Những đại án làm "đắm" tài sản Nhà nước: Khó có chuyện mua bán ngay tình

Đ.Thắng |

Trước câu hỏi liệu các doanh nghiệp (DN) tư nhân liên quan có mua bán ngay tình trong các vụ "đại án" gây thất thoát tài sản Nhà nước đã và đang được xử lý, LS Phạm Văn Hữu, Đoàn Luật sư Hưng Yên khẳng định: Nếu là mua bán, chuyển nhượng ngay tình, thông thường doanh nghiệp sẽ chờ kết quả giải quyết của các cơ quan bảo vệ pháp luật, chứ không chấp nhận tăng giá chuyển nhượng thêm cả trăm tỷ đồng rồi lại vội vã đàm phán hủy hợp đồng, tiền trả lại tiền, đất trả lại đất, cổ phần trả lại cổ phần như đã xảy ra.

Bài 1: Truy trách nhiệm đối với công ty liên đới, hưởng lợi

Anh Tú, người từng có nhiều năm làm việc ở bộ phận pháp chế của một DN bất động sản (BĐS) tại TP Hồ Chí Minh khẳng định, trước khi muốn đầu tư vào bất kỳ dự án nào, doanh nghiệp BĐS đều cho đội ngũ chuyên viên của bộ phận pháp lý và bộ phận đầu tư kiểm tra, đánh giá rất kỹ về tính pháp lý và hiệu quả đầu tư của dự án. Vì vậy, nói doanh nghiệp BĐS không nắm rõ vấn đề trước khi bỏ ra số tiền rất lớn đầu tư vào dự án của doanh nghiệp khác là điều rất khó tin.

Thực tế cho thấy, những năm qua tại khu vực TP Hồ Chí Minh, hầu hết DN BĐS đều lập bộ phận hoặc Phòng Pháp chế để ngoài theo dõi, thực hiện thủ tục pháp lý dự án, còn đảm trách về mặt pháp lý, giấy tờ hồ sơ khi bán nhà, đất cho khách hàng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp BĐS còn có cả đội ngũ luật sư thân thiết để tư vấn về mặt pháp lý đối với từng vụ việc. Do đó, nói doanh nghiệp không thể biết đúng, sai trước khi quyết định hợp tác với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để bỏ tiền, nhận về một phần tài sản càng là điều vô lý.

Trong kết luận điều tra bổ sung về tội "Tham ô tài sản"; "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" được Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh ra ngày 23/7/2021 xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và Công ty TNHH MTV phát triển Tân Thuận (IPC), vụ việc này cũng liên quan đến ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Công Thiện, cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận; Tề Trí Dũng, cựu Tổng Giám đốc IPC cùng các đồng phạm.

Với vụ việc này, VKSND thành phố cũng thống nhất với Cơ quan CSĐT xác định giá trị cổ phần của SADECO để xác định giá trị tài sản Nhà nước bị thất thoát sau khi SADECO phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Đồng thời điều tra, làm rõ có vai trò đồng phạm của Công ty Nguyễn Kim trong việc mua 9 triệu cổ phần từ SADECO hay không.

Kết quả điều tra sau đó cho thấy, 9 triệu cổ phần SADECO bán cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40 nghìn đồng/CP đã gây thiệt hại tổng cộng 1.103 tỷ đồng cho DN này. Trong đó gây thiệt hại cho phần vốn của UBND TP Hồ Chí Minh là hơn 485 tỷ đồng; gây thiệt hại cho phần vốn của Thành ủy TP Hồ Chí Minh là hơn 184 tỷ đồng và thiệt hại cho phần vốn của các cổ đông khác là hơn 433 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 26/3/2015, khi IPC công bố bán đấu giá phần vốn tại Công ty SADECO, thì Công ty CP BĐS Exim đã trở thành nhà đầu tư trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần này với giá 26,1 nghìn đồng/CP. Chỉ hơn 1 năm sau, ngày 12/9/2016, toàn bộ số cổ phần này được Công ty CP BĐS Exim bán lại cho Công ty Nguyễn Kim với giá cao gấp hơn 2 lần, ở mức 57 nghìn đồng/CP, song những cán bộ có trách nhiệm vẫn chẳng thèm quan tâm, vẫn cho phép SADECO bán cho Công ty Nguyễn Kim với giá trên.

Càng bất thường hơn khi ngày 21/6/2020, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của TP Hồ Chí Minh đã có kết luận định giá tài sản và ngày 8/12/2020 có kết luận định giá tài sản bổ sung xác định giá trị các khu đất của SADECO lên đến gần 2.890 tỷ đồng trong khi giá trị sổ sách của DN này chỉ xác định giá trị tài sản hơn 400 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 16/4/2021 Hội đồng này đã kết luận giá trị tài sản của SADECO vào năm 2017 lên đến hơn 3.245 tỷ đồng, trong khi giá trị các khoản nợ phải trả chỉ có hơn 481 tỷ đồng.

Với tổng số 17 triệu cổ phần, Cơ quan CSĐT xác định giá mỗi cổ phần của SADECO lên đến 162,5 nghìn đồng tại thời điểm SADECO phát hành cho công ty Nguyễn Kim. Vậy nhưng cả IPC và SADECO đều "nhắm mắt" bán cổ phần với giá "bèo" như trên. Lý do Công ty Nguyễn Kim nhằm đến cổ phần của SADECO đã được Cơ quan CSĐT chứng minh là vì 2 khu đất dự án. Cụ thể, ngày 10/11/2016, Công ty Nguyễn Kim đã có văn bản gửi SADECO đề nghị được thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với SADECO thông qua hình thức mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược.

Để mua được cổ phần của SADECO, Công ty Nguyễn Kim còn đưa ra mồi nhử với SADECO rằng việc để hợp tác là để thực hiện 2 dự án "béo bở" của Công ty Nguyễn Kim, gồm Dự án khu dân cư Rạch Chiếc ở TP Thủ Đức và Dự án khu phức hợp căn hộ, thương mại ở số 79B Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình.

Song sự dối trá này của Công ty Nguyễn Kim đã bị Cơ quan CSĐT vạch mặt khi kết quả xác minh sau đó cho thấy 2 dự án này không phải của Công ty Nguyễn Kim, mà chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn và Công ty CP xây dựng số 14. Từ đây, dư luận đặt ra câu hỏi: nếu SADECO không có đất dự án, không có giá trị tổng tài sản "khủng" như vậy, liệu Công ty Nguyễn Kim có chịu bỏ tiền để mua lượng lớn cổ phần như vậy hay không?

Những đại án làm đắm tài sản Nhà nước: Khó có chuyện mua bán ngay tình - Ảnh 1.

Tòa nhà IPC, nơi Công ty IPC và Công ty Tân Thuận hoạt động.

Để làm rõ vai trò của Công ty Nguyễn Kim, quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 2 bị can là Nguyễn Hữu Thành, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim và Phạm Nhật Vinh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Kim. Đây là 2 cá nhân tham gia vào HĐQT của SADECO sau khi Công ty Nguyễn Kim mua lại được hơn 5,2 triệu cổ phần của SADECO từ Công ty BĐS Exim và đã trực tiếp biểu quyết việc SADECO phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40 nghìn đồng/CP.

Đối với ông Nguyễn Văn Kim (đã xuất cảnh ra nước ngoài), là Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim, người đã cử các ông Thành và Vinh đại diện Nguyễn Kim tham gia HĐQT của SADECO, Cơ quan CSĐT xác định: Kết quả ghi lời khai các cá nhân liên quan và tài liệu, chứng cứ thu thập được chưa thể hiện việc ông Nguyễn Văn Kim tác động, yêu cầu ông Thành và Vinh biểu quyết, phát hành cổ phần với giá 40 nghìn đồng/CP cho Công ty Nguyễn Kim. Do đó, chưa có căn cứ kết luận ông Nguyễn Văn Kim và các cá nhân liên quan khác là đồng phạm trong việc mua 9 triệu cổ phần của SADECO.

Thực trạng trên một lần nữa cho thấy, những khó khăn mà Cơ quan CSĐT phải đối mặt trước thủ đoạn tinh vi nhằm che đậy hành vi vi phạm của đại diện doanh nghiệp. Song điều khiến dư luận, người dân nghi ngờ, đặt vấn đề là chỉ đến khi Cơ quan CSĐT tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra thành phố để tiến hành điều tra, xác minh, các cá nhân liên quan mới chịu thanh lý hợp đồng mua bán 9 triệu cổ phần.

Công ty Nguyễn Kim đã trả lại toàn bộ số cổ phần đã mua cho SADECO, thu hồi toàn bộ tài sản thất thoát, thiệt hại cho SADECO. Ngoài ra, trong quá trình điều tra vụ án, ngày 4/12/2020, Công ty Nguyễn Kim còn tự nguyện điều chỉnh hợp đồng với SADECO, trả lại thêm cho SADECO hơn 32 tỷ đồng mà công ty này cho rằng là số tiền lãi phát sinh từ tiền gửi ngân hàng mà Công ty Nguyễn Kim thanh toán cho SADECO trong việc mua cổ phần.

LS Phạm Văn Hữu nhìn nhận, dù ai cũng thấy rõ dấu hiệu vụ lợi của cá nhân, DN tư nhân đối với số tài sản Nhà nước bị thất thoát, nhưng việc chứng minh được đại diện doanh nghiệp có bàn bạc với nhóm cán bộ đã bị bắt giữ, xử lý hay không là việc làm cực kỳ khó khăn. Trong vụ án này, ngoài ông Tất Thành Cang còn có hàng chục bị can khác là cán bộ thuộc DNNN và một số cơ quan, đơn vị thuộc thành phố vướng vòng lao lý.

Trong đó, Cơ quan CSĐT đã chứng minh thủ đoạn gian dối của một số bị can chủ chốt trong việc dùng thủ đoạn để thực hiện mục đích phát hành, bán cổ phần với giá trên cho Công ty Nguyễn Kim.

Liên quan đến nhóm bị can trong vụ việc này, Cơ quan CSĐT cũng đã quyết định tách thành nhiều vụ án khác như vụ việc Công ty IPC chuyển nhượng nền đất tại dự án khu định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh; việc Công ty IPC chuyển nhượng nền đất tại dự án khu dân cư Long Thới, huyện Nhà Bè; việc Công ty IPC chuyển nhượng dự án KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 cho Công ty CP KCN Hiệp Phước; việc phát hành 20 triệu cổ phần cho Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc để tăng vốn điều lệ tại Công ty CP KCN Hiệp Phước và việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn - IPD thành Công ty CP tiếp vận Đông Sài Gòn - ESL… mà trong đó, tất cả đều liên quan đến vốn, tài sản Nhà nước, chủ yếu là đất đai, cổ phần và đều có những tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước tham gia cũng như được hưởng lợi nếu vụ việc không được kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Điều này thể hiện quyết tâm của Công an TP Hồ Chí Minh trong việc bóc gỡ, ngăn chặn hành vi vi phạm một cách có hệ thống gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Song, người dân vẫn mong chờ vào các cơ quan bảo vệ pháp luật là tiếp tục truy tận gốc trách nhiệm liên đới. Không để những cá nhân, DN tư nhân liên quan được hưởng lợi từ những vụ vi phạm này ung dung ngoài vòng pháp luật sau khi hàng loạt cán bộ của cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước bị bắt giữ, xử lý. Bởi chỉ khi răn đe, ngăn chặn được mầm mống, nguyên nhân khiến cán bộ vướng sai phạm, cuộc chiến chống tham nhũng mới đạt kết quả trọn vẹn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại