Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 25/10

Hoàng Phạm |

Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 25/10.

Ukraine cáo buộc Nga muốn cho nổ tung đập Kakhovka. Ảnh: AP

Ukraine cáo buộc Nga muốn cho nổ tung đập Kakhovka. Ảnh: AP

Tổng thống Nga tuyên bố sẽ đảm bảo các nhu cầu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Theo Điện Kremlin, ngày 25/10, Tổng thống Nga V.Putin sẽ tiến hành cuộc họp với Hội đồng điều phối thuộc chính phủ về đảm bảo các nhu cầu của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Cuộc họp sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tổng thống Nga V.Putin sẽ nghe báo cáo của Thủ tướng Mikhail Mishustin và Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin.

Mỹ cảnh báo hậu quả nếu Nga sử dụng bom bẩn hoặc vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 24/10 cho biết Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu nước này sử dụng bom bẩn hoặc bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào ở Ukraine.

Mỹ và các nước phương Tây khác đã cáo buộc Nga tìm cách leo thang cuộc xung đột ở Ukraine khi Moskva cho rằng Kiev sẽ sử dụng bom bẩn, một loại thiết bị sử dụng nguyên liệu hạt nhân. Theo ông Price, Mỹ chưa thấy có dấu hiệu Nga sẵn sàng chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân tuy nhiên việc giới chức Nga cảnh báo Ukraine chuẩn bị sử dụng bom bẩn đã làm dấy lên quan ngại về việc Nga có thể thực hiện điều này.

Ba Lan và NATO đã sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa từ phía Đông. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Ba Lan và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã sẵn sàng cho tất cả các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra khi đối mặt với các mối đe dọa từ phía Đông.

Trong ngày 24/10, Thủ tướng Morawiecki cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak và Đại sứ Mỹ Mark Brzezinski, đã đến thăm Căn cứ Không quân Chiến thuật số 32 ở Lask, miền trung Ba Lan. Đây cũng là địa điểm các nhà lãnh đạo gặp gỡ các phi công tiêm kích F-16 và F-22 của hai quốc gia là Ba Lan và Mỹ, là hai đơn vị cùng tham gia Chiến dịch NATO Air Shield với nhiệm vụ bảo vệ ở sườn phía đông của Liên minh.

Đức tuyên bố cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông "rất mừng" khi các hệ thống phòng không hiện đại do Đức sản xuất, bao gồm cả IRIS-T, hiện đang được sử dụng ở Ukraine, đồng thời nói thêm rằng 3 hệ thống tương tự sẽ được chuyển giao cho Kiev "sớm nhất có thể".

"IRIS-T có thể bảo vệ toàn bộ thành phố lớn khỏi tên lửa và máy bay không người lái", Thủ tướng Scholz cho hay. Ông cũng nhấn mạnh, Đức "ủng hộ mạnh mẽ" Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga và sẽ tiếp tục làm như vậy.

Nga cảnh báo Ukraine tấn công các đập thủy điện trên sông Dnepr. Ông Vladimir Rogov, thành viên cấp cao trong chính quyền khu vực Zaporizhzhia cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào như vậy cũng sẽ gây ngập lụt một khu vực rộng lớn, bao gồm cả khu vực nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.

"Đầu tiên, họ có thể cho nổ tung Dnieproges, sau đó là nhà máy thủy điện Kakhovka", ông Vladimir Rogov nói với TASS ngày 25/10. Dnieproges, hay Nhà máy thủy điện Dnepr, nằm ở thành phố Zaporizhzhia do Kiev kiểm soát và ở thượng nguồn Energodar - nơi có Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (NPP). Đập thủy điện Kakhovskaya nằm ở hạ lưu, thuộc vùng Kherson nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hệ thống làm mát cho NPP.

Nga tăng cường sản xuất tất cả các loại vũ khí. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 24/10 cho biết Nga đang đẩy mạnh sản xuất tất cả các loại vũ khí từ xe tăng, súng cho đến máy bay không người lái (UAV) và tên lửa chính xác cao.

Ông Medvedev cũng nhấn mạnh rằng các đối thủ của Nga không nên hy vọng rằng Moscow sẽ cạn kiệt vũ khí, trang bị. "Khi đọc các bản phân tích về các đối thủ, tôi đã nhiều lần bắt gặp những nhận định cho rằng Nga sẽ sớm cạn kiệt trang thiết bị quân sự và các loại vũ khí được sử dụng rộng rãi. Có vẻ như, mọi thứ đã được sử dụng hết. Đừng nín thở", ông Medvedev viết trên Telegram.

Tổng thống Đức bất ngờ thăm Kiev, khẳng định đoàn kết với Ukraine. Ngày 25/10, Tổng thống nước Đức Frank-Walter Steinmeier đã đến Ukraine. Đây là chuyến đi đầu tiên của nhà lãnh đạo này tới Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2.

Được biết, bên cạnh hỗ trợ về quân sự, chuyến đi của ông Steinmeier đến Ukraine sẽ tập trung vào việc giúp đỡ Ukraine sửa chữa các cơ sở hạ tầng bị tàn phá trong giao tranh, chẳng hạn như lưới điện, đường ống cấp nước, hệ thống sưởi trước khi mùa đông đến.

Mỹ cân nhắc chuyển cho Ukraine tên lửa phòng không MIM-23 HAWK. Hệ thống tên lửa MIM-23 HAWK được Mỹ đưa vào sử dụng từ những năm 1960. Theo Reuters, Mỹ có thể gửi một số hệ thống loại này tới Ukraine để xem chúng có còn hoạt động tốt hay không sau nhiều năm niêm cất. Hiện Mỹ vẫn chưa thảo luận về việc chuyển hệ thống Patriot tầm xa hơn cho Ukraine.

HAWK là vũ khí phòng không tầm trung di động do tập đoàn vũ khí khổng lồ Raytheon của Mỹ sản xuất, có khả năng đối phó tên lửa. Lục quân Mỹ đã thay thế HAWK bằng hệ thống MIM-104 Patriot tiên tiến hơn vào những năm 1990. Đến năm 2000, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng loại biên hệ thống này để chuyển sang sử dụng tên lửa FIM-92 Stinger di động./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại