Khí hậu đang ấm lên trên phạm vi toàn cầu.
Tiến sĩ Walt Meier tại Trung tâm Dữ liệu băng và tuyết quốc gia Mỹ cho hay: "Hai cực là nơi đối lập nhau. Bạn hiếm khi thấy cả hai cực Bắc và Nam tan chảy cùng một lúc. Đó chắc chắn là một sự cố bất thường". Còn tiến sĩ Ted Scambos của Đại học Colorado, người vừa trở về sau chuyến thám hiểm địa cực, nói với hãng tin AP rằng: "Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì như thế này ở Nam Cực".
Ông Michael Mann, Giám đốc Trung tâm Khoa học hệ thống trái đất (Đại học Pennsylvania, Mỹ), cho rằng thời tiết khắc nghiệt đang vượt quá dự đoán đến mức đáng lo ngại. Những hình thái thời tiết chưa từng có tiền lệ gần đây đã xảy ra sau một loạt các đợt nắng nóng đáng báo động của năm 2021 cũng như những trận mưa như trút tại Australia và một số nước Nam Á đầu năm 2022 cho thấy năm nay sẽ là năm phải chứng kiến sự cực đoan của thời tiết.
Trong khi đó, giới khoa học lại tiếp tục lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng, ngày càng có nhiều cơ sở hợp lý chứng minh những dịch bệnh nguy hiểm bất ngờ xuất hiện trở lại do hiện tượng nóng lên toàn cầu, một trong những tác động mà biến đổi khí hậu gây ra. Giới khoa học cho rằng việc con người ngày càng mở rộng "dấu chân sinh thái" có thể gây ra dịch bệnh theo nhiều cách khác nhau.
Tình trạng biến đổi khí hậu, vốn làm gia tăng nhiệt độ trái đất, đang ngày càng nổi lên là nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm. Trái đất nóng lên có thể làm tan các lớp băng vĩnh cửu chứa các mầm bệnh từ thời cổ đại. Các lớp băng vĩnh cửu, được ví như "quả bom hẹn giờ biến đổi khí hậu" chứa lượng carbon cao gấp 3 lần lượng khí thải ra kể từ thời kỳ công nghiệp hóa.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), ngay cả khi con người cố gắng hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vốn là mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015, băng vĩnh cửu sẽ vẫn tan chảy và giảm 25% diện tích vào năm 2100.
Giáo sư Vladimir Romanovsky (Đại học Alaska, Mỹ) cho rằng, nhiều vi sinh vật có thể tồn tại trong các lớp băng trong một thời gian dài. Khi băng tan, các vi sinh vật bị "nhốt" hàng thiên niên kỷ sẽ theo dòng nước lên bề mặt. Đã có nhiều trường hợp những con bọ cổ đại, vốn bị đông cứng lâu ngày, nay bỗng nhiên xuất hiện trở lại.
Còn theo ông Jean Michel Claverie- Giáo sư danh dự chuyên ngành gene (Đại học Aix-Marseille, Pháp), virus hoạt động tương tự như một hạt giống. Tức là khi gieo một hạt giống vào lớp đất đã bị đóng băng hàng nghìn năm, hạt giống không thể nảy mầm. Tuy nhiên, khi nhiệt độ trái đất ấm lên, hạt giống hoàn toàn có thể nảy mầm và phát triển, hình thành cây con. Trước đó, phòng thí nghiệm của Giáo sư Claverie đã "hồi sinh" thành công virus Siberia có tuổi đời ít nhất 3.000 năm.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho rằng nhiệt độ trung bình của trái đất gia tăng có thể gây ra các đợt dịch sốt xuất huyết theo mùa ở khu vực phía Nam châu Âu nếu muỗi Aedes aegypti bị nhiễm virus làm ổ. Còn đối với bệnh sốt rét, căn bệnh từng hoành hành ở Nam Âu và miền Nam nước Mỹ, nguy cơ phơi nhiễm virus phần lớn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội.
Nếu tình trạng biến đổi khí hậu không suy giảm, hơn 5 tỷ người có thể phải sống ở các vùng dịch sốt rét. Tuy nhiên, con số này có thể giảm xuống dưới 2 tỷ người nếu điều kiện kinh tế - xã hội được cải thiện.
Mới đây, Giáo sư Tord Kjellstrom (Trung tâm Quốc gia về Dịch tễ học và Sức khỏe dân số, Đại học Quốc gia Australia) còn cảnh báo bệnh thận mãn tính liên quan đến sốc nhiệt trong bối cảnh nhiệt độ trái đất gia tăng có thể trở thành một đại dịch. "Khi mức độ và cường độ ngày nắng nóng tăng lên, nhiều người sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn để tránh sốc nhiệt, đặc biệt là 2/3 dân số toàn cầu sống ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới"- ông nói.