Hạn hán nghiêm trọng nhất châu Âu phơi bày lịch sử Thế chiến II

Bảo Hà |

Hàng chục xác tàu chiến của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ II đã lộ ra trên sông Danube khi mực nước giảm mạnh do hạn hán.

Hạn hán nghiêm trọng nhất châu Âu phơi bày lịch sử Thế chiến II - Ảnh 1.

Dòng sông cạn trơ đáy do hạn hán khiến xác tàu nổi lên. Ảnh: AP

Giữa dòng sông hùng vĩ ngăn cách Serbia và Romania, các thân tàu gỉ sét cùng cột buồm gãy đôi ngả vào cồn đá cuội nhấp nhô trên mặt nước.

Những xác tàu này, một số vẫn còn chứa đầy bom, thuộc hạm đội Biển Đen của Đức Quốc xã đã bị quân Đức cố tình đánh chìm khi họ rút chạy khỏi Romania để không rơi vào tay lực lượng Liên Xô.

Theo hãng tin AP, các nhà sử học cho biết có tới 200 tàu chiến Đức đã bị đánh chìm vào tháng 9/1944 gần Prahovo trong hẻm núi Danube theo lệnh của chỉ huy hạm đội khi họ bị Liên Xô tấn công dữ dội. Mục đích của chiến thuật đánh chùm tàu này nhằm làm chậm bước tiến của Liên Xô ở Balkan. Đến tháng 5/1945, Đức Quốc xã đầu hàng.

Theo báo cáo của tổ chức quốc tế, khoảng 2/3 lục địa châu Âu đang trong tình trạng cảnh báo hạn hán, có thể là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua. Các nhà khoa học lý giải thời tiết nóng bất thường tại châu Âu mùa hè qua bắt nguồn từ hiện tượng ấm lên toàn cầu kết hợp cùng các yếu tố khác. Mực nước giảm đáng kể đã gây ra nhiều rủi ro đối với các tàu di chuyển trên các tuyến sông của lục địa, bao gồm sông Danube - con sông dài thứ hai của châu Âu chảy qua 10 quốc gia. Các nhà chức trách ở Serbia đã sử dụng phương pháp nạo vét đáy sông để giúp cho tàu thuyền di chuyển.

Hạn hán nghiêm trọng nhất châu Âu phơi bày lịch sử Thế chiến II - Ảnh 2.

Những thân tàu đã gỉ sắt. Ảnh: AP

Hạn hán nghiêm trọng nhất châu Âu phơi bày lịch sử Thế chiến II - Ảnh 3.

Những xác tàu này được cho là đã gây rắc rối cho những người sử dụng dòng sông trong hàng chục năm qua. Hiện chính phủ Serbia, với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, lên kế hoạch xử lý chúng.

Ngay sau chiến tranh, một số xác tàu đã được chính quyền Nam Tư đưa lên bờ. Nhưng phần lớn chúng vẫn chìm dưới đáy sống, gây trở ngại cho việc di chuyển, đặc biệt là vào mùa hè khi mực nước xuống thấp. Trong nhiều năm, chính phủ các nước có liên quan có kế hoạch đưa các con tàu ra khỏi đáy bùn, nhưng hoạt động này được coi là quá rủi ro vì chất nổ trong tàu cũng như không có đủ kinh phí để thực hiện.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã đồng ý cung cấp các khoản vay và viện trợ không hoàn lại để tài trợ cho hoạt động di dời một số tàu nhằm cải thiện năng lực giao thông của sông Danube. Tổng chi phí của hoạt động ước tính khoảng 30 triệu euro, trong đó khoảng 16 triệu là viện trợ miễn phí.

Hạn hán nghiêm trọng nhất châu Âu phơi bày lịch sử Thế chiến II - Ảnh 5.

Chúng gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông trên sông. Ảnh: AP

Hạn hán nghiêm trọng nhất châu Âu phơi bày lịch sử Thế chiến II - Ảnh 6.

Đại sứ EU tại Serbia, Emanuele Giaufret, cho biết: “Những con tàu này đã bị đánh chìm và nằm dưới đáy sông kể từ đó. Đây là một vấn đề đối với giao thông trên sông Danube, vì hạn chế khả năng di chuyển và là một mối nguy hiểm vì một số tàu còn vật liệu chưa nổ”.

Dự án sẽ bao gồm việc di dời 21 tàu bị đánh chìm. Theo ông Alessandro Bragonzi, người đứng đầu Ngân hàng Đầu tư châu Âu ở Tây Balkans, mặc dù có khoảng 40 chiếc ở dưới đáy sống song hiện chỉ có 21 nước cản trở giao thông khi mực nước hạ thấp.

Các chuyên gia chỉ ra hoạt động trục vớt sẽ bao gồm việc loại bỏ các vật liệu nổ từ các tàu và sau đó phá hủy xác tàu chứ không phải kéo khỏi sông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại