Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và những thách thức mới

Minh Quang - Lê Tuyển - Đình Hưng |

Trước các thách thức như nước biển dâng, ô nhiễm rác thải... việc xây dựng cơ chế bảo vệ tài nguyên biển và đại dương trở thành nhu cầu cấp thiết.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 ( UNCLOS ) được thông qua cách đây 40 năm và chính thức có hiệu lực được 28 năm. Đây bản Hiến chương về Đại dương, là văn kiện pháp lý toàn diện về biển và đại dương. Từ khi có hiệu lực đến nay, Công ước không chỉ giúp giải quyết các tranh chấp về biển, mà đã và đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác, duy trì ổn định môi trường biển và đại dương.

Đại dương chiếm khoảng 70% bề mặt Trái đất, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với sự sống của con người. Trước các thách thức mới như nước biển dâng, ô nhiễm rác thải nhựa... việc xây dựng các cơ chế bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên biển và đại dương trở thành nhu cầu cấp thiết; trong đó, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đóng vai trò là văn kiện khung.

Ông Abdulla Shahid - Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76: "Giờ là lúc chúng ta cần nhìn lại những việc làm của con người làm hại tới đại dương. Sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào một hành tinh có hệ sinh thái đại dương lành mạnh. Cùng với các quy định trong Công ước Luật biển, chúng ta có thể xây dựng các cơ chế hành động để đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này".

GS.Carl Thayer - Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, Đại học New South Wales, Australia: "Một trong những điểm quan trọng mà UNCLOS đưa ra đó là nghĩa vụ hợp tác, bảo vệ môi trường biển... Mặc dù UNCLOS không phải là giải pháp tức thì cho các thách thức này, nhưng nó là quy phạm pháp luật quy định nghĩa vụ hợp tác ứng phó thách thức của các quốc gia".

Với đặc thù là có thể thảo luận, bổ sung, UNCLOS 1982 đã giúp tạo ra các khuôn khổ để trao đổi, tìm kiếm các cơ chế thúc đẩy hợp tác ứng phó với các thách thức từ an toàn biển, an ninh biển, đến ô nhiễm môi trường biển, khai thác tài nguyên dưới đáy biển và đa dạng sinh học...

Là quốc gia chịu tác động trực tiếp từ vấn đề nước biển dâng, ô nhiễm rác thải nhựa, Việt Nam đã chủ động cùng các nước thành lập nhóm Bạn bè Công ước Luật biển, trao đổi, tư vấn về tất cả những vấn đề biển mới nảy sinh; tiếp tục khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc hợp tác quốc tế trên cơ sở UNCLOS nhằm đối phó với các thách thức mới trên biển và đại dương, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại