Nga có “chiêu mới” đối phó với lệnh áp giá trần dầu thô: Hợp tác với Ấn Độ đóng tàu chở dầu

Hữu Hiển |

Sau khi lệnh áp giá trần đối với dầu thô Nga của EU và G7 có hiệu lực từ tuần trước, Nga đã đưa ra các biện pháp đối phó. Mới đây, Nga đã đề xuất hợp tác với Ấn Độ để đóng mới hoặc cho thuê tàu chở dầu cỡ lớn nhằm lách qua lệnh cấm và đảm bảo năng lực vận chuyển dầu thô.

Nga đề xuất hợp tác với Ấn Độ đóng tàu chở dầu

Theo lệnh áp giá trần dầu Nga mới nhất do Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm 7 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) đưa ra, G7 và các đồng minh sẽ không cho phép tàu chở dầu thô của Nga được hưởng các dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển, trừ khi giá bán dầu thô của Nga thấp hơn mức giá trần do EU và G7 đưa ra, ở mức 60 USD/thùng.

Trang tin tài chính CLS của Trung Quốc nhận định, với việc châu Âu gần như độc quyền các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm tàu ​​chở dầu toàn cầu, điều này có nghĩa là khó khăn trong việc vận chuyển dầu Nga sẽ tăng lên đáng kể đối với hầu hết các tàu chở dầu trên thế giới.

Tuy nhiên, với tư cách là một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn của Nga, Ấn Độ đã không đồng ý áp giá trần dầu Nga. Lập trường kiên định này cũng mang lại sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Nga và Ấn Độ trong thương mại dầu thô.

Theo trang tin CLS, tại cuộc họp vào ngày 9/12 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã hoan nghênh quyết định của Ấn Độ không chấp nhận áp giá trần dầu Nga, đồng thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ với Đại sứ Ấn Độ tại Moscow Pavan Kapoor.

Bộ Ngoại giao Nga trong một tuyên bố nêu rõ: “Để không phụ thuộc vào các dịch vụ bảo hiểm của EU và Vương quốc Anh, cũng như lệnh cấm thuê tàu chở dầu, Phó Thủ tướng Nga đã đề xuất hợp tác với Ấn Độ trong việc cho thuê và đóng tàu công suất lớn."

Ông Novak trong tuyên bố nói: "Việc áp giá trần đối với dầu Nga là một biện pháp phản thị trường, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và có thể càng làm phức tạp tình hình trên thị trường năng lượng toàn cầu. Cơ chế phi thị trường này làm suy yếu toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế, và tạo tiền lệ nguy hiểm trên thị trường năng lượng. Bởi vậy, vấn đề khan hiếm năng lượng ngày càng gay gắt không chỉ tại các nước đang phát triển, mà cả tại các nước phát triển ở châu Âu."

Nga có “chiêu mới” đối phó với lệnh áp giá trần dầu thô: Hợp tác với Ấn Độ đóng tàu chở dầu - Ảnh 1.

Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ dự án Sakhalin-2 tại cảng Prigorodnoye ở Nga. Ảnh: AP

Nga “hộ tống” Ấn Độ vận chuyển dầu thô

Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, do mất thị trường xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất là các khách hàng châu Âu, Nga bắt đầu hướng tầm nhìn sang châu Á, đồng thời xuất khẩu một lượng dầu thô kỷ lục tới Ấn Độ và các nước châu Á khác.

Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ trong mùa hè này. Dữ liệu cho thấy, trong vòng 1 năm tính đến ngày 31/3/2022, Nga chỉ chiếm 0,2% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Nhưng từ thời điểm đó đến tháng 11 năm nay, Nga đã cung cấp 909.400 thùng dầu thô mỗi ngày cho Ấn Độ, chiếm hơn 1/5 nguồn cung dầu của Ấn Độ.

Với việc Nga đã trở thành nhà cung cấp năng lượng chính của Ấn Độ, Ấn Độ đã từ chối tham gia kế hoạch áp giá trần dầu Nga của G7. Ngày 5/12, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trong một tuyên bố cho biết, những gì châu Âu muốn làm là "quyền của riêng họ", nhưng không nên yêu cầu Ấn Độ từ bỏ lợi ích năng lượng của chính mình, và Ấn Độ sẽ tiếp tục mua dầu của Nga.

Trang tin CLS nhận định, Ấn Độ sẽ không cần lo lắng quá nhiều về vấn đề bảo hiểm tàu ​​biển, bởi Nga có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hoạt động vận chuyển dầu thô của nước này.

Nhưng đối với Ấn Độ, điểm mấu chốt hiện nay là sự thiếu hụt các tàu có khả năng vận chuyển một lượng lớn dầu. Do thiếu tàu chở dầu, dầu thô xuất khẩu từ Nga sang Ấn Độ hiện phải mất hàng tuần mới tới nơi, đẩy giá cước vận chuyển lên cao. Vì vậy, đề xuất mới nhất của Nga về việc hợp tác cho thuê và đóng tàu công suất lớn có vẻ như là một sự hỗ trợ kịp thời.

Ngoài hỗ trợ về tàu chở dầu, hợp tác giữa Nga và Ấn Độ trong lĩnh vực thương mại cũng ngày càng sâu rộng. Theo báo chí Nga ngày 12/12 đưa tin, Ajay Sahai - Tổng giám đốc Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) - cho biết, Ấn Độ sẽ bắt đầu sử dụng đồng rupee để thanh toán các giao dịch thương mại với Nga từ tuần tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại