Chỉ huy đồn biên phòng khai cuộc gặp bàn kế 'rửa tiền'

Thanh Lam |

Trong ngày làm việc thứ hai của phiên xét xử đại án "bảo kê" buôn lậu 200 triệu lít xăng giả, 13/7, bị cáo Nguyễn Văn Hùng, thượng tá, cựu đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hoà, tỉnh Trà Vinh nhanh chóng thừa nhận việc nhận hối lộ 6,3 tỷ đồng của trùm xăng lậu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh).

Ông Hùng nhận đã giới thiệu ông Hữu với ông Phạm Văn Trên, đại tá Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh; thượng tá Lê Văn Phương, Phó phòng CSGT Công an tỉnh và Phạm Hồ Hải, Trưởng đại diện cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải để cùng "bảo kê" các tàu chở xăng lậu.

Tổng số tiền bốn bị cáo Hùng, Trên, Phương, Hải nhận hối lộ được VKS Quân sự xác định là 8 tỷ đồng.

Chỉ huy đồn biên phòng khai cuộc gặp bàn kế rửa tiền - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Trên (áo kẻ) tại Toà án quân sự Thủ đô, ngày 13/7.

Bị cáo Hùng khai, sau khi ông Hữu bị bắt, tháng 3/2021 đã lần lượt đến gặp Hải và Trên tại quán cà phê, bàn cách khai báo thế nào. Ông đặt vấn đề "tính sao" với các khoản tiền nhận lót tay 15 tháng qua và được hai người đưa ra giải pháp "làm giấy vay nợ", mỗi người giữ một bản.

"Thực tế bị cáo và Hải, Trên không có quan hệ vay mượn gì, làm vậy để đối phó cơ quan chức năng", ông Hùng khai.

"Tại sao ngay ban đầu không khai sự thật?", luật sư hỏi. Ông Hùng đáp: "Tôi có nói các anh lo cho gia đình, vợ con của em, em sẽ không khai. Tuy nhiên, sau khi bị bắt tạm giam, suy nghĩ và nhận thức được sai phạm, tôi quyết định khai sự thật. Tôi cam đoan lời khai trung thực, thẳng thắn".

Các đồng phạm của bị cáo Hùng cơ bản nhất trí về lời khai này. Riêng ông Hải cho rằng VKS cáo buộc không kiểm soát các tàu xăng lậu của Hữu khi đi vào khu vực thuộc địa bàn ông quản lý là "không đúng".

Theo đó, Cảng vụ chỉ kiểm tra yếu tố an toàn (tàu và con người) chứ không kiểm tra hàng hóa. Nếu không có dấu hiệu vi phạm, Cảng vụ cũng chỉ thông báo cho cơ quan liên quan; chỉ bắt khi có quyết định của cơ quan thẩm quyền.

"Bị cáo đã thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình. Tôi đứng đây là tủi nhục, đau xót lắm. VKS cáo buộc như nào, nay tôi xin nhận", ông Hải trình bày.

Bốn cán bộ trên đều bị VKS Quân sự Trung ương truy tố về tội Nhận hối lộ, theo điều 354, bộ luật Hình sự. Số tiền nhận hối lộ đã được các bị cáo cơ bản khắc phục trong giai đoạn điều tra, khởi tố.

Chỉ huy đồn biên phòng khai cuộc gặp bàn kế rửa tiền - Ảnh 2.

Người làm chứng Phan Thanh Hữu tại phiên toà sáng 13/7.

Hơn bốn giờ đối chất với trùm xăng lậu

Trùm xăng lậu Phan Thanh Hữu được HĐXX triệu tập trong tư cách người làm chứng, đã liên tục trả lời luật sư trong phiên xét xử chiều 13/7, chủ yếu để làm rõ cách thức, số tiền đưa hối lộ cho các cán bộ Biên phòng cảnh sát biển và các thỏa thuận liên quan hoạt động "bảo kê".

Trong ba giờ, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh, đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, liên tục hỏi ông Hữu về mối quan hệ giữa hai người, do thân chủ trong các phiên trả lời trước, liên tục kêu "oan" và khẳng định không quen biết hay nhận tiền của ông Hữu.

Đáp lại, ông Hữu giữ nguyên lời khai, nói còn lập "bảng kê" về số tiền hằng tháng hối lộ cho Thế Anh để có cơ sở quyết toán lợi nhuận với đồng phạm trong nhóm buôn lậu. Trong bảng kê này, ông Thế Anh được Hữu lưu với tên "389", do thời gian này, ông Thế Anh còn giữ chức Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia).

Theo thỏa thuận ông Hữu sẽ chi cho ông Thế Anh 30.000 USD và 100 triệu đồng mỗi tháng, song từ tháng 9/2020, khi Thế Anh chuyển về làm Chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, ông trùm buôn lậu chủ động giảm còn 10.000 USD. Lý do, thấy cán bộ này "hết giá trị lợi dụng".

"Không liên quan sao vẫn phải chi tiền?", luật sư thẩm vấn. Ông Hữu khai do bị ông Thế Anh gọi "đe dọa", nếu không "không anh ấy xúi người khác bắt tôi ", ông Hữu nói.

Trước lời khai này, bị cáo Thế Anh tiếp tục phủ nhận, nói còn "không biết số điện thoại" của ông Hữu". Hơn nữa, với chức vụ của mình, ông không có trách nhiệm bắt giữ buôn lậu mà chỉ có "tổng hợp tình hình" buôn lậu trên địa bàn được phân công, do đó không có cớ gì để nhận tiền hay nhờ em họ là bị cáo Nguyễn Văn An, lấy tiền hối lộ giúp.

Liên tục bị các luật sư của ông Thế Anh hỏi dồn nhiều câu dài, lặp lại, ông Hữu tỏ ra căng thẳng, bức xúc, cho rằng bị "áp đặt", rời bục trả lời.

Chủ tọa lưu ý, ông Hữu bị "lãng tai", các luật sư chú ý đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tránh "tính chất suy luận", và "nội dung gì đã hỏi thì không lặp lại". Chủ toạ cũng nhắc nhở ông Hữu nên tôn trọng các câu hỏi luật sư và trả lời khách quan, trung thực.

Chỉ huy đồn biên phòng khai cuộc gặp bàn kế rửa tiền - Ảnh 4.

Cáo trạng xác định, từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, tại một số đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam đã xảy ra các sai phạm có tính chất "đặc biệt nghiêm trọng". Nhiều cán bộ Biên phòng, cảnh sát biển bị cáo buộc tạo điều kiện cho việc vận chuyển xăng lậu trên biển "trong thời gian dài, tần suất nhiều chuyến/tháng không bị bắt giữ, xử lý.

Nhà chức trách xác định, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, đường dây này đã buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng, trị giá gần 2.900 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ.

Liên quan vụ án, đầu tháng 7, Phan Thanh Hữu cùng 72 người khác cũng đang bị VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố về tội Buôn lậu, theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự - khung hình phạt 12 đến 20 năm tù. Những người này được đình chỉ điều tra hành vi Đưa hối lộ do chủ động khai báo trước khi bị phát giác.

Ngày mai, VKS công bố bản luận tội và đề nghị mức án với 14 bị cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại