Xóa bỏ tư duy làm cán bộ "chỉ có lên không có xuống"

Thanh Hà/VOV.VN |

Hiệu quả rõ nhất từ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua là công tác cán bộ được thực hiện theo đúng nguyên tắc "có vào có ra, có lên có xuống".

Kết luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo đã nhấn mạnh tới những kết quả nổi bật trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt từ sau phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo.

Theo đó, cuộc đấu tranh này tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới.

Xóa bỏ tư duy làm cán bộ chỉ có lên không có xuống - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ảnh: TTXVN)

Công tác cán bộ đã theo đúng nguyên tắc “có vào có ra, có lên có xuống”

Góp phần làm nên những kết quả nổi bật là gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo ban hành, như là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; chủ trương về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; về luân chuyển cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật; về phân cấp quản lý cán bộ; chủ trương phân loại, xử lý tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm liên quan đến các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á,... đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành.

Minh chứng cho kết luận này có thể thấy, ngay sau khi Thông báo số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật được ban hành ngày 8/9/2022, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương lần đầu tiên tiến hành xem xét, quyết định cho cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị đối với các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang.

Đồng tình với kết quả này, ông Lê Văn Thái - Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương, cho rằng từ “mệnh lệnh” của Tổng Bí thư, sau đó được kịp thời cụ thể hóa bằng các văn bản, hành động cụ thể, người ta thấy những chủ trương, kết luận đi vào cuộc sống với tốc độ nhanh hơn, rõ ràng hơn. Hay như kết luận về việc xử lý cán bộ kịp thời cùng với xử lý nhà nước và xử lý kỷ luật Đảng, điển hình là trường hợp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, việc xử lý được thực hiện gần như đồng thời, nên có thể cảm nhận những kết luận, chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống nhanh hơn.

Xóa bỏ tư duy làm cán bộ chỉ có lên không có xuống - Ảnh 2.

Ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương

Cũng đồng tình với kết luận của Tổng Bí thư, ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, cho biết, dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân rất hoan nghênh tinh thần làm việc này bởi những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút cần cho thôi giữ chức vụ. Tinh thần đó không chỉ thấy ở Trung ương, mà cả dưới địa phương, ngay sau đó nhiều lãnh đạo tỉnh cũng đã bị kỷ luật, miễn nhiệm và thay thế như trường hợp Chủ tịch tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong…

“Cách xử lý này đã thể hiện tinh thần rất mới, kịp thời thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút bằng những cán bộ mới để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đảng bộ các tỉnh”, ông Phúc bày tỏ quan điểm.

Ông Phúc cho rằng, để các kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng phát huy hiệu quả ngay khi được ban hành, yếu tố quyết định chính là quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cùng với đó, không chỉ triển khai thực hiện ở Trung ương mà song song thực hiện ở cả dưới địa phương. Từ thời điểm được ban hành đến khi được tổ chức thực hiện trong cuộc sống, là khoảng thời gian rất ngắn, không có độ trễ như trước đây.

“Hiệu quả rõ nhất là chúng ta đã thực hiện công tác cán bộ theo đúng nguyên tắc có vào có ra, có lên có xuống, tránh tư duy từ trước đến nay vẫn cho rằng công tác cán bộ là chỉ có lên không có xuống, hay là lên rồi thì rất khó xuống. Sự thay đổi này đã bắt đầu từ nhiệm kỳ khóa XII và được thực hiện quyết liệt hơn từ nhiệm kỳ khóa XIII đến nay”, ông Phúc chia sẻ.

Phòng chống tham nhũng tiêu cực đồng bộ ở cả trung ương và địa phương

Kết luận của Tổng Bí thư tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn cho thấy, từ khi có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, số vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý tăng cao so với những năm trước, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng. Nhiều địa phương đã khởi tố cả Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở. Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố đã đưa gần 400 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Xóa bỏ tư duy làm cán bộ chỉ có lên không có xuống - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Thái, Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương (Ảnh: Thi Uyên)

Theo ông Lê Văn Thái, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương, sở dĩ có được kết quả này bởi các địa phương đã tự thấy được trách nhiệm của mình trước trung ương và địa phương. Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập ở mỗi địa phương không phải là hình thức mà để giải quyết công việc, vì thế địa phương không thể không làm khi trung ương đã quyết liệt như thế. Kết quả này khác xa với trước đây, trung ương quyết gì thì quyết, ở dưới cứ ngồi yên. Nhưng khi đã ở vào thế không thể, nếu anh không chỉ đạo để giải quyết ở địa phương mình coi như không hoàn thành trách nhiệm.

Ông Lê Văn Thái cũng cho rằng, sự ra đời của các Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở mỗi địa phương đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực, cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân không còn phải nghe ngóng xem trung ương làm thế nào, làm đến đâu; thay vào đó, họ đã cảm nhận được sự vào cuộc thực sự quyết liệt từ trung ương xuống tới địa phương. Tuy nhiên, ông Thái cũng chưa hết lo ngại khi những tồn tại, bức xúc ở địa phương đang chờ được xử lý còn rất lớn, làm sao có thể giải quyết được hết là câu chuyện không hề dễ dàng, cần một quyết tâm rất lớn.

Còn theo ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh đã cho thấy có sự chuyển biến rất tích cực. Trước đây vẫn nói “trên nóng dưới lạnh”, nhưng các địa phương không còn “lạnh” nữa mà đang “ấm” dần lên, có nơi thậm chí đang nóng lên. Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có sự vào cuộc đồng bộ cả trung ương lẫn địa phương.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương còn thấy rằng, không chỉ phòng chống tiêu cực, mà Bộ Chính trị cũng vừa triển khai rất quyết liệt ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Như vậy không chỉ phòng chống tham nhũng mà Trung ương, Bộ Chính trị cũng quan tâm tới tất cả các lĩnh vực khác, không chỉ chống mà Đảng ta còn tập trung cả xây, đúng theo tinh thần “xây là chính”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại