Vụ tham ô 50 tỷ đồng của nhóm tướng lĩnh Cảnh sát biển bị phanh phui thế nào?

MINH TUỆ |

Cựu Thiếu tướng Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm 2 file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của bản thân và thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương vừa ban hành cáo trạng truy tố 7 bị can tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về tội "Tham ô tài sản".

7 bị can gồm: Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh), Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy), Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị), Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng), Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh), Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật) và Bùi Văn Hòe (cựu Thượng tá, cựu Phó trưởng phòng Tài chính).

Ngoài cáo buộc cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn giữ vai trò chủ mưu, khởi xướng việc "rút ruột" 50 tỷ đồng tiền ngân sách, Viện kiểm sát Quân sự Trung ương còn làm rõ người viết đơn tố cáo và bằng chứng liên quan hành vi của các cá nhân.

Vụ tham ô 50 tỷ đồng của nhóm tướng lĩnh Cảnh sát biển bị phanh phui thế nào? - Ảnh 1.

Cựu Thiếu tướng Phạm Kim Hậu - người làm đơn phản ánh tiêu cực, tham nhũng của bản thân và thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Theo cáo trạng, năm 2019, sau khi có quyết nghị phân bổ 150 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cho Cục Kỹ thuật của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển để mua sắm trang bị vật tư, ông Nguyễn Văn Sơn trao đổi, yêu cầu Cục trưởng Nguyễn Văn Hưng rút 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ tư lệnh sử dụng.

Để tạo điều kiện cho ông Hưng rút 50 tỷ đồng, ông Sơn chỉ đạo Phó trưởng phòng Tài chính Bùi Văn Hòe cắt toàn bộ kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 vùng cảnh sát biển, nhằm phân bổ thêm 29 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật. Vì thế, nguồn ngân sách được giao cho đơn vị này tăng lên 179 tỷ đồng.

Hưng đã thống nhất và giao nhiệm vụ cho các trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật rút lại tiền. Viện Kiểm sát xác định 6 phòng trực thuộc cục này đã rút lại từ 50 triệu đồng đến 25 tỷ đồng. Tổng số tiền bị rút là 50 tỷ đồng, sau đó được ông Hưng chuyển cho ông Sơn.

Sau khi nhận 50 tỷ đồng từ bị can Hưng, ông Sơn giữ 10 tỷ, còn lại chia cho 4 thủ trưởng khác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển là Hoàng Văn Đồng, Phạm Kim Hậu, Doãn Bảo Quyết và Bùi Trung Dũng mỗi người 10 tỷ.

Việc giao, nhận tiền của các cá nhân được thực hiện ngay tại phòng làm việc của ông Hưng và ông Sơn.

Dù được chia 10 tỷ đồng nhưng vài tháng sau ông Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo 2 file ghi âm phản ánh về những tiêu cực, tham nhũng của bản thân và một số cá nhân là thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển liên quan đến công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị năm 2019. Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận 2 file ghi âm kèm đơn tố cáo này.

Trên cơ sở đó, các Đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra về các sai phạm. Quá trình làm việc với đoàn kiểm tra, tháng 9/2021, các cá nhân đã báo cáo rõ về hành vi sai phạm. 5 người liên quan tự nguyện nộp khắc phục mỗi người 10 tỷ đồng.

Viện kiểm sát đánh giá, cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn là người chủ động trao đổi, thống nhất với các thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về việc "rút ruột" ngân sách, nên phải chịu trách nhiệm chính với vai trò chủ mưu, khởi xướng. Các bị can Đồng, Hậu, Quyết, Dũng là người cùng chủ mưu, chịu trách nhiệm sau bị can Sơn. Hai bị can Hưng và Hòe là cấp dưới, có mối quan hệ lệ thuộc, không được hưởng lợi ích vật chất nên chịu trách nhiệm với vai trò thực hành, giúp sức.

Đối với bị can Phạm Kim Hậu - người tố cáo sai phạm - trong quá trình điều tra vụ án đã tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, quá trình công tác có nhiều thành tích... nên được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại