học của học sinh tự kỷ tại trung tâm Vkagbe. Ảnh: NVCC

Mẹ chở Hiếu đi làm từ thứ Hai đến thứ Sáu. Công việc của Hiếu là sắp xếp cặp sách cho các em, đưa các em vào lớp, đến giờ học thì trông các em, cuối giờ phụ huynh đến đón thì đưa các em xuống.

Giám đốc trung tâm chính là "mẹ vợ", cô Nguyễn Thị Thúy, cũng chính là giáo viên can thiệp tại nhà cho Hiếu kể từ năm 4 tuổi. Hiếu còn gọi cô là "mẹ vợ", bởi vì bản thân rất thích con gái của cô. Nhân đà đó, cô mời Hiếu đến trung tâm nhưng thay vì đi học như trước, giờ Hiếu sẽ trở thành giáo viên như các thầy cô ở đây.

"Trước Hiếu gọi mọi người ở đây là cô giáo thầy giáo, giờ đây Hiếu sẽ gọi là các các anh các chị, vì mọi người giờ đã thành đồng nghiệp của Hiếu rồi. Còn các em học sinh sẽ gọi Hiếu là thầy Hiếu, vậy Hiếu đi làm cho mẹ nhé!", chị Mai Anh nhớ lại lời cô Thúy nói với Hiếu.

- Mẹ vợ, con được trả lương bao nhiêu?

Hiếu không ngại ngần hỏi cô Thúy.

- Mẹ trả con 1.000.000 đồng mỗi tháng.

Cô Thúy cười hiền từ, trả lời "con rể".

Buổi trò chuyện trên diễn ra vào một buổi sáng của tháng 11/2018. Trong suốt buổi chiều hôm đó, lúc nào Hiếu cũng cười khì, khuôn mặt rạng rỡ. Làm việc được một tháng, đến ngày mùng 5 tháng sau, mới rạng sáng Hiếu đã giục mẹ đưa đến trung tâm để nhận lương. Vừa vào đến nơi, Hiếu đã vồn vã hỏi cô kế toán, "Cô Phượng ơi, cô trả lương cho Hiếu!".

Chị Mai Anh hướng dẫn hiếu biểu diễn theo tiết tấu của bản nhạc

Khi chia sẻ câu chuyện này, chị Mai Anh không kìm được niềm vui khi nói về sự tiến bộ của Hiếu qua từng ngày. Mỗi gia đình có con tự kỷ là một bức tranh riêng biệt, không có gia đình nào giống với gia đình nào và còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng dẫu vậy, theo chị, người làm cha làm mẹ nào cũng nên có những phẩm chất như – kiên trì, thấu hiểu và bỏ qua cái tôi để có thể đi với con được dài hơn.

"Tuy đi làm thật đấy, nhưng thật ra vẫn gọi là can thiệp cho Hiếu. Chẳng hạn, nếu trong lúc trông các em, Hiếu gây ra một lỗi thì sẽ bị trừ điểm, trừ điểm là trừ lương, có lỗi trừ 50.000 đồng. Ôi, Hiếu sợ bị trừ điểm lắm, nên con làm rất tốt, trông các em rất cẩn thận", chị Mai Anh cười nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại