'Bão' giá vật liệu khiến chủ đầu tư 'mướt mồ hôi', giá nhà khó đứng yên

Minh Thư |

Trước kia nhà thấp tầng xây thô giá khoảng 4 – 4,2 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 6 triệu đồng/m2 khi giá xi măng, sắt thép đều tăng. Giá vật liệu xây dựng tăng dự báo sẽ tác động khiến giá nhà ở, công trình xây dựng tăng.

Thống kê trong 3 tháng đầu năm nay của các hiệp hội cho thấy, một số loại vật liệu xây dựng liên tục tăng giá, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh. Cụ thể, xi măng đã tăng 100.000 đồng/tấn tùy thương hiệu, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10 – 15%, cát tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm.

Trong đó, thép xây dựng cũng liên tục tăng giá mạnh và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt. Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho thấy, giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao đã khiến giá thép bị đẩy lên cao. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16,5 – 17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong quý 1/2022, giá thép xây dựng ở Việt Nam có xu hướng tăng mạnh theo xu thế tăng chung của thị trường thép trên thế giới. Sang đến đầu tháng 4, giá thép xây dựng vẫn chưa “hạ nhiệt”. Do giá xăng dầu tăng cao, Bộ Xây dựng dự báo thời gian tới các loại vật liệu này sẽ còn tăng giá tiếp.

Giá vật liệu xây dựng tăng dự báo sẽ tác động khiến giá nhà ở, công trình xây dựng sẽ tăng.

Bão giá vật liệu khiến chủ đầu tư mướt mồ hôi, giá nhà khó đứng yên - Ảnh 1.

Giá vật liệu xây dựng tăng dự báo sẽ tác động tới giá nhà ở, công trình xây dựng sẽ tăng.

Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, trước tình trạng giá thép, xi măng và nhiều loại vật liệu xây dựng tăng giá, các công trình trọng điểm mà đơn giá định mức không thay đổi, các nhà thầu xây dựng đều rất khó khăn.

“Nếu cứ tiếp tục như vậy, ngành xây dựng đứng trước nguy cơ sa sút, nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản, không tồn tại được. Đã có nhiều đơn vị xây dựng chuyển hướng làm việc khác bởi vật tư, vật liệu lên giá, trong khi các luật lệ, việc thanh quyết toán cho nhà thầu của chủ đầu tư ràng buộc nhiều trách nhiệm không được cải thiện…

Vì thế, một doanh nghiệp xây dựng ‘mướt mồ hôi’ làm tốt mới lãi được 3-4%, trong khi công nợ lớn, có thể số lãi đó mất luôn”, ông Hiệp nêu thực tế.

Cũng là doanh nghiệp đã và đang xây dựng nhiều dự án nhà ở, ông Hiệp cho biết, giá nguyên vật liệu tăng đã tác động đến giá xây dựng, giá nhà.

“Đơn cử, trước kia nhà thấp tầng xây thô giá khoảng 4 – 4,2 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 6 triệu đồng/m2 khi giá xi măng, sắt thép đều tăng.

Từ đó, chắc chắn kéo theo giá thành sản phẩm sẽ tăng giá; nhất là với những dự án, hợp đồng bắt đầu ký kết, thi công thì mức giá sẽ trượt lên 20-25%”, ông Hiệp nói.

Cũng chia sẻ với PV Infonet, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho hay, giá nguyên vật liệu đã tăng từ năm ngoái đến bây giờ đã gây áp lực với các chủ đầu tư đang thực hiện các công trình, các chi phí đầu vào sẽ ảnh hưởng.

Ngoài câu chuyện nguyên vật liệu tăng, bà Hương cho rằng, xăng dầu tăng giá cũng đều khiến mọi chi phí tăng lên. Giá phụ thuộc vào chi phí đầu vào, khi nguyên vật liệu điều chỉnh sẽ tạo áp lực giá cả đầu ra, sẽ có hệ số điều chỉnh theo hệ số tăng của giá cả đầu vào.

Giá thành xây dựng chiếm một tỷ lệ trong giá nhà nhưng giá nhà cũng còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như giá trị kỹ thuật, giá trị đầu tư tiện ích dịch vụ đi kèm sản phẩm.

Bà Hương cũng cho biết, do đơn vị của mình thường có kế hoạch, ký hợp đồng với các nhà thầu chiến lược từ trước nên không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Còn nếu chủ đầu tư nào bán trước, rồi mới xây dựng sau thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi chi phí đầu vào tăng, giảm lợi nhuận kỳ vọng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Theo nhận định của bà Hương, nếu giá nguyên vật liệu vẫn tiếp đà tăng trong thời gian tới thì các chủ đầu tư buộc phải đưa vào điều chỉnh về kế hoạch kinh doanh và đầu tư xây dựng của quý 2, quý 3 và chắc chắn sẽ có những áp lực về giá, buộc phải đưa vào cân nhắc tính toán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại