Q2, Q9, Q.Thủ Đức: Từng tách làm 3 vào năm 1997, giờ nhập thành Tp.Thủ Đức - 20 năm có "đi" một vòng tròn?

Đỗ Lan |

"Quay trở lại không gian hành chính như giai đoạn từ 1975 đến 1997 là phù hợp" - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu nói.

Thành phố Thủ Đức là một trong những cụm từ nóng nhất khi nói về thành phố Hồ Chí Minh và bất động sản Tp.Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

Đã có rất nhiều ý kiến chuyên môn xung quanh dự án "thành phố trong thành phố" đầu tiên tại Việt Nam. Và một câu hỏi được đặt ra: Năm 1997, Huyện Thủ Đức từng giải thể để lập thành 3 quận mới (Thủ Đức, quận 2, quận 9), nay lại thành lập Tp.Thủ Đức dựa trên việc sáp nhập 3 quận kể trên, đây liệu có phải một bước đi vòng tròn sau 23 năm?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã chia sẻ một số ý kiến với Trí Thức Trẻ.

"Quay trở lại không gian hành chính như giai đoạn từ 1975 đến 1997 là phù hợp"

Thưa ông, sự khác nhau về hoàn cảnh giữa đợt tách năm 1997 và đợt nhập 3 quận: Thủ Đức, quận 2 và quận 3 thành Thành phố Thủ Đức lần này là gì? Nó có phải là một "vòng tròn" sau 23 năm?

Trước 1975, khu vực quận 2 bây giờ chính là quận 9 của Đô thành Sài Gòn. Còn khu vực quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay là quận Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định. Đó là tổ chức hành chính của Đô Thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định trước 1975.

Sau 1975, chúng ta hình thành địa giới hành chính TPHCM trên cơ sở sáp nhập toàn bộ Đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định và khu vực Củ Chi (lúc đó thuộc tỉnh Hậu Nghĩa) để trở thành TPHCM.

Một loạt các quận, huyện được tách/nhập. Huyện Thủ Đức được thành lập, bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Đến năm 1997, thành phố tách huyện Thủ Đức ra thành quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9.

Tôi cho rằng giờ chúng ta thành lập Thành phố Thủ Đức, trực thuộc TPHCM thì chúng ta quay trở lại không gian hành chính như giai đoạn từ 1975 đến 1997. Đây là tính toán tương đối phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Ông có lưu ý gì với cách thực hiện ranh giới hành chính như vậy không?

Đứng ở góc độ Hiệp hội BĐS TPHCM thì Hiệp hội cho rằng, có lẽ nên coi phần lớn quận 2 là trung tâm của TPHCM. Khu Đô Thị mới Thủ thiêm nên được coi là một phần trung tâm mới của TPHCM. Tất nhiên, trong quan niệm mới về đô thị, ranh giới hành chính mới chỉ có tính chất ước lệ.

Hiện nay, Lanmark 81 - tòa nhà cao nhất Việt Nam, đang tọa lạc tại Bình Thạnh chứ không phải ở trung tâm thành phố.

Chúng ta cũng biết trong tương lai khu đô thị lấn biển Cần Giờ còn có tòa nhà cao hơn thế. Cho nên chúng ta nên nhìn thoáng về khu đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh. Việc hình thành thành phố Thủ Đức bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức là khả thi và có thể chấp nhận được. Nhưng với một nguyên tắc khu đô thị Thủ Thiêm không tách rời phần lõi trung tâm của TPHCM.

Với quy mô diện tích khoảng hơn 200 km2 và dân số 1 triệu người thì thành phố Thủ Đức có thể hoàn toàn trở thành một đô thị xếp hạng loại 1 của cả nước. Hiện cả nước ngoài đô thị tại TPHCM và Hà Nội thì cả nước có 22 đô thị loại 1 tại các thành phố, tỉnh lị. Nếu thành phố Thủ Đức được thành lập thì quy mô và cấp độ sẽ là đô thị loại 1. Và đó là một trong những gia tốc mới để phát triển TPHCM trong nhiều thập kỷ tiếp theo.

5 gia tốc phát triển Tp.HCM và "không ai bị bỏ lại phía sau"

Ông có thể nói rõ hơn về "gia tốc mới" của Tp.HCM? Bên cạnh thành phố Thủ Đức thì những gia tốc khác để phát triển TPHCM trong những năm tới là gì?

TPHCM có 5 gia tốc.

Thứ nhất nguồn nhân lực.

Thứ hai là thành phố định hướng tối thiểu 4 huyện trong thành phố sẽ trở thành 4 quận. Nhưng Hiệp hội lạc quan hơn và tin tưởng rằng trong 10 năm nữa, 5 huyện của TPHCM sẽ trở thành 5 quận và không còn huyện ngoại thành.

Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định đổi 26.000 hecta đất nông nghiệp thành đất thương mại, dịch vụ.

Thứ tư, thành phố đang đề nghị với Trung ương điều tiết tỉ lệ ngân sách. Nếu được chấp thuận thì theo lộ trình, TPHCM được giữ lại 24% cho đến năm 2025 và 28% cho đến năm 2030. Từ nguồn tài chính, thành phố sẽ huy động nguồn lực xã hội.

Thứ năm, chính là việc thành lập thành phố Thủ Đức. Theo dự tính, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 7% GDP của cả nước và đây sẽ là đóng góp cực kỳ lớn.

Bản thân thành phố Thủ Đức sẽ còn một quỹ đất để biến thành đô thị. Chẳng hạn, ĐHQG TPHCM với quy mô 600 hecta mà trong đó 3/4 nằm tại tỉnh Bình Dương. Không gian của đại học này thành không gian của khu đô thị sáng tạo thì tuyệt vời.

Bên cạnh đó, khu công nghệ cao tại thành phố Thủ Đức, vốn đang được mở rộng 1/3 diện tích, sẽ trở thành một khu vực sáng tạo phát triển. Các khu chế xuát như Linh Xuân, Linh Trung 1 - 2 - 3 sẽ chuyển đổi thành đất đô thị. Ngoài ra, một phần của phường Trường Thọ có hạ tầng giao thông là khu vực đầy tiềm năng thành đất đô thị.

Nhiều người lo ngại khi TP Thủ Đức được hình thành và phát triển, sẽ vẫn có tình trạng khu ổ chuột nằm cạnh những tòa nhà cao ốc. Theo ông, lo ngại này có cơ sở không? Và cần làm gì để tránh được tình trạng này?

Bản thân thành phố Thủ Đức gần như không có khu ổ chuột, chỉ có khu chưa phát triển, lụp xụp cần tái phát triển, chỉnh trang. Chúng tôi có kiến nghị: khi thành lập thành phố Thủ Đức thì không để lại ai ở phía sau, đặc biệt trong vấn đề nhà ở. Cho nên chúng tôi đề nghị, phát triển thành phố Thủ Đức là thành phố sáng tạo, thu hút tầng lớp có tri thức cao về sinh sống ở đó.

Nhiệm vụ đầu tiên là tái định cư người dân tại chỗ, coi trọng phát triển nhà ở vừa túi tiền, định cư tại chỗ người dân ở quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, nhất là những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

"Chắc chắn sẽ thí điểm chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức"

TP Thủ Đức khi được hình thành sẽ là thành phố nằm trong thành phố. Ông cho rằng, việc vận hành TP Thủ Đức nên như thế nào?

Hiện nay cả nước trong 15 năm qua đã thực hiện thí điểm chính quyền đô thị. Thành phố Thủ Đức sẽ đi đôi với đổi mới mô hình quản lý đô thị nên chúng tôi nghĩ rằng, chắc chắn sẽ thí điểm chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức.

Theo ông, tiến độ thi công TP Thủ Đức sẽ như thế nào? Đến khi nào thì TP Thủ Đức sẽ có hình hài cụ thể?

Theo tôi tiến độ, phải tránh lặp lại sai lầm của các công việc trước đây. Đó là phải trên cơ sở đúng mục tiêu và bây giờ dự án được chấp thuận rồi thì vấn đề là quy hoạch.

Chúng tôi tán thành việc thành phố thuê một đơn vị quy hoạch tầm cỡ thế giới để thực hiện đồ án quy hoạch. Nhưng có điều ngân sách còn quá thấp, tầm 100 ngàn đô la Mỹ trong khi theo chúng tôi phải có nhiều triệu đô la Mỹ mới có thể thực hiện tốt được.

Chúng tôi mong thành phố sẵn sàng chi cho quy hoạch, lấy ý kiến người dân, chuyên gia trong nước, kết hợp chất xám, trình độ hiện đại của chuyên gia quốc tế, tầm nhìn của chuyên gia trong nước để hình thành quy hoạch chung, giải quyết các vấn đề chung của xã hội, trong đó có nhà ở.

Xin cảm ơn ông!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại