Khó khăn chồng khó khăn: Khí đốt đang cạn mà Châu Âu còn tranh cãi về chất thải hạt nhân

An An |

Tờ Euronews đưa tin, một cuộc tranh cãi đang diễn ra ở vùng Balkan khi căng thẳng gia tăng liên quan đến kế hoạch xây dựng cơ sở lưu giữ chất thải hạt nhân.

Đường hầm có lẽ có lựa chọn thay thế an toàn hơn để chôn cất chất thải hạt nhân ở Mỹ. Ảnh: Getty

Đường hầm có lẽ có lựa chọn thay thế an toàn hơn để chôn cất chất thải hạt nhân ở Mỹ. Ảnh: Getty

TRANH CÃI VỀ LƯU GIỮ CHẤT THẢI HẠT NHÂN

Kế hoạch lưu giữ chất thải hạt nhân của Croatia gần biên giới với Bosnia đang vấp phải sự phản đối ngày càng nhiều từ nước láng giềng do lo ngại nhà máy này có thể gây ra các tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường.

Vào năm 2018, giới chức Croatia đã lựa chọn một địa điểm gần sông Una để xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, trong nỗ lực ngăn chặn kế hoạch, Bosnia đã phản ứng bằng cách tuyên bố rằng, khu vực xây dựng này sát ngay cạnh một khu bảo tồn thiên nhiên.

Do đó, người Bosnia ngày càng lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra đối với các dòng sông hoang sơ và ngành nông nghiệp hữu cơ của họ, chưa kể đến sức khỏe cộng đồng.

Mario Crnkovic, nhà sinh thái học ở thị trấn Novi Grad, biên giới Bosnia, cách địa điểm đánh dấu khoảng 1 km cho biết: "Chúng tôi lo ngại dự án này sẽ ảnh hưởng nguy hại đến cuộc sống của người dân và môi trường xung quanh".

Croatia đã bác bỏ những lo ngại, nhưng giới chuyên gia cho rằng chính phủ nước này vẫn chưa công bố bất kỳ đánh giá rủi ro môi trường hoặc sức khỏe nào về dự án này.

Khu vực này có nguy cơ bị ngập lụt và thường xuyên xảy ra các trận động đất. Nó cũng vẫn đang được rà phá bom mìn còn sót lại sau các cuộc chiến tranh Balkan trong những năm 1990.

Giới chức Bosnia đang hy vọng rằng chính phủ Croatia vẫn có thể thay đổi quyết định. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, Bosnia đã gợi ý họ có thể xây dựng cơ sở lưu giữ chất thải hạt nhân bên cạnh điểm du lịch lớn của Croatia, Dubrovnik.

Khó khăn chồng khó khăn: Khí đốt đang cạn mà Châu Âu còn tranh cãi về chất thải hạt nhân - Ảnh 1.

Công nhân rải lớp xi măng bảo vệ trong đường hầm chứa chất thải hạt nhân ở Pháp. Ảnh: AP

SỰ CỐ NGOẠI GIAO VỀ CHẤT THẢI HẠT NHÂN

Vụ tranh cãi ở Balkan không phải là sự cố ngoại giao duy nhất xảy ra liên quan đến việc xử lý chất thải hạt nhân trong những năm gần đây.

Năm 2020, chính phủ Bỉ thông báo rằng họ đã nhận được các khuyến nghị về bảy địa điểm xử lý chất thải hạt nhân dưới lòng đất nhưng không nêu rõ chúng ở đâu.

Không lâu sau đó, Bộ trưởng Môi trường Luxembourg Carole Dieschbourg nói rằng, nước này cũng sẽ xây dựng cơ sở lưu giữ chất hạt nhân ở khu vực Namur, Dinant và Stavelot, gần biên giới với Bỉ.

"[Địa điểm] đó ngay trước cửa nhà của chúng tôi", Bộ trưởng Luxembourg đồng thời chỉ ra những mối nguy hiểm tiềm tàng cho cư dân địa phương và cáo buộc chính phủ Bỉ vi phạm công ước Espoo về quy định báo cáo tác động môi trường xuyên biên giới.

Đáp lại Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Bỉ, Marie-Christine Marghem đã cáo buộc bà Dieschbourg về một "chiến dịch thông tin sai lệch".

Bà Marghem nói: "Phân phát bản đồ với những địa điểm giả định cho người dân Luxembourg hoặc thảo luận về khả năng ô nhiễm nguồn nước không khác gì một chiến dịch thông tin sai lệch gây hại".

CHẤT THẢI HẠT NHÂN SẼ ĐƯỢC LƯU GIỮ Ở ĐÂU TRONG TƯƠNG LAI?

Hầu hết các cơ sở lưu giữ chất thải hạt nhân đang hoạt động đều được xây dựng dưới lòng đất. Anh, Pháp và Tây Ban Nha đều sử dụng các giải pháp ngắn hạn này.

Tuy nhiên, sự đồng thuận cho tương lai là chất thải hạt nhân tốt nhất nên được lưu giữ trong một cơ sở xử lý địa chất nằm sâu dưới chân chúng ta. Ở đó, trong không gian 700 - 1000 mét dưới lòng đất, các lò phản ứng đã qua sử dụng sẽ được xử lý an toàn và bịt kín với các cấu trúc đá bằng xi măng, để chúng tự phân hủy qua hàng trăm nghìn năm.

Những đề xuất được đưa ra trước đây về việc đưa chất thải lên vũ trụ hoặc chôn vùi chúng dưới đáy đại dương đã bị bỏ qua nhưng vẫn còn một vấn đề đang diễn ra là làm thế nào để cảnh báo các thế hệ tương lai về sự nguy hiểm của các bãi chứa chất thải.

Không có gì đảm bảo rằng ngôn ngữ ngày nay sẽ được sử dụng hoặc hình tượng hiện tại sẽ được nhận ra trong hàng nghìn năm nữa, dẫn tới nguy cơ chất thải độc hại vẫn còn nguy hiểm có thể vô tình được mở ra bởi các nhà khảo cổ học tò mò trong tương lai.

Vào những năm 1980, chính phủ Mỹ đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để tìm cách ngăn chặn sự việc thảm khốc như vậy xảy ra. Một trong những khuyến nghị của họ là tạo ra những huyền thoại và truyền thuyết giả để xua đuổi những người tò mò.

Khó khăn chồng khó khăn: Khí đốt đang cạn mà Châu Âu còn tranh cãi về chất thải hạt nhân - Ảnh 2.

Thùng chứa chất thải hạt nhân. Ảnh: AP

LIỆU CHÚNG TA CÓ CẦN THÊM KHO CHỨA CHẤT THẢI HẠT NHÂN?

Do nhu cầu năng lượng tăng cao cùng mục tiêu đạt cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 nên năng lượng hạt nhân đã có trong danh sách nguồn cung năng lượng của châu Âu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết xây dựng 8 lò phản ứng mới trong 20 năm tới để đáp ứng 1/4 nhu cầu năng lượng của vương quốc này.

Nhà sản xuất siêu xe Rolls-Royce cũng đã tham gia chế tạo lò phản ứng hạt nhân dạng module nhỏ đầu tiên trên thế giới dễ bảo quản và sử dụng hơn.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết xây dựng 14 lò phản ứng mới ở châu Âu để cung cấp năng lượng cho nước này vào năm 2050 và hỗ trợ tiến trình trung hòa carbon.

Đức đang xem xét lại lệnh cấm năng lượng hạt nhân sau thảm họa ở Fukushima, Nhật Bản năm 2011.

Euronews cho rằng, để ngăn chặn chất thải hạt nhân chất thành đống trong các cơ sở trên mặt đất và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch kéo dài dẫn đến biến đổi khí hậu, thế giới cần chung tay tìm ra một giải pháp hợp lý cho vấn đề này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại