Thảm cảnh ở 'đất nước vỡ nợ' Sri Lanka: Người dân không dám đi vệ sinh vì phí quá đắt, đến bệnh viện hay mua thuốc giảm đau cũng là điều xa xỉ

Vũ Anh |

"Trong giờ làm, mỗi lần đi vệ sinh sẽ tốn 20 rupee. Nếu một ngày đi vệ sinh 5 lần, chi phí cho nhu cầu thiết yếu này là quá đắt'', một người dân Sri Lanka phàn nàn.

Tờ ABC News trích lời ông I Karunasinghe - một người bán vé số tại Sri Lanka cho biết: "Trong giờ làm, mỗi lần đi vệ sinh sẽ tốn 20 rupee. Nếu một ngày đi vệ sinh 5 lần, chi phí cho nhu cầu thiết yếu này là quá đắt. Tôi không hài lòng với thu nhập của mình chút nào. Lạm phát tăng cao khiến chi tiêu của tôi vượt quá mức cho phép’’.

Ông I Karunasinghe chỉ là một trong số rất nhiều lao động thu nhập thấp đang cùng Sri Lanka đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh lạm phát chạm ngưỡng 18,7% hồi tháng 3 này, tình trạng mất điện, thiếu thuốc, nhiên liệu và nhiều lương thực cơ bản dường như đã trở thành điều quá quen thuộc với một quốc gia vừa thông báo vỡ nợ.

Thảm cảnh ở đất nước vỡ nợ Sri Lanka: Người dân không dám đi vệ sinh vì phí quá đắt, đến bệnh viện hay mua thuốc giảm đau cũng là điều xa xỉ - Ảnh 1.

Ông I Karunasinghe

Tuyên bố được đưa ra sau khi chính phủ Sri Lanka không còn khả năng thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD. Họ nhấn mạnh đây là bước đi cuối cùng trong bối cảnh giới chức không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Thông báo cũng nêu rõ biện pháp khẩn cấp này là phương án cuối cùng để ngăn rủi ro tài chính xấu đi và đảm bảo công bằng cho mọi chủ nợ.

Đất nước phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu

Giới chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka đã hình thành từ nhiều năm trước, chủ yếu do khả năng quản lý kinh tế yếu kém. Nước này đã vay rất nhiều từ các chủ nợ nước ngoài để cung cấp dịch vụ công trong nước, song lại không cố gắng tự chủ bằng một nền kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu. Theo The Guardian, Trung Quốc chiếm khoảng 10% trong số 35 tỷ USD nợ nước ngoài của Sri Lanka, tính đến tháng 4/2021. Con số này được cho là có thể cao hơn nhiều nếu tính cả nợ của các công ty quốc doanh và ngân hàng trung ương.

Thực tế, Sri Lanka nhập khẩu hầu hết mặt hàng, từ sữa bột, gạo, xăng dầu cho tới dược phẩm, xi măng. Rất khó để bắt gặp một sản phẩm dán mác Made in Sri Lanka trong siêu thị bởi quốc gia này rất ít các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Thảm cảnh ở đất nước vỡ nợ Sri Lanka: Người dân không dám đi vệ sinh vì phí quá đắt, đến bệnh viện hay mua thuốc giảm đau cũng là điều xa xỉ - Ảnh 2.

Sri Lanka chỉ tập trung gia công hàng may mặc và phụ thuộc phần lớn vào du lịch

Thay vào đó, Sri Lanka chỉ gia công hàng may mặc và phụ thuộc phần lớn vào du lịch. Làn sóng bùng phát của đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm ròng rã cùng một loạt các lệnh phong tỏa giới nghiêm của giới chức toàn cầu khiến kinh tế quốc gia Nam Á này kiệt quệ và thất thu nghiêm trọng.

Thâm hụt nguồn tiền dự trữ ngoại tệ khiến Sri Lanka không thể nhập hàng hóa tiêu dùng. Họ cũng không có hàng hóa thay thế bởi số lượng các nhà máy sản xuất không nhiều. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sau đó đã thi hành nhiều biện pháp giảm thuế để kích thích kinh tế song việc này chỉ càng khiến nguồn thu của chính phủ thêm eo hẹp.

Thảm cảnh ở đất nước vỡ nợ Sri Lanka: Người dân không dám đi vệ sinh vì phí quá đắt, đến bệnh viện hay mua thuốc giảm đau cũng là điều xa xỉ - Ảnh 3.

Lệnh cấm phân bón hóa học của chính phủ hồi năm 2021 đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ

Ngoài ra, theo ABC News, lệnh cấm phân bón hóa học của chính phủ hồi năm 2021 - thứ biến Sri Lanka trở thành quốc gia đầu tiên chỉ trồng trọt theo phương pháp hữu cơ cũng là một quyết định thảm họa, từ đó châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ.

Trái ngược với lời khẳng định rằng lệnh cấm phân bón này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp truyền thống, Sri Lanka từ một nước tự cung tự cấp gạo đã biến thành quốc gia phải đi nhập khẩu hơn 600 triệu USD gạo nước ngoài. Lệnh cấm cũng khiến sản lượng nhiều mặt hàng khác lao dốc và giáng đòn nặng nề vào xuất khẩu chè, cao su của Sri Lanka. Ước tính chỉ riêng ngành chè, mặt hàng xuất khẩu chính của Sri Lanka, đã thiệt hại tới 573 triệu USD.

Bảy tháng sau lệnh cấm, chính phủ Sri Lanka buộc phải dỡ bỏ sắc lệnh: "Chúng tôi không phải là một đất nước ngoan cố", phát ngôn viên quốc hội Dullas Alahapperuma nói. "Chúng tôi nhạy cảm với nhu cầu của người dân’’.

Dẫu vậy, nền kinh tế Sri Lanka vốn mỏng manh dù gì cũng đã chịu thêm quá nhiều gánh nặng và phải dựa vào dự trữ ngoại hối để trả nợ công. Khối dự trữ này theo đó co hẹp nhanh chóng, từ 6,9 tỷ USD năm 2018 xuống chỉ còn 2,2 tỷ USD trong năm nay. Giữa lúc khủng hoảng leo thang, toàn bộ 26 bộ trưởng trong chính phủ Sri Lanka đã từ chức vào hôm 3/4. Ngay sau đó, tân Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry cũng đã từ chức chưa đầy 24 giờ sau khi được bổ nhiệm.

Thảm cảnh ở đất nước vỡ nợ Sri Lanka: Người dân không dám đi vệ sinh vì phí quá đắt, đến bệnh viện hay mua thuốc giảm đau cũng là điều xa xỉ - Ảnh 4.

Người dân Sri Lanka xếp hàng mua dầu

Điều này, kết hợp với tình cảnh hỗn loạn của Liên minh cầm quyền Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã khiến người dân Sri Lanka như ngồi trên đống lửa. Dự kiến, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ có các cuộc thảo luận về chương trình cho vay vào tuần tới nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á này vượt qua khủng hoảng.

Nền kinh tế thiếu tự chủ khiến người dân khốn đốn

Dẫu vậy, từ nay cho tới khi bất kỳ gói cứu trợ nào được tung ra, người dân, đặc biệt là những lao động thu nhập thấp, vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi hơn cả.

Do không đủ dầu cung cấp năng lượng cho các máy phát điện, Sri Lanka thiếu điện trầm trọng. Người dân phải sống trong tình trạng cắt điện 13 tiếng mỗi ngày trên toàn quốc kể từ ngày 31/3 và thậm chí không thể tới các bệnh viện thăm khám vì các ca phẫu thuật thông thường bị tạm đình chỉ để tiết kiệm điện. Cơ sở y tế lớn nhất của Sri Lanka, Bệnh viện Quốc gia ở thủ đô Colombo cũng tạm đóng cửa.

Ngay từ tháng 8 năm ngoái, khi dấu hiệu khủng hoảng đã bắt đầu xuất hiện khi các bệnh viện tại Sri Lanka ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng để dành tiền mua vật tư y tế. Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry dù cho biết ưu tiên hàng đầu là ổn định nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu như thuốc men, song các bệnh nhân tại quốc gia Nam Á này vẫn đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thuốc trầm trọng.

Thảm cảnh ở đất nước vỡ nợ Sri Lanka: Người dân không dám đi vệ sinh vì phí quá đắt, đến bệnh viện hay mua thuốc giảm đau cũng là điều xa xỉ - Ảnh 5.

Sri Lanka cắt điện 13 tiếng mỗi ngày trên toàn quốc kể từ ngày 31/3

Bà White là một minh chứng cụ thể. Bà nói rằng thuốc giảm đau morphin giờ đây vô cùng khó kiếm trong các bệnh viện.

"Con trai tôi hôm trước đi lấy thuốc và phải trở về tay không. Tôi cảm thấy thật bất lực. Tôi thậm chí không đủ sức để đi biểu tình nữa", bà nói.

Được biết giá nhiên liệu đã liên tục tăng lên tại Sri Lanka kể từ đầu năm nay trong bối cảnh nguồn cung vô cùng hạn hẹp. Điều này khiến người dân, dù phải xếp hàng dài đợi mua ngoài các trạm xăng thành phố cũng khó có thể đổ đầy bình.

"Tôi phải đi làm xa, mà giờ giá xăng tăng quá. Giá cứ tăng dần, sau 3 tháng đã cao gấp đôi", ông Thusitha Hadaragama, một người dân Sri Lanka chia sẻ.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục Sri Lanka cũng phải tạm hoãn vô thời hạn các bài kiểm tra do thiếu giấy, trong khi ngành báo in cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Một số tờ báo tạm thời sẽ chỉ có phiên bản trực tuyến hoặc giảm số trang báo do chi phí in ấn gia tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại