Rẽ hướng ở tuổi 30, từ hai bàn tay trắng, người phụ nữ gây dựng thương hiệu nổi tiếng

Ngân Hà |

Đang công tác trong ngành truyền thông, người phụ nữ bất ngờ có quyết định táo bạo: Nghỉ việc để khởi nghiệp dù đã ngoài 30.

"Ở tuổi 30, tôi mới bắt đầu trưởng thành"

Đó là lời bộc bạch của chị Mai Phạm - người phụ nữ U40 hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, khi chia sẻ về hành trình kinh doanh, gây dựng nên thương hiệu đồ da xuất phát từ con số không tròn trĩnh.

Cách đây khoảng 10 năm, chị Mai khi ấy ngấp nghé tuổi 30 - độ tuổi mà xã hội nhận định rằng bạn cần phải có thành tựu trong công việc, hoặc ít nhất đã có sự nghiệp ổn định, nhiều cơ hội thăng tiến... thì chị Mai lại có quyết định vô cùng táo bạo: Nghỉ việc để làm lại từ đầu.

Thời gian đầu, chị Mai dù rất bản lĩnh nhưng vẫn không tránh khỏi những lao đao: "Năm 2012, tôi nghỉ công việc trong lĩnh vực truyền thông, và nhận thất bại khi hợp tác kinh doanh vào một năm sau đó.

30 tuổi, tôi mới ngẫm ra bài học đầu tiên về sự chủ động. Khi bị phụ thuộc thì một cú hích nhẹ cũng đủ lao đao. Là người cố chấp, tôi kiên quyết tự chủ trong những bước đi tiếp theo mà không đi làm trở lại.

"Mở phòng Gym đi, đang xu hướng đó!"; "Mở nhà trẻ đi, nhu cầu không bao giờ hết lại có thời gian chăm sóc con cái!"... là vài trong nhiều lời khuyên tôi nhận được khi chia sẻ về việc xây dựng một điều gì đó cho mình.

Tuy nhiên, sau khi tham khảo giá thuê nhà thì tôi từ bỏ hoàn toàn dự định về các công việc đòi hỏi đầu tư mặt bằng lớn.

Dẫu chưa biết bản thân sẽ làm gì, hướng đi ra sao nhưng ngày nào tôi cũng ra khỏi nhà vào giờ đi làm, bởi không chịu được cảm giác mình đang thất nghiệp."

Rẽ hướng ở tuổi 30, từ hai bàn tay trắng, người phụ nữ gây dựng thương hiệu nổi tiếng - Ảnh 1.

Mỗi lần quay ngược quá khứ để nghĩ về con đường gây dựng sự nghiệp đã qua, chị Mai Phạm không khỏi bồi hồi.

Khởi nghiệp ở độ tuổi đôi mươi, khi đang tràn đầy nhiệt huyết, sức khỏe, cơ hội... đã khó, bắt đầu lại từ đầu khi đã 30 với chị Mai càng thực sự không hề dễ dàng, khi chị còn bận rộn lo toan con cái, nhà cửa.

Sau nhiều ngày mệt nhoài bởi áp lực và mất phương hướng, người phụ nữ này bất chợt nhận ra điều cần làm là phải lắng nghe chính mình. Dựa núi, núi sẽ đổ, dựa người, người sẽ chạy, dựa vào năng lực, sở thích, thế mạnh của bản thân mới vững chắc nhất.

"Sau chuỗi ngày hoang mang, vô định, tôi bình tâm lại rồi chợt nhớ ra được rằng tôi ngày trước say mê quên ăn quên ngủ khi làm đồ thủ công thế nào, tôi mê mệt những vật liệu tự nhiên như gỗ, da thuộc, bạc, đá, gốm sứ… ra sao.

Tôi quyết định chọn ngành da để chế tác các sản phẩm thời trang bởi đòi hỏi về đầu tư, mặt bằng, máy móc phù hợp nhất với khả năng của tôi tại thời điểm đó.

Tôi cũng quyết định chọn con đường trực tiếp sản xuất dù biết sẽ cần rất rất nhiều kiên trì. Chỉ có tự mình giám sát từng bước, tôi mới có thể yên tâm." - Chị Mai nhớ lại.

Trong giai đoạn khó khăn, bế tắc nhất, chị Mai Phạm mới hoàn toàn vỡ ra rằng, chỗ dựa vững chắc nhất chính là bản thân mình.

Chủ động dựa vào năng lực, sở trường của bản thân thay vì so sánh, phụ thuộc vào người khác chính là chìa khóa giúp chị mở cánh cửa đi đến thành công trong hành trình khởi nghiệp.

Chuỗi ngày ăn sáng lúc 2 giờ chiều, giảm còn 42kg vì quá say mê công việc

Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình - câu nói này quả thực chính xác với trường hợp của chị Mai Phạm.

Xác định được hướng đi như một liều thuốc tăng lực giúp chị Mai trở nên phấn chấn, hào hứng vô cùng. Ví sự nghiệp giống như một cây ăn quả, muốn "cây sự nghiệp" đầy ắp trái "ngon ngọt", chị Mai bắt tay vào chuỗi ngày chăm bón vô cùng cần mẫn.

Thường xuyên ăn sáng lúc 2 giờ chiều, chị Mai Phạm chỉ còn 42kg, ngày ngày thức khuya dậy sớm cần mẫn với công việc của mình

"Chuỗi ngày tôi hào hứng đi tìm nguyên liệu, công cụ, máy móc là chuỗi ngày đi đi lại không dưới 100km mỗi ngày.

Một mình một xe, lưng khoác balo, trước bụng đeo túi, tôi đi khắp Hà Nội, Phú Xuyên, Hà Thao, Hưng Yên… xa hơn như Hải Phòng, Thái Bình thì để xe máy ở bến xe rồi đi xe khách.

Đi thị trường mà buồn ngủ thì tôi dựng xe lề đường chợp mắt rồi đi tiếp. Nếu đau đầu do phơi nắng cả ngày thì tôi vào nhà nghỉ ngủ, chồng tôi chắc đâu đó cũng hai, ba lần qua nhà nghỉ đón tôi về.

Mất khoảng ba tháng kể từ ngày lùng sục thị trường, tôi quyết định thuê cái xưởng đầu tiên. Gọi là xưởng cho oai, nhưng thực ra đó là một tầng áp mái, rộng 12m2, có ban công xinh xinh với giá thuê đẹp: 2,5 triệu đồng/tháng.

Ngày ngày tôi loay hoay tìm hiểu, mua nguyên liệu, dụng cụ, tự học cách làm túi, ví, dây lưng… trên Youtube; rồi lại cắt, đục lại khâu. Làm hỏng chỗ này, bỏ đi làm lại, lại hỏng thêm chỗ khác... Chuyện ăn sáng lúc 2 giờ chiều, 11-12 giờ đêm còn ngồi may túi diễn ra như cơm bữa.

Tôi nặng 42kg và duy trì cân nặng này cho tới khi bầu bé thứ 3. Mày mặt hốc hác đôi khi là một "chiêu thức" bán hàng, có chị khách xem hàng rồi quay lại mua bởi "chị ủng hộ vì nhìn chị chủ em trông tội quá!" - Chị Mai Phạm hài hước kể.

Rẽ hướng ở tuổi 30, từ hai bàn tay trắng, người phụ nữ gây dựng thương hiệu nổi tiếng - Ảnh 4.

Miệt mài cho ra đời những sản phẩm đầu tay nơi căn xưởng áp mái vẻn vẹn 12m2

Tài chính cũng là một vấn đề nan giải đối với những ai bắt tay khởi nghiệp từ con số không tròn trĩnh như chị Mai.

50 triệu tiền vốn ban đầu đã tiêu hết vào nguyên liệu và công cụ - mà chủ yếu là mua sai, mua hỏng do thiếu kinh nghiệm, do đó thời gian sau, để duy trì nguồn tiền, chị phải mua đi, bán lại nguyên phụ liệu, công cụ làm da, cứ có lãi là chị làm, đắp đổi để duy trì.

"Bước sang tháng thứ 5 kể từ khi bắt đầu theo đuổi nghề làm đồ da, một khách hàng tìm đến tôi với hợp đồng trị giá gần 600 triệu đồng – quá lớn so với tôi có thể tưởng tượng tại thời điểm đó.

Theo đó, tôi sẽ cung cấp nguyên liệu và thi công sàn nhà và vách tường hoàn toàn bằng da cho phòng cô dâu của một khách sạn quốc tế 5 sao tại Hà Nội.

Kiến thức hạn hẹp tôi biết lúc đó về da chỉ để may túi, ví, ghế so-fa… mà chưa biết đến da có thể ứng dụng làm sàn nhà trong nội thất.

Có lẽ tổ nghiệp thương, tôi có dũng khí để nhận dự án, có sức khỏe để sục sạo khắp nơi. Quá trình thực hiện hợp đồng đã mở ra cho tôi vô vàn kiến thức và thấy ứng dụng của da thuộc trong đời sống không hề có giới hạn.

Lần đầu tiên tôi được vào nhà máy thuộc da, nhìn thấy quy trình thuộc da, quá trình hoàn thiện. Lần đầu tiên được chạm tay vào những tấm da mới ra lò theo tiêu chuẩn xuất Châu Âu, Mỹ đầy màu sắc, săn chắc, dẻo quánh. Sau dự án này, tôi mới nhận ra bài học lớn là "Cứ làm sẽ khắc biết".

Thương hiệu nổi tiếng và 3 bài học lớn tích lũy sau 10 năm "nếm mật nằm gai"

Trong cuộc đời, khi đứng trước những cơ hội và thử thách, để phát triển, khẳng định bản thân buộc con người ta phải có những lựa chọn sáng suốt, đúng đắn.

Và lựa chọn đó chỉ có thể được quyết định bởi chính bản thân bạn, bởi lẽ, chỉ mình bạn mới có thể hiểu được bản thân muốn gì cũng như mục đích mà mình hướng đến.

Điều này đã được chị Mai Phạm đúc kết và chiêm nghiệm sau gần 10 năm gây dựng thương hiệu đồ da thiết kế. Vượt qua nhiều khó khăn, chị Mai bắt đầu có thêm kiến thức, nguồn tiền để trang trải, tay nghề cũng thêm nhiều tiến bộ, đơn hàng ngày một tăng.

Từ căn xưởng nhỏ, một mình tự tay làm mọi thứ, hiện tại chị Mai đã có cửa hàng lớn với nhiều nhân công, gây dựng thương hiệu đồ da được nhiều người yêu thích.

Từ việc bán được cho người nhà, bạn bè thân, chị bán được tới những người quen F3, F4. Từ những người mua vì nể, vì thương, vì ủng hộ dần dà đã có khách hàng đúng nghĩa - mua vì nhu cầu, vì phù hợp, vì sở thích.

Từ việc chỉ có một mình, chị tập hợp được một, rồi hai bạn thợ làm cùng. Nguồn nguyên liệu từ mua nhỏ lẻ trong nước nay đã có cả nguyên liệu nhập khẩu ở nhiều nơi.

Việc chuyển cửa hàng, chuyển xưởng của chị Mai Phạm trong 8 năm làm nghề như một bộ phim dài tập, đến nay đã đến tập thứ 13. Từ căn xưởng đầu tiên ở căn gác mái đến lần gần đây nhất là cuối năm 2020, chị xây dựng được xưởng sản xuất đầu tiên để an cư, lạc nghiệp.

Rẽ hướng ở tuổi 30, từ hai bàn tay trắng, người phụ nữ gây dựng thương hiệu nổi tiếng - Ảnh 7.

Chị Mai ở tuổi U40 là người mẹ 5 con, người phụ nữ mạnh mẽ, hạnh phúc với những gì mình có được sau bao nỗ lực, cố gắng.

Chị Mai đúc kết 3 bài học mà chị nhận được sau gần 10 năm tự doanh: "Những điều tôi "được" nhất ở hiện tại thực ra lại không phải là mục tiêu tài chính hay sự rảnh rỗi như tôi tưởng tượng khi mới bắt đầu.

Tự kinh doanh, cho tôi thấy ý nghĩa của gia đình. Nhà đông anh em, mẹ tôi gửi bà, gửi dì nuôi tôi ăn học xa nhà từ khi năm tuổi, nên tôi quen tự quyết định, tự hành động.

Nhưng khi sức kiệt, tôi mới thấy mình may mắn khi có đông anh chị em, tôi cảm nhận sâu sắc hơn tình ruột thịt dù khi còn nhỏ tôi sống xa cách gia đình.

Lúc này đây, tôi nhớ lại những lúc thiếu người, anh chị chẳng ngại làm thợ thi công; khi tôi chuyển nhà xưởng, cũng cùng tôi bốc vác, vá víu. Ông bà nội ngoại hai bên cũng gồng sức giúp chăm con trong lúc tôi mê mải, bận rộn.

Tự kinh doanh, vợ chồng tôi có thêm vốn sống, biết cùng nhau suy nghĩ "vì sao ta lại bắt đầu" khi gặp phải sai lầm.

Làm kinh doanh giúp tôi từ người thích gì nói đó, cảm tính, dễ rơi nước mắt trở nên tích cực, trầm ổn, biết nhìn sự việc ở nhiều góc độ hơn. Từ một người hay thay đổi công việc, tôi đã có hơn 8 năm – liên tục hơn 2800 ngày hào hứng đi làm mỗi buổi sáng thức dậy.

Tôi của tuổi 38 trưởng thành và hoàn thiện hơn tôi của tuổi 30 rất nhiều. Và tôi càng thấm thía 3 bài học lớn: Đầu tiên là hãy luôn chủ động, làm chủ mọi việc, làm chủ cuộc đời mình; Thứ hai là mọi thứ đều phải bắt tay vào làm thì sẽ khắc biết; Cuối cùng: Sự chân thành chưa chắc đã mang lại kết quả tốt nhất, nhưng sẽ khiến con đường bạn đi qua không có điều gì phải hối tiếc."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại