Đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện để tinh gọn bộ máy

Duy Châu |

Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện để giảm đầu mối, tuy nhiên đề xuất này không được tán thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Vì sao đề xuất bỏ thanh tra cấp huyện?

Chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra sửa đổi. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các Bộ ngành, địa phương.

Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí việc tổ chức cơ quan Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh như hiện nay. Tuy nhiên, về thanh tra huyện, trong Thường trực Ủy ban có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện. Lý do là, giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện với 713 Thanh tra huyện, phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; khắc phục tình trạng "dàn đều" về biên chế của các cơ quan thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thanh tra cấp tỉnh…

Đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện để tinh gọn bộ máy - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra CP Đoàn Hồng Phong.

Ngược lại, loại ý kiến thứ hai tán thành tiếp tục duy trì Thanh tra huyện vì đã có quá trình hình thành, phát triển ổn định lâu dài, cơ bản đến nay vẫn phù hợp.

Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện để tham mưu, giúp UBND cấp huyện về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cần thiết; bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra".

Cạnh đó, giữ mô hình Thanh tra huyện còn để bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng vì các luật này đều giao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định cho Thanh tra huyện…

"Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất", ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Ở vị trí điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vì bỏ hay không bỏ thanh tra cấp huyện vì còn liên quan nhiều luật khác. "

Thanh tra cấp huyện không chỉ làm thanh tra mà còn giúp UBND huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.

Bỏ thanh tra cấp huyện đi ai giúp huyện làm việc đó? Chưa kể, huyện giờ rất rộng như TP Thủ Đức, 3 quận gộp vào dân số rất đông, bao nhiêu công việc. Hay TP Hạ Long nhập huyện Hoành Bồ vào thì riêng huyện Hoành Bồ, tôi đi rộng bằng tỉnh Bắc Ninh", ông Định nêu vấn đề.

Không thể thiếu thanh tra cấp huyện

Góp ý nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, khi nói đến thanh tra cấp huyện có quan điểm so sánh cơ quan này giống mô hình HĐND, cho rằng cấp này là hình thức. Tuy nhiên, theo bà Thanh, đó là do cách tổ chức chưa tốt, hoặc do bố trí lực lượng còn mỏng.

Vì vậy, bà đồng tình với việc tiếp tục duy trì hệ thống thanh tra các cấp như hiện nay, trong đó có thanh tra cấp huyện, song cần tăng cường đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả cho thanh tra cấp huyện.

"Nếu các vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở sẽ không phát sinh, tồn đọng, bức xúc kéo dài, hay đùn đẩy và trở thành gánh nặng cho cấp trên", bà Thanh nhấn mạnh.

Đồng ý với mô hình thanh tra 3 cấp như hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, không nên bỏ. Vì thanh tra cấp huyện thay mặt nhà nước để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, giải quyết khiếu nại tố cáo…

"Nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì ai làm vấn đề này? Chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ", ông Mẫn Lưu ý.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, luồng ý kiến cho rằng chỉ nên để thanh tra cấp Trung ương và cấp tỉnh liên quan đến chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, định hướng tầm nhìn 2030.

"Tôi nghĩ cái này nên để Quốc hội thảo luận, mình chưa nên chốt chặt", Chủ tịch Quốc hội nói. Ông đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần lý giải sâu hơn vấn đề này, quan trọng cần lập luận vì sao thanh tra là 2 cấp, hay 3 cấp.

Giải trình sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ quan điểm của cơ quan này là giữ nguyên thanh tra cấp huyện theo nguyên tắc "ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó có thanh tra, kiểm tra".

Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành giữ nguyên mô hình 3 cấp, đề nghị đưa vào dự thảo luật chức năng phòng chống tiêu cực trong ngành thanh tra bên cạnh chức năng thanh tra; phòng chống tham nhũng; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại