Hành trình chinh phục tiếng Nhật của nữ sinh tự học đỗ 3 trường top đầu

Ứng Hà Chi |

Từng bị kỳ thị, chê bai nhưng chính những điều không mong muốn đó lại trở thành động lực để Linh càng quyết tâm chinh phục ngôn ngữ "khó nhằn" này.

Gác lại ước mơ vào đại học vì điều kiện kinh tế, Nghiêm Thị Linh, cô gái Hải Dương sinh năm 1998 chọn con đường đi xuất khẩu lao động tại Nhật. Sau đó, Linh tự học tiếng Trung và đỗ 3 học bổng trường đại học top đầu Trung Quốc. Câu chuyện của Linh từng nhận được nhiều sự quan tâm và ngưỡng mộ bởi tinh thần tự học và không từ bỏ ước mơ của mình.

Được biết, ngoài tiếng Trung, trình độ tiếng Nhật của Linh cũng rất đáng nể. 4 năm ở Nhật Bản, vừa làm ở công ty mỗi ngày 10-11 tiếng, cộng thêm về nhà tự học tiếng Nhật, cô đã trở thành người Việt Nam đầu tiên ở công ty trong gần 20 năm đỗ JLPT N1.

Hành trình chinh phục tiếng Nhật của nữ sinh tự học đỗ 3 trường top đầu - Ảnh 1.

Nghiêm Thị Linh.

Hành trình chinh phục tiếng Nhật của Linh cũng không trải đầy hoa hồng. Nữ sinh từng bị kỳ thị, chê bai. Nhưng chính những điều không mong muốn đó lại trở thành động lực để Linh càng quyết tâm chinh phục ngôn ngữ "khó nhằn" này. Từ một người mù mờ về tiếng Nhật, Linh đã từng bước tiến bộ và có trải nghiệm làm biên phiên dịch, trợ giảng tiếng Nhật cho cô giáo người Nhật, dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài...

Từ bị "ép" học đến niềm yêu thích tiếng Nhật

Linh chia sẻ, vì phải học tiếng Nhật ở trung tâm tầm 7 tháng hơn, sau đó mới được qua Nhật đi làm nên cô bắt đầu trong tâm thế có phần "ép buộc" chứ không hề hứng thú và yêu thích. Còn nhớ năm đó, Linh được phân vào lớp G90 có hơn 20 người. Đa số là các anh chị đã học được vài tuần, nhiều hơn là vài tháng. Linh là học viên bắt đầu học muộn nhất lớp, vừa học kiến thức mới vừa cố gắng học đuổi theo mọi người.

"Trong buổi học đầu tiên với thầy giáo người Nhật, do mình chểnh mảng để đầu óc không tập trung, đúng lúc đó thì bị thầy gọi. Mình đứng lên tầm 5 phút và chỉ đơn thuần là nhắc lại một câu rất đơn giản của thầy nhưng mình hoàn toàn bối rối và không hiểu gì hết. Cộng thêm sự nói vào của các anh chị bên ngoài khiến mình càng trở nên hoảng loạn. Mình nhớ rõ khi ấy có một anh cố nhắc mình nhưng mình không hiểu ý và đã mắng mình. Mình cảm thấy bất lực vô cùng, thêm cả sự tức giận mà không thể nói thành lời", Linh nhớ lại.

Sau tiết học đó, Linh bị thầy giáo phản hồi lại với cô chủ nhiệm bằng những ngôn từ có phần không thiện cảm. Tự ái vì bị xem thường, kể từ hôm sau, hôm nào cô cũng dậy lúc 4 rưỡi sáng và một mình xuống lớp tự học. Lần đầu tiên trong đời, Linh bắt đầu có tinh thần tự giác học. Cô duy trì thói quen đó trong vài tháng liền với duy nhất một suy nghĩ là nhất định phải học được thứ ngôn ngữ này. Nỗ lực của Linh đã được đền đáp khi cô dần dần leo lên vị trí top của lớp, rồi nằm trong danh sách top của trường.

Từng ngày trôi đi, việc học tiếng Nhật đã trở thành thói quen của Linh như việc đến giờ phải uống nước hay ăn cơm vậy. Cô càng học càng si mê. Nhờ ngôn ngữ này mà vòng bạn bè của Linh cũng đã được mở rộng hơn rất nhiều.

