Trong ngày xét xử thứ ba vụ đại án OceanBank, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tập trung xét hỏi làm rõ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc (TGĐ) OceanBank, cựu chủ tịch PVN) đã chi số tiền hơn 69 tỉ đồng (nhận từ Công ty BSC) để “chăm sóc” những ai.
Choáng với lời khai về chi quà Tết
Tại tòa, bị cáo Sơn khai trong số gần 70 tỉ đồng nhận được, lúc đó dưới cương vị là TGĐ OceanBank, bị cáo chi cho ông Ninh Văn Quỳnh (trước thời điểm 2014 là kế toán trưởng PVN) khoảng 30-40 tỉ đồng.
Sơn cũng khai đã chi cho Vietsovpetro, PVOil, Lọc hóa dầu Bình Sơn và chi cho các đồng chí lãnh đạo trong các dịp lễ, Tết.
“Sau khi về lại tập đoàn, anh Thắm (Hà Văn Thắm) vẫn có khoản chi hỗ trợ cho PVN để chi đối ngoại. Anh Thắm nhờ tôi, tôi chuyển lại cho anh Quỳnh.
Khoản này được sử dụng chi cho các khoản đối ngoại, chi các dịp lễ, Tết, chi cho các đoàn ra đoàn vào của PVN mà những hoạt động đó không chi theo chế độ tài chính được hoặc nếu chi thì kinh phí cũng rất hạn hẹp.
Đưa cho anh Quỳnh vì anh Quỳnh là người lo cơm áo gạo tiền cho tập đoàn” - bị cáo Sơn khai.
Bị cáo Sơn cho biết PVN còn có những khoản chi ở cấp đối ngoại của Chính phủ, như các đoàn đàm phán các hiệp định cấp chính phủ, hiệp định của dầu khí. Sơn còn cho hay mỗi dịp lễ, Tết, PVN phải chi khoảng 30-50 tỉ đồng/năm.
Riêng chi đối ngoại dịp lễ, Tết, chi tháp tùng các đoàn, với vị trí là phó tổng PVN, mỗi năm bị cáo cũng chi khoảng 1 tỉ đồng.
“Dịp lễ, Tết, PVN hay các doanh nghiệp đều chi, mức chi tùy theo quan hệ và chức trách to hay nhỏ, thậm chí từ chuyên viên đến lãnh đạo cao cấp. PVN mỗi năm phải chi, mỗi kỳ cũng phải 30-50 tỉ đồng.
Theo quy định, PVN mỗi lần chỉ được chi 500.000 đồng/người nhưng thực tế PVN đã chi gấp 200 lần như thế” - Sơn nói.
Tòa hỏi cụ thể chi cho những ai nhưng bị cáo Sơn không nói rõ vì cho rằng “đạo lý” dân tộc đã đi biếu quà ai lại đi khai ra…
Trong khi đó tại tòa, ông Ninh Văn Quỳnh, đại diện PVOil, Vietsovpetro hay Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đều phủ nhận việc nhận lãi ngoài để “chăm sóc khách hàng” của OceanBank và Nguyễn Xuân Sơn.
Liệt kê những khoản chi từ thiện để lý giải “đầu ra”
Một diễn biến đáng chú ý khác, Nguyễn Xuân Sơn đã thay đổi toàn bộ lời khai so với phiên sơ thẩm diễn ra hồi đầu năm.
Bị cáo thừa nhận có nhận tiền từ Hà Văn Thắm để chi “chăm sóc khách hàng” nhưng lại cho rằng “quy kết bị cáo chiếm đoạt tiền của BSC là oan cho bị cáo”.
Tại phiên xử hồi đầu năm, Nguyễn Xuân Sơn nói không hiểu vì sao mình bị truy tố về hai tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái…
Bị cáo Sơn khẳng định mình không thỏa thuận, bàn bạc với Thắm về việc chi lãi ngoài và khẳng định việc chi lãi ngoài thực hiện từ năm 2011, lúc đó bị cáo không làm ở ngân hàng nữa.
Cựu TGĐ OceanBank chỉ thừa nhận bốn lần nhận được tiền do Hà Văn Thắm chuyển, trong đó ba lần nhận được 2,6 tỉ đồng, một lần nhận 1,9 tỉ đồng và đây là quan hệ của bị cáo với Hà Văn Thắm, không liên quan đến việc của ngân hàng.
“Phiên tòa trước bị cáo không khai như hôm nay vì bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái, không phải chiếm đoạt tài sản của OceanBank hay chủ tịch Hà Văn Thắm.
Bị cáo nghĩ nếu khai báo ra sẽ làm ảnh hưởng đến khách hàng, đặc biệt PVN là doanh nghiệp lớn nên bị cáo rất trăn trở. Nếu bị truy tố về tội cố ý làm trái thì bị cáo cố gắng chịu đựng.
Nay VKS truy tố bị cáo tội chiếm đoạt tài sản, mà bản chất không phải như vậy, chưa kể các bị cáo khác cũng bị ảnh hưởng theo.
Thế nên bị cáo xin khai đúng sự thật, chỉ có điều có nhiều chi tiết bị cáo không nhớ” - Sơn lý giải về lý do thay đổi lời khai.
Giải thích cho “đầu ra” của số tiền gần 70 tỉ đồng, bị cáo Sơn khai bị cáo đi tháp tùng các đoàn cao cấp (cả trong nước và ngoài nước), bị cáo có chi. Cụ thể chi bao nhiêu bị cáo không nhớ, chỉ nhớ được một vài lần.
“Đi cùng đoàn của anh HĐV đến ngã ba Đồng Lộc, anh ấy nói các doanh nghiệp đi cùng có thể hỗ trợ kinh phí xây dựng tượng đài nên bị cáo hỗ trợ 500 triệu đồng.
Hay đi cùng đoàn cấp cao vào Quảng Trị, bị cáo chi 100 triệu đồng tu bổ xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn. Mấy trận lụt khu vực Hà Tĩnh bị cáo tài trợ 300 triệu đồng.
Cơn bão lụt số 2 bị cáo cùng một số doanh nghiệp dầu khí tài trợ thêm 600 triệu đồng cho những xã trực tiếp bị lũ lụt, ngoài ra còn hỗ trợ 1,2 tấn gạo...” - Sơn khai.
“Nếu bị cáo không chứng minh được tức là bị cáo chỉ có “đầu vào”, không có “đầu ra”, có nghĩa là bị cáo cầm cả số tiền (gần 70 tỉ đồng) đó, khi đó mức án sẽ khác” - HĐXX giải thích và nói nếu bị cáo chưa nhớ ra hết được thì HĐXX có thể cho phép bị cáo viết ra giấy.
Tuy nhiên, bị cáo Sơn khẳng định sẽ trình bày công khai, minh bạch tại tòa tất cả những gì bị cáo còn nhớ.
Hôm nay (31-8), tòa tiếp tục phần xét hỏi.
"Đạo lý"… phong bì!
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu TGĐ OceanBank, cựu chủ tịch PVN, khai đã chi tiền quà cáp dịp lễ, Tết cho rất nhiều người, số tiền tùy vào mối quan hệ, từ chuyên viên cho tới lãnh đạo cấp cao.
Tòa hỏi: "Khái niệm từ nhỏ đến lớn rất dân dã. Cơ quan nhà nước phải có chức danh cụ thể. Nhỏ nhất là ai, lớn nhất là ai?".
Bị cáo Sơn trả lời: Chi cho các chuyên viên các bộ, ngành có quan hệ, làm việc với tập đoàn, dịp Tết chi mỗi người phong bì 5-10 triệu đồng, số lượng rất đông. Còn lãnh đạo các bộ, ngành từ vụ trưởng, thứ trưởng đến các cấp lãnh đạo thì tùy theo...
Thẩm phán ngắt lời: "Lãnh đạo cấp cao cụ thể là ai?".
+ Thực chất là tấm lòng của doanh nghiệp đối với các đồng chí lãnh đạo đã hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp, của ngành. Xin HĐXX cho phép bị cáo không nói cụ thể là ai!
. Nếu bị cáo ngại, HĐXX sẽ cho bị cáo viết bản tường trình?
+ Nếu bảo bị cáo làm danh sách chúc Tết ai, đưa mấy ngàn, mấy chục triệu, mấy trăm triệu thì xin phép HĐXX cho phép bị cáo không nêu tên cụ thể các bác ra.
Đây là đạo lý của dân tộc. Mình đi chúc Tết, biếu họ vài chục xong giờ lại nêu tên thì không phải đạo, hơn nữa bị cáo cũng không nhớ hết.
Tuy nhiên, bị cáo tiết lộ các khoản chi cao nhất 50-200 triệu đồng. Sau đó bị cáo Sơn đề nghị HĐXX hỏi bị cáo Hà Văn Thắm hay Phạm Công Danh (là chủ các doanh nghiệp tư nhân) chi mỗi năm bao nhiêu cho những khoản này.
Câu nói này khiến Hà Văn Thắm bật cười và khiến phòng xử bỗng chốc ồn ào.