Tuyên bố của Chính phủ Qatar chỉ trích việc UAE đã ban hành một loạt biện pháp phân biệt đối xử với người Qatar, bao gồm trục xuất họ khỏi UAE, cấm họ nhập cảnh hoặc đi qua UAE, yêu cầu các công dân UAE rời khỏi Qatar và đóng cửa không phận cũng như các cảng biển của UAE đối với Qatar.
Doha lên án các hành động này đã vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt chủng tộc (CERD) - bao gồm sự phân biệt đối xử trên cơ sở quốc tịch. CERD là văn kiện mà cả UAE và Qatar đều tham gia ký kết.
Theo đó, Qatar yêu cầu tòa án ra lệnh cho UAE tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo CERD, ngừng và rút lại các biện pháp nói trên cũng như khôi phục quyền của người dân Qatar. Bên cạnh đó, Doha cũng yêu cầu Abu Dhabi bồi thường cho các hành động trên.
Căng thẳng giữa Qatar và UAE nổ ra vào ngày 5/6/2017, khi UAE cùng 3 quốc gia vùng Vịnh khác là Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar cùng cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị.
Động thái này đã dẫn tới một cuộc tranh cãi ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại khu vực. Các nước Arab trên đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng cửa khẩu biên giới trên bộ, đóng cửa không phận đối với máy bay của Qatar, trục xuất công dân nước này.
Doha luôn bác bỏ những cáo buộc nói trên và cho rằng những nước này muốn xâm phạm chủ quyền của Qatar. Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy, nhưng cho đến nay chưa mang lại kết quả.
Mới đây nhất, ngày 7/6, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash tuyên bố 4 quốc gia Arab đối đầu với Qatar trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh sẽ không giảm sức ép đối với Doha sau một năm tẩy chay nước này.