Sau khi sang Nhật, Linh đi học tại một trung tâm tình nguyện. Ở đó có các thầy giáo người Nhật dạy tiếng Nhật miễn phí. Các thầy chính là những người cha đỡ đầu của Linh. 3 năm đầu Linh học ở trung tâm với tư cách là học viên, đến năm thứ 4, Linh được các cô giáo người Nhật nhận làm trợ giảng cho các lớp dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài, cô có nhiều cơ hội hơn để tham gia các diễn đàn và các hội nghị lớn với tư cách là một người trẻ Việt Nam tự học tiếng Nhật.

Cô cũng nhận được cơ hội chia sẻ câu chuyện tự học của mình trên các hội nghị đó. Linh cho biết, mình lấy làm vô cùng tự hào vì được mặc lên mình bộ áo dài Việt Nam truyền thống, được nói về những thứ mà trước giờ mình chưa từng nói ra.

Hành trình chinh phục tiếng Nhật của nữ sinh tự học đỗ 3 trường top đầu - Ảnh 3.

Một số tài liệu Linh dùng để học tiếng Nhật.

"Sẽ không nói quá nếu mình nói mình dành hầu hết thời gian rảnh ở Nhật để học và thi năng lực tiếng Nhật. Nhiều lúc mình cũng tự đặt cho bản thân các câu hỏi kiểu như: 'Tại sao mình lại cố gắng như thế?'; 'Mình làm như thế liệu có đúng không?'. Và sau đó mình lại tự trả lời cho các câu hỏi đó, tự nhủ và động viên bản thân để tiếp tục cố gắng.

Có lẽ như bạn bè và gia đình thường nhận xét, mình là một con bé tính tình nóng nảy, bốc đồng và đầy háo thắng. Đặc biệt là hay bỏ cuộc giữa chừng. Mình làm bất cứ việc gì với sự bắt đầu đầy hào hứng, sau đó cái sự hào hứng đó lụi dần và chết yểu Nhưng việc học tiếng Nhật là việc mình kiên trì thực hiện nhất trong suốt 24 năm qua" , Linh chia sẻ.

Tiếng Nhật không dễ, nhưng nếu tin mình làm được, bạn sẽ làm được

Linh đã thi tổng cộng 6/6 lần kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT mà không bỏ sót một kỳ nào. Mỗi lần đi thi lại cho cô thêm những trải nghiệm mới, những người bạn mới, những cảm xúc hỗn độn khác nhau.

"Mình nhận thấy nếu ở Nhật lâu năm, được học tập và làm việc trong môi trường sử dụng tiếng Nhật đa dạng hàng ngày thì giao tiếp có thể được cải thiện rõ rệt, dĩ nhiên ở một mức độ nào đó chứ khó mà giống được với người bản ngữ. Còn về thi năng lực tiếng Nhật (tên gọi tắt là JLPT) thì lại ở một phạm trù khác. Kì thi năng lực tiếng Nhật có 5 cấp độ và xếp theo thứ tự khó tăng dần là N5, N4, N3, N2 và khó nhất là N1.

Ví dụ, nếu mình lấy thang điểm 10 để so sánh mức độ khó dễ thì N5 đến N4 sẽ từ số 0-2, N4-N3 từ 2-3, N3-N2 từ 3-5 và N1 là từ 5-10. Việc bạn nói tiếng Nhật tốt không đồng nghĩa với việc bạn có thể thi được các kì thi và đặc biệt là N2, N1. Mình quen rất nhiều anh chị là du học sinh ở Nhật nhiều năm nhưng đa số mọi người chỉ thi được N2. Mình đã rất chật vật và stress trong việc học tiếng Nhật để thi, trượt N1 3 lần và cho dù hiện tại đã thi đỗ N1 nhưng mình vẫn thấy khó. Tuy vậy, nếu bạn tin bạn làm được thì bạn sẽ làm được" , Linh chia sẻ.

Chinh phục cả tiếng Trung và Nhật, Linh nhận thấy hai ngôn ngữ này có điểm tương đồng khá lớn ở điểm đều sử dụng chữ tượng hình. Theo cô, đây sẽ là một lợi thế rất lớn khi học tiếng Nhật rồi sang học tiếng Trung và ngược lại.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm giống nhau thì vẫn tồn tại nhiều điểm khác nhau. Ví dụ như tiếng Trung sử dụng chữ giản thể (có thể hiểu nôm na chữ giản thể là kiểu chữ đơn giản hơn dựa trên chữ Hán gốc) nên khi học tiếng Nhật rồi qua học tiếng Trung, Linh phải luôn luôn tưởng tượng để so sánh từ chữ Hán gốc (mà tiếng Nhật thì sử dụng chữ Hán gốc nhiều nét).

Linh cho rằng, "tiếng Nhật mình được học trên sách vở và tiếng Nhật giao tiếp khác nhau một trời một vực" . Tiếng Nhật được dạy trên sách vở sẽ là những kiến thức mang tính chất lịch sự, khách sáo. Nhưng tiếng Nhật được sử dụng trong hội thoại hàng ngày sẽ được chia thành nhiều kiểu. Ví dụ như hội thoại giữa bạn bè với nhau sẽ mang tính suồng sã, thân mật. Nhưng khi nói chuyện với người lạ, với cấp trên thì lại có những cách nói khác. Nếu như không sử dụng đúng thì sẽ đem lại cảm giác thiếu tự nhiên trong ngôn ngữ.

Hành trình chinh phục tiếng Nhật của nữ sinh tự học đỗ 3 trường top đầu - Ảnh 4.

Tiếng Nhật đã giúp Linh tìm ra được đam mê học ngoại ngữ, mở ra cho cô nhiều cơ hội.

Nếu không có điều kiện ở nước Nhật với người bản xứ, Linh khuyên người học có thể sử dụng các ứng dụng học ngoại ngữ hoặc ứng dụng trò chuyện để giao tiếp với người bản xứ. Hiện tại, cô đã trở về Việt Nam nhưng vẫn sử dụng cách đó để luyện kỹ năng giao tiếp.

Ứng dụng mà Linh đang sử dụng tên là Tandem, trên ứng dụng này bạn không chỉ có thể nói chuyện với người Nhật mà bạn có thể nói chuyện với nhiều người trên các nước khác. Ứng dụng này rất hữu ích đối với những bạn có thể giao tiếp ngôn ngữ thứ 2 trở nên.

Tiếng Nhật đã giúp Linh tìm ra được đam mê học ngoại ngữ, mở ra cho cô cơ hội trở thành tân sinh viên của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Tiếng Nhật giúp cho bản thân Linh có thể thay đổi, để nhận ra rằng hoá ra mình có thể làm được và làm tốt nếu cố gắng kiên trì không bỏ cuộc. Tiếng Nhật đã cho Linh nhiều thứ hơn chỉ là tấm bằng năng lực tiếng Nhật N1. Hiện tại, cô cho biết mình vẫn đang sống rất vui vẻ và cố gắng trên con đường chinh phục đam mê ngôn ngữ, nhưng để nhìn lại thì tiếng Nhật chính là sự khởi nguồn cho tất cả.

Có kinh nghiệm học tiếng Nhật nhiều năm, Linh đúc rút được một số lưu ý:

⁃ Thứ nhất, phải tự tạo cho bản thân môi trường học ngoại ngữ. Môi trường học ngoại ngữ có thể được tạo ra bằng nhiều cách như đơn giản là xem phim, sử dụng các app trò chuyện, kết bạn với những người đang học ngôn ngữ đó.

⁃ Thứ hai, đặt bản thân trong tâm thế là một người đi tìm kiếm kiến thức mới, không ngại sai và sợ sai. Tích cực nói chuyện, bắt chuyện với người bản xứ. Nếu ở Việt Nam thì có thể tìm kiếm người bản xứ để nói chuyện trực tiếp ở những thành phố lớn...

⁃ Thứ ba, tạo cho bản thân một thói quen là luôn luôn học tập, sử dụng ngôn ngữ đó hàng ngày. Nếu như không được sử dụng thường xuyên, việc bạn trở nên mất tự tin và quên kiến thức là chuyện rất đỗi bình thường.

⁃ Thứ tư, cách để nói chuyện tự nhiên nhất đó là lặp lại giống nhất có thể cách nói chuyện, cách sử dụng từ của người bản xứ.

⁃ Thứ 5, song song với việc luyện nói thì cũng cần phải đọc nhiều sách bằng ngôn ngữ đó. Đọc sách có thể giúp bạn tăng thêm vốn từ vựng, hiểu cách sử dụng đúng của từ.

Xem thêm:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại