Nước châu Á thu nhập TB cao tuyên bố vỡ nợ, trông chờ Trung Quốc cứu giúp

Tất Đạt |

Cuộc khủng hoảng đã gây ra tình trạng khó khăn cho 22 triệu người Sri Lanka và dẫn đến nhiều tuần biểu tình phản đối chính phủ.

Sri Lanka vỡ nợ

Sau nhiều tuần bất ổn về kinh tế, quốc đảo Sri Lanka hôm 12/4 tuyên bố nước này vỡ nợ và sẽ không thể trả được khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD sau khi hết ngoại hối để nhập khẩu. Colombo gọi động thái này là "phương sách cuối cùng."

Quốc gia này đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập, với tình trạng mất điện thường xuyên và tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng.

Cách đây chưa lâu, Sri Lanka vẫn còn được ca ngợi là ngôi sao kinh tế đang lên. Theo NYT, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, từ một đất nước bị nội chiến tàn phá, Sri Lanka vươn lên nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình cao.

Nền kinh tế lấy du lịch làm trọng điểm mang về hàng tỉ USD. Xe Audi nhập khẩu, nhà hàng, quán cafe hạng sang, trung tâm thương mại cao cấp phục vụ giới trung lưu xuất hiện ngày càng nhiều.

Nhưng đó chỉ còn là quá khứ. Mới đây, Bộ tài chính Sri Lanka cho biết trong một tuyên bố rằng các chủ nợ, bao gồm cả các chính phủ nước ngoài, có thể cộng dồn lãi chưa trả vào khoản vay mà Sri Lanka đến hạn thanh toán từ chiều cùng ngày, hoặc chọn nhận lại khoản vay gốc bằng đồng rupee Sri Lanka.

Quốc gia này nói thêm rằng tuyên bố vỡ nợ trước mắt là để đảm bảo "công bằng và bình đẳng đối với tất cả các chủ nợ" trước chương trình phục hồi do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ cho quốc gia Nam Á này.

Nước châu Á thu nhập TB cao tuyên bố vỡ nợ, trông chờ Trung Quốc cứu giúp - Ảnh 1.

Cuộc khủng hoảng đã gây ra tình trạng khó khăn cho 22 triệu người Sri Lanka và dẫn đến nhiều tuần biểu tình phản đối chính phủ.

Các tổ chức xếp hạng quốc tế đã hạ hạng Sri Lanka vào năm ngoái, khiến nước này khó tiếp cận thị trường vốn nước ngoài để huy động các khoản vay cần thiết để tài trợ cho nhập khẩu.

Sri Lanka đã tìm cách xóa nợ từ Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng cả hai quốc gia này chỉ đưa ra nhiều hạn mức tín dụng hơn để Sri Lanka mua hàng hóa từ họ.

Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka P Nandalal Weerasinghe cho biết: "Đã đến lúc việc thanh toán nợ là một thách thức bất khả thi. Việc tốt nhất có thể được thực hiện là tái cơ cấu nợ và tránh vỡ nợ". Thống đốc cho biết hành động này được thực hiện với thiện chí, nhấn mạnh rằng đất nước 22 triệu dân này chưa bao giờ vỡ nợ trong các khoản thanh toán nợ.

Ông Weerasinghe, người mới nhậm chức vào tuần trước, cho biết: "Việc này sẽ diễn ra tạm thời cho đến khi chúng tôi đạt được thỏa thuận với các chủ nợ với sự hỗ trợ của một chương trình từ IMF".

Sri Lanka đang đối mặt với nguy cơ nạn đói đối với dân số 22 triệu người khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này tiếp tục tồi tệ và lương thực ngày càng trở nên khan hiếm - một chính trị gia cấp cao cảnh báo.

Phát biểu trong một cuộc tranh luận tại quốc hội, đại biểu Mahinda Yapa Abeywardana cảnh báo rằng đây là "chính sự bắt đầu".

Abeywardana nói với cơ quan lập pháp: "Tình trạng thiếu lương thực, khí đốt và điện sẽ trở nên tồi tệ hơn. Sẽ có tình trạng thiếu lương thực và nạn đói rất trầm trọng".

Cuộc suy thoái kinh tế ở Sri Lanka trở nên nguy hiểm khi đồng rupee Sri Lanka lao dốc và trở thành đồng tiền hoạt động kém nhất thế giới.

Tình hình khó khăn

Trong vài tháng qua, Sri Lanka đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng trên nhiều phương diện, một phần gây ra bởi tác động của Covid-19, ảnh hưởng từ nền kinh tế yếu, cũng như nợ nước ngoài gia tăng, lạm phát gia tăng và quản lý kinh tế yếu kém của chính phủ do Tổng thống Gotabaya Rajapaksa dẫn đầu.

Đất nước này hầu như không còn dự trữ ngoại tệ, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, khí đốt và thuốc men vì không thể nhập khẩu hàng hóa nước ngoài. Trong khi đó, người dân phải chịu đựng tình trạng mất điện tới 8 giờ một ngày. Tình hình đã đẩy hàng nghìn người xuống đường biểu tình trong những ngày gần đây, kêu gọi tổng thống từ chức.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Sri Lanka tại Bắc Kinh cho biết ông rất tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính 2,5 tỷ USD khi cuộc khủng hoảng do lạm phát của đảo quốc này trở nên nghiêm trọng hơn.

Đại sứ Palitha Kohona cho biết trong tuần trước ông đã nhận được sự đảm bảo từ các cơ quan chức năng ở Trung Quốc rằng việc thu xếp các khoản vay và hạn mức tín dụng đang được tiến hành. Sri Lanka đang tìm cách vay 1 tỷ USD từ Bắc Kinh để có thể trả các khoản vay hiện có của Trung Quốc đến hạn vào tháng 7, cũng như hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để mua hàng hóa từ nền kinh tế số 2 thế giới.

Ông nói: "Với hoàn cảnh hiện tại, không có nhiều quốc gia có thể làm được điều gì đó. Trung Quốc là một trong những quốc gia có thể xử lí mọi việc rất nhanh chóng."

Sri Lanka đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khi giá tiêu dùng tăng nhanh nhất ở châu Á với khoảng 19% vào tháng trước.

Bắc Kinh từ lâu đã có quan hệ tốt với Colombo nhưng vẫn chưa đưa ra một đề nghị thiết yếu nào cho Sri Lanka. Các quan chức Sri Lanka vẫn đang thúc giục Bắc Kinh giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại