2 con bệnh nặng, chồng tai nạn mất sức lao động, bà mẹ trẻ sáng làm osin, tối đi bốc vác

Trang Trần - Nhân Sinh |

Gia đình 5 người, 3 người bị trọng bệnh. Trong đó, hai người con trai bị bệnh máu khó đông, người chồng từng bị liệt, nên chị phải làm osin và bốc vác kiếm tiền đưa con đi viện.

Cuộc sống chồng chất khó khăn, nhưng gia đình nhỏ vẫn luôn ấm áp những tình thương và niềm hạnh phúc bởi đôi vai của người mẹ. Đó là câu chuyện về cuộc đời chị Phan Hoài Thu (TP. Bắc Ninh), một người phụ nữ đầy nghị lực và sống phi thường.

Thắt lòng những biến cố đau thương

"Thật sự rất nhiều lần nản lòng, muốn bỏ cuộc. Nhưng mình có mệnh hệ gì, các con phải làm sao?" 

Đó là nỗi lòng tuyệt vọng của chị Phan Hoài Thu khi nhớ lại những biến cố đau thương ập đến ở tuổi 22. Học xong cấp 3, vì điều kiện gia đình không mấy khá giả, chị Thu quyết định kết hôn và cùng chồng là anh Nguyễn Văn Quê mưu sinh tại thành phố Bắc Ninh.

Năm 2011, gia đình nhỏ được đón nhận hạnh phúc đầu tiên khi bé Thu Uyên trao đời, rồi tiếp đến là sự xuất hiện của bé Gia Bảo. Nhưng chẳng được bao lâu, hàng loạt biến cố bỗng ập tới, đè nặng lên đôi vai người mẹ trẻ.

2 con bệnh nặng, chồng tai nạn mất sức lao động, bà mẹ trẻ sáng làm osin, tối đi bốc vác - Ảnh 1.

Chị Phan Hoài Thu, người phụ nữ "gánh" cả gia đình trên vai.

Bắt đầu những nỗi tuyệt vọng đó, là khoảnh khắc chị nhận tin bé Gia Bảo bị bệnh máu khó đông, một căn bệnh phải sống chung cả đời và truyền tiểu cầu định kỳ. Cũng tại thời điểm này, chị phát hiện bản thân mình đang mang thai bé thứ ba. Vì đứa con trong bụng, chị Thu gác lại đau thương, cố gắng ổn định cảm xúc để con có thể phát triển một cách khỏe mạnh nhất. Ngày bé trai thứ ba ra đời, gia đình chị Thu vừa vui sướng, vừa lo âu vì bé có những biểu hiện giống anh trai.

May mắn không "gõ cửa", một thời gian sau, bác sĩ chẩn đoán bé bị chứng máu khó đông ngay từ lúc mới sơ sinh. Cũng từ đây, sóng gió nối dài kéo đến, đau thương chồng chất đau thương. Con thơ chưa được mấy ngày tuổi, tim chị Thu tiếp tục như vỡ nát khi nhận tin chồng không may bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, bất tỉnh phải đi cấp cứu. Bị liệt nửa người và không thể tham gia lao động.

Chị Thu đã dọn dẹp và chuẩn bị đồ ăn cho các con trước khi đi làm từ sáng sớm

Cuộc đời chị Thu như rơi vào hố sâu khi bị trách nhiệm và kinh tế đè nặng. Ba con đều nhỏ, riêng hai bé trai đã bị căn bệnh nguy hiểm; người chồng thì bất lực nằm một chỗ; giờ đây, trụ cột chính trong nhà là người phụ nữ trẻ tuổi này. 

Người phụ nữ phi thuờng!

Bước chân vào ngõ nhỏ, trong một con phố tại thành phố Bắc Ninh, căn phòng trọ khá tuềnh toàng hiện lên trước mắt chúng tôi. Chị Thu vừa niềm nở đón tiếp, vừa cần mẫn làm những công việc thường nhật. Từ dọn dẹp nhà cửa đến chuẩn bị đồ ăn, thức uống, chị đều lo liệu cho các con ngay từ mới sáng sớm, khi các bé còn chưa thức dậy.

Căn phòng trọ của gia đình chị tại thành phố Bắc Ninh

Trải qua nhiều biến cố là vậy, nhưng trong ánh mắt chị, niềm hy vọng vẫn luôn hiện rõ. "Đúng là cuộc đời mình phải trải qua rất nhiều khó khăn đấy! Nhưng mà sống thì vẫn phải cố mà sống, phải biết gạt bỏ cảm xúc để chăm lo cho gia đình. Vì các con chỉ có chỗ dựa duy nhất là mẹ" - chị kể.

Trước kia, chị đã phải bỏ việc ở công ty vì căn bệnh của hai con trai cần được thường xuyên chữa trị và thăm khám ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tại Hà Nội định kỳ. 

Một ngày 24 giờ, chị Thu không có lấy một phút nhàn hạ. Chị phải tìm kiếm và làm rất nhiều công việc khác nhau, với mục đích chi trả những khoản nợ, khoản chi tiêu vẫn đang đổ dồn từ nhiều biến cố trước đó.

Mỗi ngày, chị làm giúp việc đến tận tối. Do dịch bệnh, các bé chưa thể đến trường, chỉ có thể ở nhà tự học online và chăm sóc lẫn nhau. "Nhiều hôm mình toàn phải khóa trái cửa, để các con ở trong phòng, tranh thủ buổi trưa về nhà cho con ăn, lại đi làm, xong nhốt mấy đứa đến tận tối. Thương lắm!" - chị tâm sự.

2 con bệnh nặng, chồng tai nạn mất sức lao động, bà mẹ trẻ sáng làm osin, tối đi bốc vác - Ảnh 4.

Một buổi đi làm giúp việc tại chung cư của chị Thu

Cuối ngày, sau khi chuẩn bị cơm nước cho gia đình xong xuôi, chị lại chăm chỉ làm nhiều công việc khác nhau từ giao hàng, bán nước, dọn nhà thuê… Có những công việc khó khăn, nặng nhọc tưởng chừng chỉ có đàn ông mới có thể làm như bê vác, vận chuyển đồ, chị cũng đã từng làm.

Ngay cả dọn bể phốt, rửa bồn vệ sinh là những công việc kém vệ sinh nhất, chị cũng không hề né tránh, miễn đó là những công việc chân chính. Làm nhiều công việc, bận rộn cả ngày, nhưng khoản lương nhận được chưa bao giờ là đủ cho những hoá đơn thuốc thang, viện phí tốn kém.

Về bé Gia Bảo, vốn yếu ớt và hay ốm từ khi sinh, cộng thêm căn bệnh quái ác mang trong người nên em cũng không thể đi học đều đặn và theo kịp với bạn bè. Đây cũng là một nỗi lo khiến người làm mẹ như chị Thu day dứt. 

Cũng đã nhiều lần, chị tủi thân và khóc. Bởi, trước khi phát hiện ra căn bệnh quái ác ở Gia Bảo, chị thường nhận phải những lời chê trách: "làm mẹ mà chăm con kiểu gì để con suốt ngày đau ốm". Đến khi bé Bảo được chẩn đoán chính xác bệnh với nguyên do đột biến gen, mọi chuyện mới bắt đầu vỡ lẽ. Làm mẹ, thật sự rất khó.

Công việc của chị là dọn dẹp và trông con cho một gia đình

Khó khăn là vậy, song nụ cười lạc quan vẫn luôn nở trên môi của người mẹ trẻ. Với chị, các con là niềm hạnh phúc và động lực lớn nhất để chị vượt qua tất cả.

Cả ba chị em đều rất thương mẹ. Bé Thu Uyên năm nay mới 10 tuổi, nhưng đã biết tự mình chăm sóc các em, trông nhà, rửa bát, nấu cơm cho mẹ ra ngoài kiếm tiền... Nhân sinh nhật tuổi 30 của mẹ, bé Thu Uyên còn biết làm một video chúc mừng từ những bức ảnh với mong muốn mẹ luôn vui vẻ và hạnh phúc. "Con thương mẹ con lắm" em mỉm cười bày tỏ.

Và dù mang trên mình căn bệnh nguy hiểm, hai người con trai nhỏ tuổi của chị Thu vẫn luôn mang trên mình năng lượng tích cực, ngây thơ như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác. Trong tiềm thức và hành động, các em luôn ngoan ngoãn, biết tự chơi, tự học và chăm sóc lẫn nhau để mẹ bớt vất vả.

Cuộc sống lúc nào cũng rơi vào tình trạng khó khăn, nhưng nhờ tính cách dễ gần, tốt bụng nên chị Thu thường xuyên được người nhà, bạn bè giúp đỡ.

Về công việc hiện tại, chị Thu luôn cảm thấy may mắn và biết ơn. Vì dịch bệnh, người lao động đa phần đều khó khăn khi tìm việc làm. Đồng thời, khi làm công việc này, chị gặp được người chủ tốt, thường xuyên tạo điều kiện cho ba đứa trẻ gia đình chị Thu sang cùng với mẹ, để chị tiện theo dõi và chăm sóc.

2 con bệnh nặng, chồng tai nạn mất sức lao động, bà mẹ trẻ sáng làm osin, tối đi bốc vác - Ảnh 6.

Các con chị Thu theo chân mẹ đi làm

Nhận được nhiều sự giúp đỡ, song khó khăn chỉ có thể giảm, không thể kết thúc. Nên theo chị Thu, cách tốt nhất để vượt qua mọi hoàn cảnh vẫn nằm ở chính mình, phải biết tự vượt qua và cố gắng. Mục tiêu lớn nhất của chị bây giờ đó là sớm tích góp được một khoản tiền, mua được một căn hộ tử tế cho các con được sinh hoạt thoải mái, tránh sinh thêm bệnh tật.

Cạnh đó là ước muốn có được công việc phù hợp để chăm lo cho gia đình. Chị Thu có dự định học lái xe tải nhỏ để có thể làm những công việc như vận chuyện hàng, buôn bán lúc rảnh, gia tăng thu nhập.

Đến phút cuối, khi chia tay chúng tôi, chị Phan Hoài Thu vẫn nở nụ cười trên môi và nhắn nhủ: "Cuộc đời luôn tạo cơ hội và may mắn thì luôn mỉm cười nếu như mình thực sự cố gắng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại