Quá khứ huy hoàng của 'thám tử lông vũ' - người đã thay đổi ngành hàng không bằng nghiệp vụ pháp y

Bảo Nam |

Roxie Laybourne là nhà khoa học đã đi tiên phong trong lĩnh vực điều tra pháp y các vụ tai nạn máy bay liên quan đến chim chóc.

Roxie Laybourne (1910-2003), làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bang Bắc Carolina từ năm 1932, tại Viện Nghiên cứu Thủy sản của Bảo tàng Quốc gia từ năm 1944, và tại Viện Nghiên cứu Chim và Động vật có vú của Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ từ năm 1946.

Cho đến năm 1960, Laybourne bắt đầu thực hiện ca mổ chim đầu tiên của mình. Trước đó, bà đã làm việc như một nhà phân loại trong hơn 15 năm, chuẩn bị xác chim để nghiên cứu và trưng bày.

Nhưng một bước ngoặt lịch sử đã xảy ra, khi sự cố của chuyến bay 375 của hãng Eastern Air Lines diễn ra vào ngày 4/1/1960. Chiếc Lockheed L-188 Electra chở 5 thành viên phi hành đoàn và 67 hành khách đã thực hiện cú rẽ trái bất thường và lao xuống vịnh Winthrop chỉ 6 giây sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Logan ở Boston. Toàn bộ 62 người đã chết.

Các nhà điều tra vụ tai nạn đã tìm thấy những mẩu lông đen bên trong ba trong số bốn động cơ của máy bay và họ muốn biết loại chim nào đã khiến chiếc máy bay khổng lồ tan vỡ.

Kết luận của Roxie Laybourne sau đó gây nhiều ngạc nhiên. Cô nói rằng những chiếc lông vũ là của một con chim nặng 0,08 kg, được gọi là chim sáo châu Âu. Chúng thường bay thành một bầy, với số lượng từ hàng trăm đến hàng nghìn con chim, sà xuống theo kiểu phối hợp.

Đó cũng là thời điểm Roxie hoàn toàn say mê thứ pháp y lông vũ này.

Quá khứ huy hoàng của thám tử lông vũ - người đã thay đổi ngành hàng không bằng nghiệp vụ pháp y - Ảnh 1.

Roxie Laybourne và bộ sưu tập khổng lồ về các loài lông vũ.

Ngày nay, ngành công nghiệp hàng không đã có thể xác định các loại chim thường va chạm với máy bay và tìm ra cách ngăn chặn chúng hiệu quả.

Các sân bay ngày nay sử dụng chó, ảo ảnh quang học, thậm chí là tia laser để giữ chim cách xa khỏi nhà chứa máy bay và các đường băng. Nhưng tại thời điểm những năm 1960 khi ngành công nghiệp hàng không mới phát triển, kỹ năng của Laybourne là một thứ gì đó kỳ diệu.

Bà được gọi một cách trìu mến là "người phụ nữ lông vũ" vì khả năng xác định gần như chính xác loài chim nào đã tham gia vào một cuộc tấn công, dựa trên các dấu vết hiển vi.

Bản thân bà cũng đã tạo ra "phương pháp Roxie" - một quy trình có thể được nhân rộng cho nhiều trường hợp điều trị pháp y cho các vụ tai nạn máy bay do chim gây ra.

Phương pháp này bao gồm một quy trình bốn bước và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Bước một là xem xét toàn bộ bằng chứng vật lý và xem xét mọi thứ từ thời điểm đàn chim tấn công đến khi thu thập lông.

Mercy Heaker, trợ lý nghiên cứu cũng như học trò của Laybourne, miêu tả về phương pháp này rằng: "Nếu mũi bạn ở gần cái cây đến mức chạm vào vỏ của nó, bạn sẽ không thể biết được đó là loại cây gì. Bạn phải lùi lại một bước và xem bức tranh lớn".

Quá khứ huy hoàng của thám tử lông vũ - người đã thay đổi ngành hàng không bằng nghiệp vụ pháp y - Ảnh 2.

"Phương pháp Roxie" vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.

Bước 2 của phương pháp là "làm sạch lông", thường có nghĩa là giặt lông vũ giống như cách người ta gội đầu trong nước nóng và chất tẩy rửa rồi sấy khô. Bước 3 là "xem xét cấu trúc mịn của lông dưới kính hiển vi", đôi khi để xem xét các ngạnh cụ thể bên trong một chiếc lông, thứ có thể chỉ ra loài chim một cách chính xác nhất.

Sau khi xem xét chất liệu, sự cố, cấu trúc vi mô lông vũ và tham khảo hàng nghìn con chim trong bộ sưu tập của bảo tàng, bước thứ tư và cuối cùng chính là gọi điện thoại. Đó là khi mà nhà giải phẫu có trong tay hai hoặc ba khả năng và phải sử dụng kiến ​​thức chuyên môn cùng kinh nghiệm của mình để sẵn sàng gọi tên một loài cụ thể nào đó ra.

Và việc xác định loại chim nào có thể đã va chạm với máy bay cung cấp dữ liệu cơ bản mà các chuyên gia sau đó có thể sử dụng để quản lý môi trường sống ở sân bay, tạo ra các mô hình tránh chim và giúp các kỹ sư chế tạo thêm nhiều thiết bị chống những loài lông vũ tới gần sân bay.

Và cũng có những trường hợp, Laybourne đã tham gia trợ giúp trong các cuộc điều tra ngoài việc máy bay bị chim tấn công. Trong một vụ án hình sự giết vợ ở Alaska, nhà chức trách suy đoán rằng tên tội phạm đã bỏ xác vợ anh ta trên biển. Thật không may, thi thể không được tìm thấy, nhưng chiếc áo khoác có vẻ như của người vợ đã mặc trước đó bị trôi dạt vào bờ.

FBI đã liên hệ với Laybourne, để sau đó nhận được kết luận từ nhà nghiên cứu này rằng lông vịt bên trong chiếc áo khoác ngoài trùng với loại lông lấy được từ xe của người chồng. Các nhà điều tra cho biết những phát hiện của bà đã giúp kết tội hung thủ, cùng với lời khai của nhân chứng rằng đã nhìn thấy người chồng từng chất thứ gì đó vào xe của anh ta.

Quá khứ huy hoàng của thám tử lông vũ - người đã thay đổi ngành hàng không bằng nghiệp vụ pháp y - Ảnh 3.

Roxie Laybourne và bộ sưu tập chim khổng lồ lên tới hàng nghìn con của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn lịch sử trước khi qua đời vào năm 2003 ở tuổi 92, Laybourne đã mô tả triết lý giảng dạy của mình như một nghĩa vụ đạo đức. "Tôi đã được trao cơ hội để học hỏi, và tôi cảm thấy rằng khi bạn được trao cơ hội để học hỏi, dù với bất cứ lý do gì, thì bạn phải có trách nhiệm chia sẻ nó với người khác", bà nói. "Vì vậy, bạn có thể yêu cầu họ xây dựng kiến ​​thức của bạn và tiến xa hơn những gì bạn có thể làm một mình."

Và lĩnh vực điều tra pháp y đã được tiếp tục bởi Carla Dove và Mercy Heacker, các học trò cũng như cộng sự của bà. Cả hai sau đó đã kết hợp phân tích DNA vào công việc của mình. Tuy nhiên, vào những năm cuối sự nghiệp, Laybourne vẫn không ủng hộ việc tiến hành phân tích ADN ngay từ đầu, bởi cho rằng nó đắt tiền và nó đòi hỏi những phòng thí nghiệm đặc biệt.

Do đó, để trở nên hợp lý hơn, phân tích DNA đã trở thành bước thứ năm trong quy trình của phương pháp Roxie. Tuy nhiên, đôi khi, phân tích DNA mang lại các kết quả bất ngờ, như trong một trường hợp tai nạn năm 2008. Khi đó, một máy bay chiến đấu bay về phía bắc Pensacola, Florida, đã va phải một thứ gì đó ở độ cao 1.500m trên không.

Sau khi cánh máy bay bị hư hại và phải hạ cánh khẩn cấp, một thợ máy của Lực lượng Không quân đã lấy mẫu một vết dầu mỡ gần chỗ hư hỏng. Vết bẩn, được tạo ra từ máu, mỡ và những mẩu lông cực nhỏ.

Nhưng khi phân tích bằng ADN, kết quả đã cho ra kết luận rằng mẫu mô đó là của một loài động vật không bao giờ bay được: một con hươu. Cho rằng kết quả có nhầm lẫn, nhóm nghiên cứu đã gửi lại mẫu 3 lần, đều cho ra kết quả là ADN của loài hươu đuôi trắng.

Quá khứ huy hoàng của thám tử lông vũ - người đã thay đổi ngành hàng không bằng nghiệp vụ pháp y - Ảnh 4.

Dove và nhóm của cô cuối cùng đã phải quay lại sử dụng phương pháp Roxie nguyên bản, đặc biệt là bước thứ ba - kiểm tra cấu trúc vi mô của lông vũ. Họ tập trung vào một mảnh lông cực nhỏ, thứ duy nhất dính vào máy bay phản lực.

"Chúng tôi đã tạo một slide vi mô và đưa nó đến kính hiển vi", Dove nói. "Chúng tôi đã dò xét xung quanh và tìm thấy một ít lông hươu trong đó, nhưng chúng tôi cũng tìm thấy một dải lông nhỏ, rất phù hợp với một con kền kền đen".

Rất có thể con kền kền đã ăn xác hươu trước khi va chạm với máy bay phản lực, và những dấu vết còn lại của con hươu có khả năng đã vượt trội về mặt DNA so với con chim. Đối với Dove, trường hợp này là một ví dụ so sánh điển hình về phân tích DNA và phương pháp Roxie, từ đó nhận ra hiệu quả của chúng khi được sử dụng song song.

Phương pháp tiếp cận đa hướng này đã giúp giải quyết hàng ngàn trường hợp tai nạn sau đó. Chỉ riêng trong năm 2018, Phòng thí nghiệm Nhận dạng Lông vũ đã xác định được gần 11.000 con chim bị máy bay va phải.

Và chưa hết, di sản để lại ngày nay của Laybourne đã khiến bà vượt xa vai trò là một nhà khoa học tiên phong. Bộ sưu tập hàng nghìn loài chim tại Viện Smithsonian của bà khi còn sống đã trở thành một công cụ khoa học ứng dụng giúp thay đổi an toàn hàng không.

"Bà ấy đã nhận ra tính ứng dụng thực tế mà những bộ sưu tập này có thể cung cấp, quả là một thiên tài", Dove nhận xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại