Vì sao loài người lại phát minh ra âm nhạc?

Thạch Anh |

Âm nhạc là một trong những 'món quà' vĩ đại nhất mà con người tìm ra, nhưng nguồn gốc của nó vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ.

Âm nhạc là một trong những "món quà" vĩ đại nhất mà con người tìm ra, nhưng nguồn gốc của nó vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ.

Là 1 trong 7 ngành nghệ thuật cơ bản của con người, âm nhạc có sức sống mãnh liệt đối với tâm hồn. Những người yêu âm nhạc khẳng định nó có khả năng chữa lành tâm hồn, gắn kết con người và nâng cao tinh thần thẩm mỹ.

Nhưng dù có đào sâu hay nỗ lực tìm hiểu thế nào, con người hiện đại vẫn chưa thể truy ra nguồn gốc đầu tiên của âm nhạc, hay ai là người đầu tiên sáng tạo ra nó.

Không có bằng chứng lịch sử nào cho chúng ta biết chính xác ai đã hát bài hát đầu tiên, hay huýt sáo giai điệu đầu tiên, hoặc tạo ra những âm thanh theo nhịp đầu tiên bằng những nhạc cụ thô sơ.

Vì sao loài người lại phát minh ra âm nhạc? - Ảnh 1.

Tranh cổ cho thấy 3 người phụ nữ ở Hy Lạp cổ đại đang chơi nhạc cụ. 2 người ở 2 bên đang chơi đàn lia. Người ở giữa đang chơi aulos.

Nhưng các nhà nghiên cứu biết chắc rằng nó đã xảy ra hàng nghìn năm trước. Các nền văn minh sớm nhất trên khắp châu Phi, châu Âu và châu Á đã có âm nhạc. Vào thời đó, nhiều người tin rằng nó là một sự sáng tạo của thần thánh, một món quà từ các vị thần.

Thật vậy, các vị thần và nữ thần từ nhiều tôn giáo và thần thoại đều gắn liền với âm nhạc. Những câu chuyện và tác phẩm nghệ thuật cho chúng ta biết rằng thần Àyàn của châu Phi là một tay trống; thần Apollo của Hy Lạp đã chơi đàn lia, một loại nhạc cụ dây. Trong sách "Sáng thế", Jubal - hậu duệ của Adam - được xác định là cha đẻ của đàn hạc và sáo.

Các nhà khoa học sẽ không bao giờ có thể công nhận một người, hoặc thậm chí một nhóm người với công lao phát minh âm nhạc. Tuy nhiên, dữ liệu từ quá khứ vẫn cung cấp cho chúng ta nhiều câu chuyện sâu sắc và thú vị.

Từ những lời ca nguyên thủy

Một số học giả nói rằng ca hát là loại hình biểu diễn đầu tiên của âm nhạc. Tất nhiên, con người ở thời đồ đá chưa thể soạn ra cả một bản nhạc hay bài hát hoàn chỉnh. Thay vào đó, họ tạo ra những âm thanh đơn giản hơn - có lẽ chỉ là một vài nốt nhạc ghép lại với nhau thành giai điệu. Nếu điều đó đúng, con người thời kỳ đầu đã bắt đầu biết nói và hát cùng một lúc.

Nhưng tại sao loài người lại bắt đầu hát? Có thể họ bị thôi thúc muốn bắt chước một thứ gì đó đẹp đẽ trong tự nhiên, chẳng hạn như tiếng chim. Tuy nhiên, việc mô phỏng âm thanh của các động vật khác có thể đã được sử dụng cho mục đích săn bắn là chính.

Cũng có thể ca hát là một cách để giao tiếp với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mới chập chững. Một ví dụ của hình thức này chính là những bài hát ru - những giai điệu truyền miệng đôi khi có tuổi đời rất cổ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những giai điệu hát ru hoàn chỉnh và phức tạp có lẽ cần rất nhiều thế hệ để hoàn chỉnh như sau này.

Vì sao loài người lại phát minh ra âm nhạc? - Ảnh 3.

Tiếng hát và những giai điệu đầu tiên của con người có lẽ đã được cất lên thông qua lao động, lễ hội và tôn giáo bằng cách mô phỏng lại các âm thanh của tự nhiên.

Để đi sâu vào nguồn gốc của tiếng hát, các nhà khoa học đã nghiên cứu hộp sọ và hàm hóa thạch của loài vượn cổ, để xem liệu chúng có thể phát âm và kiểm soát cao độ (yếu tố quan trọng hàng đầu của tiếng hát) hay không. Họ phát hiện, từ khoảng 1 triệu năm trước, tổ tiên chung của người Neanderthal và loài người hiện đại đã có giải phẫu thanh âm để "hát" giống như chúng ta.

Vì vậy, chúng ta biết rằng âm nhạc vốn lâu đời và có thể đã tồn tại với chúng ta từ khi loài người mới tiến hóa. Nhưng tại sao nó lại sinh ra và tại sao vẫn tồn tại? Có nhiều chức năng khả thi cho âm nhạc.

Một lý do rõ ràng khác cho âm nhạc là giải trí cho cả cá nhân hoặc cộng đồng. Âm nhạc cũng được sử dụng để liên lạc, thường là trong khoảng cách lớn, sử dụng các nhạc cụ như trống hoặc kèn. Tuy nhiên, một lý do khác cho âm nhạc là nghi lễ, và hầu như mọi tôn giáo đều sử dụng âm nhạc.

Tuy nhiên, lý do chính khiến âm nhạc phát triển và tồn tại có thể là nó gắn kết mọi người lại với nhau. Jeremy Montagu, giám tuyển của Bảo tàng Oxford và giáo sư Đại học Oxford giải thích: "Âm nhạc dẫn đến sự gắn kết, chẳng hạn như gắn kết giữa mẹ và con hoặc gắn kết giữa các nhóm với nhau. Âm nhạc giúp người lao động vui vẻ khi làm những công việc lặp đi lặp lại và nhàm chán, đồng thời giúp mọi người cùng nhau di chuyển, tăng sức mạnh cho công việc của họ. Khiêu vũ hoặc hát cùng nhau trước khi đi săn hoặc tham chiến sẽ gắn kết những người tham gia thành một nhóm gắn kết".

Thậm chí có ý kiến cho rằng âm nhạc, trong việc tạo ra mối liên kết như vậy, không chỉ tạo ra gia đình mà còn chính xã hội, gắn kết các cá nhân với nhau mà nếu không có nó, chúng ta sẽ trở nên đơn độc.

Jeremy Montagu

Đến những nhạc cụ ngày càng phức tạp

Một thành phần quan trọng khác của âm nhạc là nhịp điệu. Tổ tiên ban đầu của chúng ta có thể đã tạo ra âm nhạc nhịp nhàng bằng cách vỗ tay. Sau đó xuất hiện các loại nhạc cụ đầu tiên, khi ai đó nhận ra rằng việc đập đá hoặc gậy gỗ vào nhau không làm đau tay mà còn đa dạng hóa âm thanh. Nếu xét theo các bằng chứng tiến hóa và khảo cổ, có thể dự đoán nhạc cụ đã ra đời sau tiếng hát.

Vì sao loài người lại phát minh ra âm nhạc? - Ảnh 5.

Những bộ chuông đồng có tuổi đời hơn 3.000 năm tại Trung Quốc.

Nhiều nhạc cụ trong số này có thể đã được làm từ các vật liệu mềm như gỗ hoặc lau sậy, và vì vậy đã không còn tồn tại trước sương gió của thời gian. Những gì còn sót lại là những ống xương. Một số chiếc sớm nhất từng được tìm thấy được làm từ xương cánh của thiên nga và kền kền, có tuổi đời từ 39.000 đến 43.000 năm.

Các nhạc cụ cổ khác đã được tìm thấy ở những nơi đáng ngạc nhiên. Ví dụ, có bằng chứng cho thấy con người đánh vào thạch nhũ hoặc "cồng đá" trong các hang động có niên đại từ 12.000 năm trước, và chính các hang động đóng vai trò cộng hưởng cho âm thanh.

Tại Nhật Bản, một số còi và lục lạc cổ, làm bằng đá hoặc đất sét, có tuổi đời khoảng 6.000 năm. Thông qua lỗ thổi nhỏ, những nhạc cụ này tạo ra âm cao. Những người cổ đại sử dụng chúng có thể nghĩ rằng âm thanh đó là ma thuật và có thể họ đã chơi chúng trong các nghi lễ tôn giáo. Một số còi đá còn lại từ thời đó vẫn có thể tạo ra âm thanh.

Ở Trung Quốc, chuông gốm, có thể là "tổ tiên" của chuông đồng xuất hiện sau này, đã có mặt cách đây ít nhất 4.000 năm. Còn Hy Lạp, các nhạc cụ như krotola, một tập hợp các khối rỗng được bọc bằng da, đã được chơi cách đây 2.500 năm. Người Hy Lạp cũng sử dụng chũm chọe ngón tay và trống khung.

Nhạc cụ cũng có thể gắn liền với nhiều loại người khác nhau. Những người chăn cừu đã chơi syrinx, một loại nhạc cụ giống như tiếng huýt sáo, ngày nay được gọi là sáo chảo. Đó là một công cụ đơn giản dễ dàng mang theo trên đồng ruộng. Aulos là một nhạc cụ bằng gỗ phức tạp hơn bao gồm 2 ống. Nhìn chung, theo thời gian và nhu cầu lao động, sáng tạo, tôn giáo ngày càng đa dạng, con người càng phát minh ra nhiều nhạc cụ phức tạp hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại