Quá dựa dẫm vào sự ổn định của công việc, quản lý cấp cao phải trả giá đắt khi bị sa thải năm 35 tuổi: Trong khủng hoảng, không ai nói trước được điều gì

Linh Hân |

Cuộc sống vốn là dòng chảy luôn luôn biến động. Ngày hôm nay chúng ta ổn định, nhưng chưa chắc ngày mai cũng sẽ thế. Vì vậy, việc chúng ta cần làm là học cách thích nghi để sẵn sàng đối mặt với bất cứ khủng hoảng nào có thể xảy ra trong tương lai.

Tôi có quen biết một người, anh ta vốn là quản lý của một doanh nghiệp nhà nước. Người này có thành tích không tệ, được khen thưởng ở cả địa phương và quốc tế, lương đạt mức 200.000 NDT.

Nhưng sau đó, do không còn phù hợp với chính sách phát triển, đơn vị của người đó phải đóng cửa. Trong phút chốc, anh ấy trở thành kẻ thất nghiệp ở tuổi 35. Mặc dù đã rất nỗ lực, dùng mọi mối quan hệ để tìm được việc làm mới nhưng đáng tiếc đều không được.

Cực chẳng đã, anh ta buộc phải chuyển sang đi giao hàng. Sau hơn 1 năm làm việc mà vẫn chưa thấy le lói thêm chút hi vọng gì, anh ta đoán chừng sự nghiệp mình sẽ kết thúc tại đây.

Sau khi kể xong câu chuyện đó, tôi thở dài: "Nếu đó là 1-2 năm trước, tôi sẽ không ngại ngần gì mà cười nhạo anh ta. Nhưng hiện tại, tôi thực sự không thể cười được." Bởi vì 5 năm trước, tôi đã chọn sự ổn định, chọn vào một doanh nghiệp quốc doanh. Đến hiện tại, bất kỳ một cuộc cắt giảm nào đều có thể đá tôi ra đường. Hiện tại của anh kia rất có thể chính là tương lai của tôi sau này.

Tại sao mọi chuyện lại đến mức như vậy?

Điều đáng sợ nhất chính là chỉ biết nhìn người khác cố gắng rồi cười nhạo, trong khi bản thân mình chỉ đứng yên.

Sau khi mới tốt nghiệp đại học, có rất nhiều tiền bối và thầy cô đã giúp tôi lập ra kế hoạch nghề nghiệp.

Nhưng lúc đó, tôi lại không coi đó là điều đúng đắn. Tôi nghĩ rằng mình vẫn còn rất nhiều thời gian, chưa đến lúc phải nghĩ về tương lai một cách quá nghiêm túc. Khi ấy, tôi tự cho rằng mình đã nắm được đủ kiến thức để có thể đánh thắng cả thế giới. Với sự ngông cuồng của một chàng trai trẻ, tôi bắt đầu sự nghiệp của mình.

Công việc đầu tiên của tôi là biên tập viên cho một tờ báo. Vì tính thời sự của công việc, tôi rất bận rộn và làm việc ngoài giờ rất nhiều. Công việc thường kéo dài trong cả tuần. Một ngày làm việc của tôi thường kết thúc vào lúc 11-12h đêm. Lúc đó tôi không phàn nàn gì cả. Ngay cả khi về nhà vào lúc sáng sớm, tôi vẫn thấy hạnh phúc.

Như hầu hết những người trẻ tuổi khác, không bao giờ hài lòng với hiện tại, tôi coi công việc biên tập viên là một nghề nhàm chán. Không lâu sau đó, tôi đã chuyển sang làm việc cho một công ty khởi nghiệp. Môi trường làm việc khá tốt, công ty tràn đầy sức sống và có tương lai rất hứa hẹn.

Quá dựa dẫm vào sự ổn định của công việc, quản lý cấp cao phải trả giá đắt khi bị sa thải năm 35 tuổi: Trong khủng hoảng, không ai nói trước được điều gì - Ảnh 1.

Nhưng nhìn sang những bạn bè xung quanh tôi, họ đang có những công việc ổn định và rất đỗi tự hào về điều đó. Tôi bị ảnh hưởng rất nhiều vì điều đó. Ý chí của tôi bị lung lay. Rồi đến một ngày, tôi quyết định từ bỏ công việc của mình ở công ty khởi nghiệp và tìm một chân trong nhà nước để tìm kiếm sự ổn định.

Tôi vẫn nhớ khi tôi rời công ty đó, tôi đã cười nhạo những đồng nghiệp cũ. Trong mắt tôi, họ đang lãng phí tuổi thanh xuân của mình cho những công việc không hề ổn định.

Nhưng chính những người mà tôi đã từng cười nhạo đó, họ đã thành công và trở thành một công ty rất lớn. Hôm nay, khi nhìn lại, tôi mới là kẻ đáng bị cười chê hơn tất thảy. Tôi đã cười nhạo nỗ lực của người khác, trong khi tôi lại là người bỏ cuộc và trì trệ.

Những cái gọi là ổn định, đằng sau chúng là cái giá đắt vô cùng.

Khi mới vào trong nhà nước, tôi cảm thấy dễ dàng hơn rất nhiều so với bên ngoài. Tương lai là ở đây chứ đâu, tôi đã nghĩ vậy. Nhưng thựsa c tế, càng ngày tôi càng thấy mờ mịt.

Bởi vì ở đây, có bộ phận bận rộn, có bộ phận khác thì vô cùng nhàn rỗi, nhưng dù khối lượng công việc như nào thì lương thưởng vẫn như nhau. Sau một thời gian, tôi thấy không phục. Tại sao mình lại phải nỗ lực? Nỗ lực đâu có được gì.

Tuy nghĩ như vậy, nhưng tôi lại không đủ can đảm để thoát ra ngoài. Thay vì đó, tôi lại chọn những nơi nhàn rỗi nhất. Dần dần, tôi trở nên trì trệ, mất đi sự cứng rắn và cũng chẳng còn muốn đấu tranh.

Trên mạng hay có câu: "Một số người chết ở tuổi 20 nhưng đến năm 70 tuổi mới được chôn". Tôi nghĩ mình là một trong số đó. Tôi còn chẳng buồn tìm kiếm cơ hội để củng cố vị trí của mình. Mỗi khi cơ hội tới, tôi luôn trì hoãn vì tin rằng nó sẽ lại quay lại thôi, năm sau làm cũng được. Từ năm này đến năm khác, tôi vẫn đứng ở bên rìa của hệ thống, bám vào nó như một thứ ký sinh.

Nhưng cuộc sống là dòng chảy không ngừng biến động. Hệ thống không còn tốt như trước, chưa kể những người trẻ hơn tôi, tài giỏi và nhiệt huyết hơn tôi xuất hiện và đe dọa vị trí của tôi. Ảo mộng về sự ổn định của tôi tan vỡ, thay vào đó là những đợt bão tố đang chực chờ.

Tôi nghĩ rằng có thế trốn trong đó và sống cả đời. Tôi mong đợi mình sẽ thoải mái hơn những người khác. Tôi sợ sự thay đổi. Thay đổi, đồng nghĩa với việc tôi sẽ bị đào thải.

Tôi bị mắc kẹt ở tuổi trung niên. Tôi không biết phải làm gì, tôi cũng không còn đủ kiến thức để làm việc gì. Thời gian để học tập đã qua. Tất cả đều là do lựa chọn trong quá khứ của tôi. Khi những người khác vật lộn để vươn lên, tôi đã chọn việc trốn trong sự ổn định. Giờ đây, sóng gió đã đến, trong khi tuổi thanh xuân của tôi đã qua mất.

Như nhà văn nổi tiếng người Áo Stefan Zweig đã nói: "Tất cả món quà từ số phận đã bí mật được định giá. Sự ổn định thường là thứ đắt nhất."

Quá dựa dẫm vào sự ổn định của công việc, quản lý cấp cao phải trả giá đắt khi bị sa thải năm 35 tuổi: Trong khủng hoảng, không ai nói trước được điều gì - Ảnh 2.

Không có công việc "tệ", chỉ có việc bạn không tích cực giải quyết vấn đề của chính mình.

Thực ra mà nói thì ngay cả khi trong nhà nước, tôi đã có cơ hội để trở nên tốt hơn. Tôi lâm vào tình cảnh hiện nay chủ yếu là do tôi đã không làm việc đủ chăm chỉ.

Mọi công việc, dù ở khối tư nhân hay nhà nước, đều có giá trị của riêng nó. Những người chỉ trích sự trì trệ trong môi trường làm việc trong nhà nước, chủ yếu là do họ muốn che đậy sai lầm của chính họ.

Không có công việc vô dụng, chỉ có con người vô dụng.

Muốn tồn tại được nơi công sở, bạn phải nhớ được 3 điều sau.

1. Đừng tự cao, bạn thật sự không quan trọng đến mức đó đâu

Khi mới vào cơ quan nhà nước, tôi được lãnh đạo khen ngợi vài lời vì tôi đã làm tốt một số việc. Tôi rất đỗi tự hào và không thể ngừng tự đắc về sự tài giỏi của mình.

Dần dần, tôi trở nên kiêu ngạo, trong khi làm việc bớt nghiêm túc hơn. Kết quả là đã làm phật ý vị lãnh đạo. Ông ta không ngại việc chửi mắng tôi trước mặt mọi người, khiến tôi xấu hổ vô cùng.

Ở nơi công sở, nhiều người được khen ngợi liền trở nên tự mãn. Nhưng trên thực tế, chính thành công trong công việc mới là sự khẳng định chắc chắn nhất về bạn, chứ không phải những lời khen kia. Đừng vì những lời khen mà vội ảo tưởng.

2. Đừng phàn nàn nếu có chuyện xảy ra

Tôi có một đồng nghiệp rất thích phàn nàn, đặc biệt là phàn nàn về người khác khi anh ta gặp bất kì vấn đề gì. Nhưng về phần mình, anh lại không bao giờ nhận trách nhiệm. Ở tuổi 20, anh ta càu nhau như một ông già.

Kết quả là không ai trong số những người xung quanh sẵn sàng tiếp xúc với anh ta. Chuyên môn và kiến thức của anh ta không tệ, nhưng vẫn chẳng ai muốn làm việc cùng.

Sau khi ở đây một thời gian dài, anh ta vẫn chỉ là một nhân viên cấp dưới. Phàn nàn quá nhiều ở nơi làm việc không giải quyết bất kì điều gì, ngược lại còn hại chính bạn. Những người quanh bạn sẽ coi bạn là kẻ khó ưa. Còn bạn thì đắm chìm trong cảm xúc của chính mình và trở thành nô lệ của chính những cảm xúc này.

Những người như vậy không thể có mối quan hệ tốt với những đồng nghiệp và cấp trên. Các nhà lãnh đạo chỉ thấy bạn là một kẻ nhiều chuyện thích kêu ca mà quên đi tài năng của bạn. Lúc đó, dù bạn giỏi cỡ nào, cũng đâu có giải quyết được gì.

Quá dựa dẫm vào sự ổn định của công việc, quản lý cấp cao phải trả giá đắt khi bị sa thải năm 35 tuổi: Trong khủng hoảng, không ai nói trước được điều gì - Ảnh 3.

3. Không có chỗ cho kẻ yếu đuối

Trong vài năm ở trong nhà nước, tôi thấy một số bạn trẻ phải từ bỏ công việc này vì yếu đuối. Nơi làm việc giống như chiến trường, không ai rảnh mà chăm lo cho cảm xúc và tâm trạng của người khác. Và càng không ai có nghĩa vụ phải quan tâm đến bạn.

Mọi người đều đã đủ bộn bề với những vấn đề của riêng mình. Bạn không còn là một đứa trẻ, đừng quá yếu đuối như vậy. Nếu không thể chịu được áp lực và không biết phải giải quyết những vấn đề của mình, bạn chẳng thể đứng vững ở bất kì đâu.

Đừng đánh mất lòng can đảm, điều quan trọng nhất của người trưởng thành là sự kiên cường.

Hiện tại, dù trong cuộc sống thật hay trên mạng, tôi thấy rất nhiều người bị dày vò bởi cuộc khủng hoảng trung niên.

Mọi người đều đau khổ, hối tiếng vì nhiều việc. Nhưng bây giờ, điều chúng ta phải làm là bước tiếp. Muốn vượt qua khủng hoảng, cách duy nhất là đối mặt với nó.

Bây giờ, sau khi đã ý thức được vấn đề của mình, chúng ta phải giải quyết nó. Nếu đã lãng phí tuổi trẻ của mình, chúng ta càng phải trân trọng thời gian hiện tại của mình. Chúng ta không tích lũy đủ trong quá khứ, đây là lúc để tích lũy thêm.

Tôi tin vào một câu: "Can đảm là sức mạnh lớn nhất của một người". Chừng nào lòng can đảm của chúng ta còn đó, mọi thứ vẫn còn có thể. Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, là người trưởng thành, bạn càng phải kiên cường.

Bài chia sẻ của Vương Hòa - phóng viên mục việc làm tại trang Aboluowang.

Quá dựa dẫm vào sự ổn định của công việc, quản lý cấp cao phải trả giá đắt khi bị sa thải năm 35 tuổi: Trong khủng hoảng, không ai nói trước được điều gì - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại