Vụ Triều Tiên phóng tên lửa và thách thức mới của Tổng thống Mỹ

Linh Đan |

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 25/3 cho biết, đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ đạo vụ phóng tên lửa hôm 24/3 và đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoàn chỉnh nhất của Triều Tiên kể từ năm 2017.

Vụ Triều Tiên phóng tên lửa và thách thức mới của Tổng thống Mỹ - Ảnh 1.

Ông Kim Jong-un có mặt tại khu vực bắn thử tên lửa ICBM. Ảnh: KCNA.

Theo KCNA, hôm 24/3, Triều Tiên đã phóng thử thành công loại ICBM Hwasong-17 uy lực nhất trong kho vũ khí của nước này, chính thức khép lại lệnh ngừng thử vũ khí tầm xa do Bình Nhưỡng tự đặt ra hồi 2017. Cụ thể, tên lửa này đã bay 1.090km với độ cao tối đa là 6.248,5km và đánh chính xác vào một mục tiêu trên biển.

Hwasong-17 lần đầu được Triều Tiên giới thiệu vào một lễ duyệt binh hồi tháng 10/2020 và được giới chuyên gia gọi là "tên lửa quái vật". Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng mô tả, Hwasong-17 được xem là vũ khí chủ chốt nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột hạt nhân.

Vụ Triều Tiên phóng tên lửa và thách thức mới của Tổng thống Mỹ - Ảnh 2.

KCNA cho biết ông Kim Jong-un đã trực tiếp chỉ đạo vụ phóng ICBM uy lực nhất. Ảnh: KCNA.


Vụ Triều Tiên phóng tên lửa và thách thức mới của Tổng thống Mỹ - Ảnh 3.

Tên lửa này đã bay 1.090km với độ cao tối đa là 6.248,5km và đánh chính xác vào một mục tiêu trên biển. Ảnh: KCNA.

KCNA cũng dẫn lời ông Kim Jong-un nhấn mạnh rằng, Triều Tiên đã chuẩn bị cho sự đối đầu kéo dài với Mỹ và lực lượng chiến thuật của Bình Nhưỡng sẵn sàng "theo dõi và ngăn chặn" mọi nỗ lực quân sự của Washington.

Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó nói rằng, Hwasong-17 bay cao và bay lâu hơn bất cứ tên lửa nào mà Triều Tiên từng thử trước đó. Lực lượng tuần duyên Nhật Bản nêu rõ, tên lửa đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, cách tỉnh Aomori khoảng 170km về phía Tây, lúc 3h44 chiều (giờ địa phương).

Đây là vụ phóng ICBM lớn nhất kể từ năm 2017 và cho thấy bước tiến quan trọng trong sự phát triển của chương trình vũ khí Triều Tiên, đặc biệt với loại khí tài có thể mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bay vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Vụ Triều Tiên phóng tên lửa và thách thức mới của Tổng thống Mỹ - Ảnh 4.

Ông Kim Jong-un cùng binh sĩ thuộc lực lượng chiến lược của Triều Tiên hôm 24/3. Ảnh: KCNA.

Động thái của Triều Tiên tiếp tục đặt ra một thách thức mới cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như chính quyền các nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngay sau vụ thử, Mỹ đã áp trừng phạt đối với hai công ty Nga và một thực thể Triều Tiên với cáo buộc đã chuyển giao các thiết bị nhạy cảm cho chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hai công ty Nga bị trừng phạt bao gồm PFK Profpodshipnik LLC và Tập đoàn Ardis Group, cơ quan Triều Tiên bị trừng phạt là Cục các vấn đề nước ngoài thuộc Học viện khoa học tự nhiên thứ hai. Ngoài ra, một công dân Nga và một công dân Triều Tiên cũng nằm trong danh sách trừng phạt.

Lệnh trừng phạt là một phần trong các nỗ lực của Washington nhằm ngăn cản việc phát triển chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh Nga không nên là nước thúc đẩy "chương trình tên lửa đáng quan ngại".

Về phía Hàn Quốc, nước này đã tổ chức tập trận bắn đạn thật, phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo và không đối đất. Seoul khẳng định cuộc tập trận truyền đi thông điệp rằng, nước này có khả năng và sẵn sàng nhằm vũ khí chính xác vào bãi phóng tên lửa và các mục tiêu khác của Triều Tiên nếu cần thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại