“Học sinh tiểu học vất vả hơn cả nhân viên văn phòng!”

Thiên An |

'Mỗi lần nhìn thấy bóng dáng bé xíu đeo cái cặp sách nặng trĩu sau lưng từ sáng đến tối của con là tôi lại thương không để đâu cho hết', một phụ huynh than thở khi giờ vào học của con quá sớm.

"Học sinh tiểu học giờ vất vả hơn cả nhân viên văn phòng!" là nhận định chung của nhiều bậc phụ huynh khi mới đây, câu chuyện giờ vào học quá sớm đã một lần nữa gây xôn xao dư luận.

Theo đó, bắt đầu từ năm học 2022-2023, nhiều trường tại TP.HCM đã mạnh dạn lùi giờ vào học tối đa thêm 30, từ 7h lên 7h30. Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và có các đề xuất chung phù hợp về thời gian vào học để đảm bảo đủ thời gian giảng dạy theo yêu cầu của chương trình, kế hoạch nhà trường, đảm bảo hạn chế ùn tắc giao thông, thuận lợi việc đưa đón và đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Quyết định này không nghi ngờ gì đã nhận được sự tán thành rất lớn của phụ huynh. Bởi lẽ giờ vào học quá sớm từ xưa đến nay đã gây ra không ít bất tiện cho cả con trẻ cũng như người lớn. Tuy nhiên, một số khác vẫn ít nhiều lo lắng về chuyện liệu điều chỉnh giờ lên lớp có gây ảnh hưởng đến các vấn đề khác hay không.

Học sinh càng ngày càng thiếu ngủ

Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức Y tế, trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 13 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7-8 tiếng/ngày. Thời gian ngủ khuyến cáo từ 9 đến 11h mỗi đêm cho lứa tuổi này. Với những trẻ trong độ tuổi từ 14 đến 17 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7 tiếng/ngày và thời gian ngủ trung bình cho lứa tuổi này phải từ 9 đến 11h mỗi đêm. Nhu cầu được ngủ đủ giấc với học sinh là rất quan trọng. Nếu không ngủ đủ giấc, những đứa trẻ đang tuổi lớn sẽ không thể tỉnh táo, sáng suốt, tập trung cho việc học.

Thế nhưng, theo nhiều phụ huynh, điều này gần như không thể: "Con tôi đang học tiểu học nhưng mỗi ngày chỉ ngủ được 7 tiếng, thậm chí có khi không đến 7 tiếng" . Một phụ huynh khác thì cho biết: "Mỗi lần nhìn thấy bóng dáng bé xíu đeo cái cặp sách nặng trĩu sau lưng từ sáng đến tối của con là tôi lại thương không để đâu cho hết".

Anh Thành Minh, một phụ huynh ở Hà Nội kể: "Nhớ lại lúc con tôi còn học tiểu học. Dù giờ vào học quy định là 7h nhưng thực tế 6h45 trường đã đóng cửa rồi. Điều này đồng nghĩa với việc bố con tôi sáng nào cũng phải dậy từ 6h hoặc 5h45 để có thể hoàn thành hết các công việc như đánh răng, rửa mặt, soạn sách vở, ăn sáng... Mặc dù con tôi chưa từng đi muộn ngày nào nhưng tôi tự hỏi, đến trường sớm như vậy có ích lợi gì?".

“Học sinh tiểu học vất vả hơn cả nhân viên văn phòng!” - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi thương con khi giờ vào học quá sớm ảnh hưởng sức khỏe của trẻ - Ảnh minh họa.

Năm 2018, một khảo sát về vấn đề học sinh thiếu ngủ của 2 nữ sinh trường THPT Gia Định (TP.HCM) đã lọt vào tới vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp TP. Khảo sát khi ấy đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận. Cụ thể, qua quá trình khảo sát đối với gần 7.400 học sinh trên địa bàn TP.HCM, hai tác giả đã thu được kết quả đáng báo động: Có gần 82% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày; trên 44% HS không ngủ trưa. Thời gian học sinh đi ngủ trước 22 giờ chỉ chiếm 8,6%; phần lớn học sinh đi ngủ từ 23 giờ - 0 giờ với gần 40%; đặc biệt có đến 20,7% học sinh đi ngủ sau 0 giờ…

Việc ngủ không đủ giấc ở trẻ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng và phát triển thể chất cũng như sự phát triển tâm lý và tình cảm của trẻ. Bên cạnh đó, nó cũng tác động tiêu cực đến khả năng tập trung trên lớp, từ đó dẫn đến việc thành tích học tập bị dao động.

Ngoài ra, do giờ vào học quá sớm nên nhiều học sinh không thể ăn sáng tại nhà, đặc biệt là đối với những học sinh nhà ở xa. Bữa sáng của các em thường là ăn ngoài hàng, thậm chí là ăn vội vàng trên đường đi khiến chất lượng lẫn dinh dưỡng đều không đảm bảo.

Hãy cho trẻ ngủ nhiều hơn

Năm học 2022-2023, lần đầu tiên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong áp dụng khung thời gian vào học lúc 7h30 vào các ngày trong tuần (trừ thứ Hai, thứ Bảy) - muộn hơn 30 phút so với các năm học trước.

Cô Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết khung thời gian này sẽ giúp giảm ùn tắc trước cổng trường, học sinh cũng có thêm thời gian để ăn sáng, chuẩn bị bài vở, phụ huynh cũng không phải vội vàng đưa con đến trường. Thời khóa biểu trong tuần cũng sẽ được cân đối lại để thích hợp. Tiết học cuối buổi sáng sẽ kết thúc lúc 11h và buổi chiều cũng sớm hơn, thuận lợi cho phụ huynh đưa đón.

Trước đó, từ năm học 2019-2020, trường THPT Tân Châu (An Giang) cũng thay đổi khung giờ vào lớp - ra về, để học sinh được vào học từ 7h30, thay vì 7h giờ như trước đó. Về lý do để tiến hành điều chỉnh khung giờ học này, thầy hiệu trưởng cho biết khi nhìn thấy học sinh mình vội vội vàng vàng chạy vào trường cầm theo hộp cơm, ổ bánh mì rất tội nghiệp. Về phía các giáo viên có con nhỏ cũng rất vất vả khi vừa phải dậy từ sớm cho các con mình đến trường trước rồi nhanh chóng đến trường.

“Học sinh tiểu học vất vả hơn cả nhân viên văn phòng!” - Ảnh 2.

Trường THPT Tân Châu (An Giang) (Ảnh: Google Map)

Chị Mai Anh (Hải Phòng) nói đùa: " Thêm giờ ngủ chính là một cách để chăm bón cho những mầm non của đất nước" . Một phụ huynh khác vui vẻ phản hồi: "Thời gian buổi sáng thoải mái hơn thì bố mẹ con cái cũng có thời gian trò chuyện ngắn gọn, không khí gia đình vì thế mà ấm cúng, gần gũi hơn".

Dù biết giờ vào học không thể áp cụ thể vào một khung ở tất cả mọi nơi do còn nhiều yếu tố khác chi phối như giờ đi làm của công nhân viên chức, chương trình dạy học của nhà trường, song việc nhà trường lắng nghe và tiếp thu ý kiến của phụ huynh để có những điều chỉnh "vẹn cả đôi đường" là điều nên được khuyến khích.

Giờ vào học muộn đồng nghĩa với việc trẻ được ngủ đủ giấc?

Lùi giờ vào học là một nhu cầu chính đáng và cũng là một xu hướng hiện nay. Nhưng trên thực tế, vẫn có không ít người bày tỏ lo ngại về việc liệu điều này có thực sự có thể tăng thời gian ngủ của học sinh một cách hiệu quả hay không.

"Giờ đi ngủ của học sinh thực chất được quyết định bởi thời gian làm bài tập" , một chuyên gia trong ngành giáo dục cho biết. Thời gian sau giờ học của phần lớn học sinh hiện nay ngập trong bài tập về nhà. Thời gian làm bài tập về nhà càng dài, học sinh càng có ít thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Và đương nhiên, thời gian ngủ sẽ theo đó mà bị rút ngắn lại. Cứ thế, tất cả tạo nên một vòng luẩn quẩn, lặp đi lặp lại.

“Học sinh tiểu học vất vả hơn cả nhân viên văn phòng!” - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Vị này cho rằng, cải cách lùi giờ vào học là tốt nhưng nếu không áp dụng song song với các cải cách khác thì e rằng về cơ bản, quyết định này vẫn không thể đảm bảo cho trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ.

Một số phụ huynh cũng lo lắng khi học sinh có thể đi học muộn hơn nhưng giờ làm việc của phụ huynh có trách nhiệm đưa đón con em họ vẫn chưa được điều chỉnh. Khoảng trống thời gian giữa chúng có thể sẽ sinh ra hệ lụy khác nhau.

"Lùi giờ vào học cũng được, giảm bớt khối lượng bài tập cho học sinh cũng được. Đến cuối cùng, tất cả đều đang hướng đến mục đích giảm gánh nặng cho các em. Tuy nhiên, giảm bớt gánh nặng đó như thế nào không phải là trách nhiệm của riêng nhà trường mà là của toàn xã hội, phải làm sao để thúc đẩy giáo dục, giúp các em học tập tốt hơn, lớn lên hạnh phúc hơn là điều cần được nghiên cứu và cải thiện" - 1 phụ huynh bày tỏ.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại