Muốn Nga bán dầu, nhưng không muốn Nga thu lợi, chính phủ Mỹ liệu có mâu thuẫn?

Hữu Hiển |

Ngày 7/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Mỹ dự định cho phép dầu của Nga tiếp tục chảy vào thị trường quốc tế, nhưng cần phải hạn chế Nga thu lợi từ dầu.

Theo trang tin tài chính Zhongxin (Trung Quốc), thành ngữ nước này có câu: "Muốn ngựa chạy nhanh nhưng lại không để cho nó ăn cỏ", và để đối phó với giá dầu tăng chóng mặt, chính phủ Mỹ gần đây quả thật đã làm một điều như vậy.

Muốn Nga bán dầu nhưng không cho họ kiếm tiền, động thái này của Mỹ là gì?

Muốn Nga bán dầu, nhưng không muốn Nga thu lợi, chính phủ Mỹ liệu có mâu thuẫn? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Chinanews

Giá dầu tăng vọt, chính phủ Mỹ "bất lực"

Sau khi giá dầu tại Mỹ tăng chóng mặt và bản thân không thể tự giải quyết vấn đề, Mỹ lại nghĩ đến dầu của Nga.

Vào ngày 8/6, dữ liệu do Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) công bố cho thấy, giá xăng trung bình tại nước này đã tăng lên mức 4,955 USD/gallon, lại lập một kỷ lục mới, và tăng hơn 60% so với một năm trước.

Trong đó, giá xăng ở miền Tây nước Mỹ là cao nhất, nhiều bang có giá xăng vượt quá 5 USD. Bang California tiếp tục duy trì mức giá cao nhất, nơi các tài xế phải trả 6,39 USD/gallon. Tại nhiều trạm xăng ở đó, giá xăng thông thường đã cao hơn mức lương tối thiểu liên bang.

Đối với người Mỹ, đổ đầy một chiếc ô tô cỡ nhỏ với bình xăng 13 gallon hiện đã tốn thêm hàng chục USD.

Một người dân Mỹ cho biết: "Tôi không còn khả năng đổ xăng và sau này nếu không phải là trong trường hợp khẩn cấp thì tôi sẽ không lái xe."

Một số người Mỹ thậm chí còn nói một cách tiêu cực rằng, họ sẽ bán xe và đi bộ đến nơi làm việc.

Đồng thời, các biện pháp kiềm chế giá dầu của chính phủ Mỹ thất bại cũng như "đổ thêm dầu vào lửa", khiến công chúng nước này không hài lòng. Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện một số biện pháp để kiểm soát giá dầu, nhưng kết quả đạt được là không rõ ràng.

Ngày 7/6, trong một chương trình truyền hình, Thượng nghị sĩ John F. Kennedy đã công kích các chính sách kinh tế của chính phủ Mỹ, châm biếm việc giá dầu tăng vọt: "Tôi không biết bạn sống ở đâu, nhưng giá xăng ở bang của tôi đã cao đến nỗi cocaine (một loại ma túy) có thể còn rẻ hơn."

Hãng tin CNN dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết: "Thật không may, đây là thực tế nghiệt ngã, và không còn nhiều biện pháp mà Tổng thống Biden có thể làm để kiểm soát giá dầu."

Vẫn cần dựa vào Nga để giải quyết vấn đề?

Giá dầu tăng cao không thể kiểm soát, vấn đề là do ai? Các quan chức chính phủ Mỹ đa phần cho rằng, việc này có liên quan đến Nga, và xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân khiến cho giá dầu toàn cầu tăng cao.

Cụ thể, tình tình xung đột Nga - Ukraine chưa được giải quyết đã dẫn đến nhiều đợt trừng phạt nhằm vào Nga, ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô và đẩy giá dầu toàn cầu lên cao.

Trong số đó, vào ngày 8/3, Mỹ đã công bố lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga (bao gồm dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá).

Nhưng điều trớ trêu là, mặc dù Mỹ luôn vận động và đi đầu trong các biện pháp trừng phạt chống lại Nga trên phạm vi toàn cầu, nhưng họ vẫn chưa bao giờ ngừng sử dụng dầu của Nga.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tiết lộ rằng, vào tháng 3 năm nay, Nga đã leo từ vị trí thứ chín lên thứ sáu trong danh sách các nhà cung cấp dầu thô lớn cho Mỹ, đạt 4,218 triệu thùng. Đồng thời, xét về tổng nguồn cung dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế cho Mỹ, Nga đang đứng thứ ba, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 17,825 triệu thùng.

Một số nhà phân tích tin rằng, Mỹ đã sớm có dự tính cho riêng mình để liên tục thu được lợi nhuận: trong khi khiến các đồng minh phải trả giá cho tác động tiêu cực sau các lệnh trừng phạt chống lại Nga, Mỹ lại kiếm được rất nhiều "tiền chiến tranh".

Tuy nhiên, hiện tại có vẻ như dự tính này "hơi sai". Chính phủ Mỹ, vốn không thể tự mình kiểm soát giá dầu, dường như lại phải đánh giá cao tầm quan trọng của dầu Nga, và bắt đầu mâu thuẫn với kế hoạch trừng phạt cứng rắn trước đó nhằm vào Nga.

Ngày 1/6, Tổng thống Biden nói rằng, chính phủ Mỹ đang xem xét các phương án khác, chẳng hạn như mua dầu thô của Nga với mức giá "thấp hơn giá thị trường".

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hạn chế Nga thu lợi từ dầu mỏ, trong khi vẫn cho phép dầu mỏ của Nga chảy vào thị trường toàn cầu. Mục tiêu của Mỹ là hạn chế lợi nhuận từ việc bán dầu của Nga. Về vấn đề này, Mỹ đang "rất tích cực" thảo luận với các nước châu Âu về các kế hoạch liên quan.

Muốn Nga bán dầu, nhưng không muốn Nga thu lợi, chính phủ Mỹ liệu có mâu thuẫn? - Ảnh 2.

Giá xăng dầu tại một trạm xăng ở Mỹ. Ảnh: Chinanews

Mỹ có thể mâu thuẫn với chính mình trước đó

Dữ liệu cho thấy, nguồn cung dầu nội địa của Mỹ hiện đang ở mức thấp. Khi mùa hè - mùa cao điểm sử dụng xe - bắt đầu, áp lực đối với nguồn cung dầu của Mỹ sẽ không giảm bớt. EIA cũng đã ra thông báo vào ngày 7/6 cho biết, lượng dầu tồn kho thấp làm tăng khả năng biến động giá dầu.

Không chỉ có vậy, giá dầu tăng cao còn xảy ra vào thời điểm mà tăng trưởng sản xuất của Mỹ tương đối hạn chế trong năm nay. EIA dự kiến, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng từ mức 11,19 triệu thùng/ngày vào năm 2021 lên mức 11,92 triệu thùng/ngày vào năm 2022, tăng 6,6% so với năm 2021; năm 2023, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 8,8% so với năm 2022, lên mức 12,97 triệu thùng/ngày.

Ông Matt Smith - chuyên gia phân tích ngành hàng dầu mỏ tại Công ty nghiên cứu thị trường Kpler (Anh) – nhận định, giá xăng dầu cao không có dấu hiệu giảm bớt, và các biện pháp của chính quyền Tổng thống Biden sẽ không làm giảm giá dầu.

"Chính phủ Mỹ gần như không có công cụ nào vì nhân tố lớn nhất thúc đẩy giá xăng dầu là các nhân tố mang tính cơ bản toàn cầu. Bạn có thể đưa ra quyết định về nguồn cung trong nước, nhưng nếu nó không có tác động đến tình hình toàn cầu, thì sẽ không giúp ích được gì cho giá cả tại các trạm xăng", ông Smith cho biết.

Ông Andrew Lipow - Chủ tịch Công ty phân tích thị trường dầu mỏ Lipow Oil Associates (Mỹ) – dự đoán, giá xăng trung bình tại Mỹ sẽ vượt mức 5 USD trong vòng 10 ngày tới.

JPMorgan Chase trước đó đã dự đoán rằng, giá xăng trung bình tại Mỹ có thể tăng trên mức 6 USD vào mùa hè này.

Tuy nhiên, liên quan đến kế hoạch mua dầu do Mỹ đề xuất, trong cuộc họp báo ngày 2/6, ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - cho biết, trong mọi trường hợp, giá cả hàng hóa cần phải được điều tiết bởi thị trường, mặc dù Nga đang phải đối mặt với tình thế khó khan bởi các lệnh trừng phạt, nhưng Nga sẽ không bán bất cứ thứ gì khi bị lỗ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại