Thể thao Việt Nam và những 'trái đắng' vì doping: Bị tước huy chương, cấm thi đấu nhiều năm

Mạnh Tùng |

Thể thao Việt Nam từng chứng kiến nhiều trường hợp VĐV mất sự nghiệp vì dương tính với doping. Mới đây, 'bóng ma doping' một lần nữa quay trở lại.

Thể thao Việt Nam và những trái đắng vì doping: Bị tước huy chương, cấm thi đấu nhiều năm - Ảnh 1.

Ở SEA Games 31 vừa diễn ra tại Việt Nam, đoàn thể thao Việt Nam giành vị trí nhất toàn đoàn với kỷ lục 205 HCV, 125 HCB, 106 HCĐ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên đoạt số HCV vượt con số 200 tại các kỳ SEA Games trong lịch sử. Tuy nhiên, thành tích lịch sử của thể thao Việt Nam kém lung linh với sự cố doping vừa bị phát hiện.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, ít nhất 6 VĐV Việt Nam mắc doping tại SEA Games 31, trong đó có cả VĐV giành HCV. Kết quả xét nghiệm mẫu A của các VĐV cho kết quả dương tính. Nếu bị xác định sử dụng doping, VĐV sẽ bị tước huy chương, cấm thi đấu theo quy định của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA).

Những VĐV đỉnh cao Việt Nam từng dính doping

Đây không phải là lần đầu tiên thể thao Việt Nam chứng kiến những vụ việc tương tự. Trong quá khứ, nhiều VĐV đỉnh cao Việt Nam phải nhận án phạt rất nặng vì sử dụng doping. Sau đây là một số trường hợp đáng chú ý.

1. SEA Games 22 năm 2003

Tại SEA Games 22 năm 2003 tổ chức tại Việt Nam, 4 VĐV nước chủ nhà là Hồng Anh (canoeing); Phạm Thị Dịu (lặn); Toàn Thắng (lặn); Mai Quỳnh (nhảy 3 bước) bị xác định dương tính với doping. Các VĐV này bị tước huy chương và bị cấm thi đấu 2 năm. May mắn là đoàn thể thao Việt Nam vẫn bảo toàn vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương.

2. Đỗ Thị Ngân Thương (Thể dục dụng cụ)

"Búp bê" Ngân Thương là niềm hi vọng số 1 của thể dục dụng cụ Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra doping tại Olympic 2008 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cho thấy Ngân Thương dương tính với Furosemide - một chất lợi tiểu có tác dụng khiến cơ thể không tích nước, giúp giảm cân. Với sự cố này, Ngân Thương bị cấm thi đấu quốc tế trong 1 năm.

Thể thao Việt Nam và những trái đắng vì doping: Bị tước huy chương, cấm thi đấu nhiều năm - Ảnh 3.

Đỗ Thị Ngân Thương (Thể dục dụng cụ)

3. Hoàng Anh Tuấn (Cử tạ)

Hoàng Anh Tuấn là đô cử từng giành Huy chương Bạc tại Olympic 2008 hạng 58kg. Tại giải vô địch thế giới năm 2010, anh bị phát hiện dương tính với chất Oxilofrine nằm trong danh mục bị cấm của Cử tạ thế giới (IWF). Hoàng Anh Tuấn phải đóng phạt 5.000 USD và cấm thi đấu 2 năm. Án phạt này cũng khiến cho sự nghiệp của Hoàng Anh Tuấn xuống dốc.

4. Trịnh Văn Vinh (Cử tạ)

Trịnh Văn Vinh là lực sĩ hàng đầu của thể thao Việt Nam, và được đầu tư cho mục tiêu giành HCV Asiad. Anh từng giành HCV cử giật hạng 62kg tại Giải cử tạ vô địch thế giới với thành tích 136kg. Ở đấu trường khu vực, Trịnh Văn Vinh giành HCV và phá kỷ lục tại SEA Games năm 2017.

Theo kết quả xét nghiệm doping công bố đầu năm 2019, Văn Vinh (khi đó 24 tuổi) có kết quả dương tính với các chất cấm có tên Adiol và Anabolic S1.1. Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) ra án phạt 5.000 USD và cấm thi đấu 4 năm với đô cử người Việt Nam. Hết hạn cấm vào năm 28 tuổi, Văn Vinh gần như không còn cơ hội trở lại thi đấu đỉnh cao.

Thể thao Việt Nam và những trái đắng vì doping: Bị tước huy chương, cấm thi đấu nhiều năm - Ảnh 4.

Trịnh Văn Vinh (Cử tạ)

5. Nguyễn Thị Mỹ Linh (Thể hình)

Tại giải vô địch thể hình châu Á năm 2008, mẫu thử của Nguyễn Thị Mỹ Linh dương tính với Frusemide - một chất nằm trong danh mục bị cấm. Mỹ Linh đối diện với án phạt 2.000 USD và cấm thi đấu 2 năm. Tuy nhiên, cô kháng cáo thành công với lý do vô tình sử dụng chất cấm khi uống thuốc chữa bệnh. Do đó, Mỹ Linh chỉ bị phạt 1 năm và vẫn có thể trở lại đỉnh cao.

Gian nan công tác phòng, chống doping

Trước mỗi kỳ đại hội thể thao, đoàn thể thao Việt Nam đều lựa chọn một số lượng nhất định VĐV để kiểm tra doping. Có người sẽ đặt câu hỏi, vì sao không kiểm tra tất cả VĐV? Câu trả lời là Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm doping và chi phí cho một mẫu xét nghiệm doping lên đến 300 USD.

Các VĐV cũng được khuyến cáo tuyệt đối không mua thuốc để tự điều trị bệnh mà phải thông qua bác sĩ. Điều này sẽ tránh các tình huống vô tình sử dụng chất cấm trong các loại thuốc đặc trị.

Bên cạnh các loại thuốc, thực phẩm mà các VĐV đỉnh cao ăn uống cũng để lại nỗi lo riêng. Cụ thể, chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn chứa những chất bị cấm sử dụng trong tập luyện và thi đấu thể thao.

Thể thao Việt Nam và những trái đắng vì doping: Bị tước huy chương, cấm thi đấu nhiều năm - Ảnh 5.

Điều này buộc các nhà hoạch định phải tính toán đến các phương án bảo vệ VĐV trước nguy cơ vô tình dính doping. Quan trọng hơn, VĐV cần có ý thức tuyệt đối không với doping để tránh những án phạt có thể hủy hoại sự nghiệp.

Với thể thao Việt Nam, những trường hợp VĐV bị xác định dương tính doping sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến thành tích ở các kỳ thể thao. Đằng sau mỗi tấm huy chương, ngoài sự nỗ lực của VĐV thì còn có dấu ấn về cả tiền bạc và tâm huyết đầu tư của thể thao nước nhà. Hơn thế nữa, những sự cố doping cũng làm hoen ố hình ảnh thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại