Dồn sức phục hồi san hô vịnh Nha Trang

Kỳ Nam |

Sau loạt bài Bảo tồn biển vịnh Nha Trang: S.O.S! trên Báo Người Lao Động phản ánh về tình trạng suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái ở vịnh biển đẹp này, hiện nhiều tổ chức, cá nhân đã chung sức phục hồi rạn san hô cho thế hệ mai sau

Ngày 21-12, ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cho biết đang phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Viện Hải dương học và Công ty CP Vạn San Đảo thực hiện dự án nuôi trồng san hô nhằm phục hồi vịnh Nha Trang như UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu.

Vườn ươm san hô

Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định giao 28,01 ha mặt nước biển cho Công ty CP Vạn San Đảo thực hiện dự án bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học tại vùng biển ven bờ Bãi Tiên (thuộc phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) với thời hạn 5 năm. Dự án thực hiện với tổng chi phí 15 tỉ đồng. Hiện dự án này đã triển khai hạng mục chính là sử dụng 1,9 ha đáy biển trước đây không có san hô, với độ sâu 4 - 4,5 m làm rạn nhân tạo bằng vật liệu rỗng, không độc hại để di dời tập đoàn san hô được ươm trồng đến phục hồi. Vườn ươm san hô có diện tích khoảng 5.000 m2 được đơn vị trồng thử nghiệm thành công với hơn 600 giá thể san hô sừng hươu từ nguồn san hô tự nhiên bị gãy đổ sau bão.

Dồn sức phục hồi san hô vịnh Nha Trang - Ảnh 1.

Dự án bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học tại vùng biển ven bờ Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã ươm được nhiều san hô. Ảnh: HOÀI ĐỨC

Theo đại diện Công ty CP Vạn San Đảo, đến cuối tháng 12-2022, số san hô trồng thử nghiệm đã phát triển tốt, dài khoảng 12 cm so với thời điểm ban đầu. Qua quan sát, nhiều cá thể san hô sừng đã mọc trên các phiến đá khá tốt dù trong thời điểm biển động. Vào tháng 3 trở đi, khi biển ổn định trở lại, dự án này sẽ tiếp tục đưa các giá thể san hô từ vườn ươm ra các khu vực bãi đá, rạn tự nhiên để tiếp tục phát triển.

Việc trồng san hô nhân tạo ở Nha Trang đã được nhiều tổ chức tham gia nghiên cứu, qua đó chứng minh việc trồng san hô là hoàn toàn có khả năng. TS Hoàng Xuân Bền, Viện phó Viện Hải dương học, trong các công bố của mình cho biết đã xác định 9 loài san hô cứng có khả năng phục hồi ở vịnh Nha Trang với tỉ lệ sống trên 60% và tốc độ tăng trưởng trung bình từ 0,4 - 6,5 mm/tháng.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phòng Thông tin Khoa học Quân sự - Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, cho biết có 3 phương pháp phục hồi san hô có thể thực hiện là: Nhân giống vô tính, nhân giống hữu tính và tăng cường giá thể. Cả 3 phương pháp này đều có thể thực hiện thành công tại vịnh Nha Trang.

Lan tỏa ra cộng đồng

TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, cho biết đã từng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng mô hình "Doanh nghiệp tham gia phục hồi rạn san hô, giữ và khai thác du lịch" ngoài vùng lõi Hòn Mun. Các khu vực khác của Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang như đảo Trí Nguyên, Hòn Tằm, Hòn Tre… thì doanh nghiệp tự phục hồi, quản lý và khai thác du lịch, từ đó mới phát huy sức mạnh cộng đồng.

Mới đây, nhóm lặn biển PADI Việt Nam do anh Nguyễn Hà Minh Trị - huấn luyện viên, trưởng nhóm (ngụ ở xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang) - cùng hơn 50 thành viên lặn biển cả nước đã cùng nhau tổ chức ươm trồng san hô thử nghiệm tại vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và vịnh Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận). Mỗi lần đi trồng san hô, kinh phí thực hiện do mọi người tự nguyện đóng góp.

Anh Trị cho biết là huấn luyện viên lặn quốc tế với hơn 23 năm trong nghề, anh đã chứng kiến sự biến đổi của rạn san hô qua từng giai đoạn ở khắp các vùng biển Việt Nam và thật đau lòng khi diện tích san hô đang ngày bị thu hẹp đáng kể. Nếu đáy biển không có san hô như mặt đất không có bóng cây thì không sinh vật nào có thể phát triển. Từ đó, anh cùng nhóm bạn hình thành ý tưởng trồng san hô với mong muốn truyền tải thông điệp bảo vệ rạn san hô, bảo vệ môi trường biển cho thế hệ con cháu. "Vì san hô phát triển rất chậm, phải chờ 5-10 năm hoặc có thể vài chục năm mới thấy kết quả, nên chúng tôi đã đặt tên cho hoạt động này là "Trồng một nhánh san hô - tặng thế hệ mai sau" - anh Trị chia sẻ.

Công việc nuôi cấy san hô được nhóm nghiên cứu thử nghiệm, bắt đầu từ một vài nhánh nhỏ tại vùng biển Nha Trang bằng phương pháp dán san hô trực tiếp lên đá và các tảng san hô chết bằng chất liệu xi-măng, chất kết dính. Những mầm san hô được trồng ở biển Nha Trang đến nay đã phát triển được 3 cm, rễ đã bám chắc vào phần đế. Phương pháp này khá tốn kém về nhân lực, vật lực nên nhóm đã nghĩ ra việc trồng 2 giàn san hô lên giàn giá treo theo mô hình vườn ươm tại vùng biển Ninh Thuận.

Giá treo nằm ở độ sâu 7 m, gồm những nhánh san hô cấy lên giàn đỡ là ống nhựa PVC, cách nhau 40 cm. Nếu san hô phát triển tốt, nhóm sẽ cắt và đưa đến các rạn san hô bị ảnh hưởng để trồng thay thế cho những san hô bị chết. Từ khi triển khai vào tháng 8-2022 đến nay, các giá treo đã thu lại kết quả khả quan khi 90% san hô được ươm tại đây đang phát triển rất tốt. Qua kiểm tra, san hô đã phát triển được 2-3 cm so với ban đầu.

Đầu tháng 6-2022, Báo Người Lao Động có loạt bài “Bảo tồn biển vịnh Nha Trang: S.O.S!”, phản ánh hiện tượng suy giảm rạn san hô nghiêm trọng tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, nhất là tại vùng lõi Hòn Mun. Sau đó, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân. Tháng 11-2022, UBND tỉnh Khánh Hòa ký Quyết định 3028/QĐ-UBND ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Kế hoạch này xác định 6 mục đích và 16 nhiệm vụ, giải pháp nhằm giữ gìn, phục hồi rạn san hô vịnh Nha Trang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại