Sự kiện tuyệt chủng của những loài động vật khổng lồ có thể đã đẩy con người tới bến bờ văn minh

KIM |

Nhiều bằng chứng cho thấy chúng ta đã bị đẩy tới đường cùng do ... chính bàn tay mình. Nền văn minh ngày nay được xây trên mộ tập thể của những con vật khổng lồ từng dạo bước trên Trái Đất.

Vì cớ gì chúng ta mất nhiều thời gian đến vậy để phát minh ra “nền văn minh”? Người Homo sapien hiện đại, tức con người ngày nay, lần đầu tiến hóa tới bản thể thành công nhất vào khoảng từ 250.000 tới 350.000 năm trước. Tuy nhiên, những bước đầu tiến tới thiết lập nền văn minh - là khi con người phát minh ra nông nghiệp - lần đầu tiên được thực hiện vào khoảng 10.000 năm trước. Những nền văn minh thực thụ đầu tiên xuất hiện vào khoảng 6.400 năm Trước Công nguyên.

Sự kiện tuyệt chủng của những loài động vật khổng lồ có thể đã đẩy con người tới bến bờ văn minh - Ảnh 1.

Trong 95% lịch sử loài người, chúng ta không canh tác nông nghiệp, không xây khu định cư lớn, cũng không thiết lập thể chế chính trị phức tạp. Con người sống thành từng cụm nhỏ, nương nhờ vào kỹ năng cá nhân của săn bắt hái lượm. Thế rồi, thay đổi đột ngột tới.

Chúng ta chuyển mình từ sắt bắt hái lượm sang trồng trọt và chăn nuôi. Dư dả, những thành phố lớn dần thành hình. Và đáng chú ý thay, sự thay đổi này chỉ tới sau khi những sinh vật khổng lồ của kỷ băng hà, như voi mammoth, lười đất khổng lồ, hươu và ngựa kích cỡ lớn, biến mất mãi mãi.

Cho tới giờ, các nhà sử học chưa rõ lý do con người bắt đầu canh tác, nhưng rất có thể việc nguồn dinh dưỡng chính biến mất đã ép con người phải thay đổi.

Những con người thuở hồng hoang đã đủ thông minh để làm nông nghiệp. Con người ngày nay có não bộ tương đồng, hay nói cách khác là khả năng tư duy tương tự tổ tiên xưa kia, điều đó gợi ý rằng khả năng suy luận của con người đã tiến hóa từ 300.000 năm trước, từ thời điểm tiền nông nghiệp. Tổ tiên của ta không làm nông không phải vì họ không đủ khôn khéo, mà có lẽ cuộc sống khi đó không cần tới nông nghiệp.

Vào 11.700 năm trước, hiện tượng nóng lên toàn cầu kết thúc kỷ nguyên băng giá, và có lẽ việc Trái Đất nóng lên đã giúp nông nghiệp thịnh vượng. Nhiệt độ ấm áp, mùa cỏ cây sinh trưởng kéo dài hơn, mưa tới thường xuyên hơn, khí hậu ổn định hơn đã khiến việc canh tác trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, khả năng cao nông nghiệp phải chờ thời mới được lên ngôi.

Trái Đất đã nhiều lần chứng kiến hiện tượng nóng lên toàn cầu, và những mốc thời gian 11.700 năm trước, 120.000 năm trước, 200.000 và 325.000 năm trước. Thế nhưng, những lần ấm lên trước đây không khiến nông nghiệp phát triển (hay ít nhất, ta không có bằng chứng chứng minh điều đó). Do vậy, không thể gọi biến đổi khí hậu là nguyên nhân duy nhất thúc đẩy nông nghiệp xuất hiện phát triển.

Sự kiện tuyệt chủng của những loài động vật khổng lồ có thể đã đẩy con người tới bến bờ văn minh - Ảnh 3.

Việc con người di cư cũng góp công trong đẩy mạnh nông nghiệp. Khi con người bắt đầu tỏa ra khắp Lục địa Đen, rồi tìm đường tới Châu Á, Châu Âu, và cả Châu Mỹ, chúng ta chứng kiến những mảnh đất màu mỡ mới, những cây lương thực mới. Tuy vậy, con người đã tới sống ở những miền đất hứa này nhiều năm trước khi việc canh tác xuất hiện. Mốc thời gian diễn ra sự kiện thuần hóa thực vật cách những chuyến di cư của con người tới hàng chục thiên niên kỷ.

Giả sử cơ hội phát minh nông nghiệp đã tồn tại, thì việc nông nghiệp tới rất muộn (mới 10.000 năm trước) cho thấy tổ tiên con người không cần, hoặc không muốn canh tác.

So sánh với hành động hái lượm, ta thấy nông nghiệp có nhiều nhược điểm. Việc canh tác tốn công sức, thu hẹp thời gian nghỉ ngơi cũng như mang tới một chế độ ăn nhàm chán. Nếu thợ săn đói bụng buổi sáng, họ có thể dùng luôn bữa ăn đã “gác bếp” từ sẩm tối hôm trước. Việc canh tác thì cần tới hàng tháng mới ra thành quả, thậm chí mùa vụ có thể thất bát ê chề. Nông nghiệp cần kho chứa lớn cũng như kỹ năng quản lý thực phẩm thặng dư, giúp duy trì một cộng đồng trong tương lai xa.

Khi người tiền sử có một ngày đi săn thất bại, họ có thể thử lại ngay buổi sáng hôm sau, hay kiếm tìm một khu vực săn bắt “màu mỡ” hơn. Còn người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời phải dựa hoàn toàn vào bản tính trời đất, vốn dĩ thất thường, để có được vụ mùa đủ ăn. Nắng, mưa, sương, tuyết hay động vật gây hại có thể khiến một cộng đồng tiều tụy vì đói kém.

Chưa hết, nông nghiệp có thể là điểm yếu trong an ninh. Những chuyên gia săn bắt hái lượm có sức bền dẻo dai cũng như kỹ năng sử dụng vũ khí tốt, sẽ có thể đánh trả khi cần cũng như tránh né nếu thấy nguy hiểm tới tính mạng. Còn người nông dân bám lấy ruộng đồng sẽ dễ trở thành mục tiêu cố định; họ đứng trước nguy cơ tấn công cao hơn, khi kho chứa lương thực là mục tiêu béo bở với bất cứ kẻ tham lam nào.

Sự kiện tuyệt chủng của những loài động vật khổng lồ có thể đã đẩy con người tới bến bờ văn minh - Ảnh 5.

Với bản chất bạo lực, rồi tiến hóa để trở thành kẻ đi săn, con người là giống loài yêu thích sự tự do của cuộc sống săn bắt hái lượm. Lịch sử từng chứng kiến người Châu Mỹ bản địa đấu tranh đến chết để giữ lại lối sống thiêng liêng. Khi những người nông dân Polynesia vùng Châu Đại Dương gặp những con chim moa không cánh nơi New Zealand, họ từ bỏ ruộng đồng, săn chim moa lấy thịt và dùng xương chúng chế tác công cụ. Tại Châu Phi, tiếp tục tồn tại những tộc người bản địa từ chối nông nghiệp và chăn nuôi.

Nhưng rồi, lợi thế của nông nghiệp chiến thắng lối sống xưa cũ

Mọi thứ thay đổi vào khoảng 10.000 năm trước, khi con người từ bỏ săn bắt hái lượm. Có lẽ sau khi voi mammoth cũng như những sinh vật tiền sử khổng lồ khác tuyệt chủng, lối sống săn bắt không đủ cho con người tồn tại. Hoàn cảnh ép tổ tiên chúng ta phải tìm tới nông nghiệp. Có lẽ, nền văn minh không xuất hiện bởi vận động không ngừng của thế giới, mà bởi thảm họa sinh thái đã ép con người từ bỏ cách sống truyền thống.

Sự kiện tuyệt chủng của những loài động vật khổng lồ có thể đã đẩy con người tới bến bờ văn minh - Ảnh 6.

Khi rời Châu Phi để khai phá những vùng đất mới, động vật khổng lồ bắt đầu biến mất dần mỗi nơi con người đặt chân tới. Tại Châu Á và Châu Âu, những đàn voi mammoth, tê giác lông dày, hươu khổng lồ biến mất trong khoảng từ 10.000 cho tới 40.000 năm trước. Tại Úc, kangaroo khổng lồ tuyệt chủng vào khoảng 46.000 năm trước.

Ở Bắc Mỹ, lười đất khổng lồ, ngựa, lạc đà, voi mammoth tuyệt diệt vào khoảng 11.500 cho tới 15.000 năm Trước Công nguyên; những giống loài này cũng biến mất khỏi đất Nam Mỹ vào khoảng từ 8.000 cho tới 14.000 năm trước. Khi con người đặt chân tới vùng đảo Caribbean, Madagascar, New Zealand, động vật khổng lồ nơi đây cũng dần biến mất. Nơi đâu có con người, nơi đó hiện hữu sự kiện tuyệt chủng.

Những động vật cỡ lớn là nguồn thực phẩm dồi dào, nhiều hơn hẳn thỏ hay những động vật nhỏ con khác. Tuy nhiên, những con vật khổng lồ sinh sản chậm, khiến chúng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt quá mức. Nhiều chuyên gia cho rằng việc con người xuất hiện đã khiến những loài thú khổng lồ tuyệt chủng.

Khi lối sống săn bắt không thể giúp cộng đồng sống sót, con người đã bị ép tới mức phải cải thiện cách sống, tập trung vào việc hái lượm, để rồi phát minh ra nông nghiệp để đảm bảo một cuộc sống sung túc. Nông nghiệp tới, hỗ trợ được một lượng lớn dân cư, dân số con người bùng nổ mạnh. Khi tổ tiên chúng ta bắt đầu định cư, nền văn minh dần thành hình.

Sự kiện tuyệt chủng của những loài động vật khổng lồ có thể đã đẩy con người tới bến bờ văn minh - Ảnh 8.

Những bằng chứng khảo cổ cho thấy tổ tiên con người hoàn toàn có thể theo đuổi nông nghiệp từ sớm, nhưng chỉ làm vậy khi không còn lựa chọn nào khác. Nếu có thể đi săn cả đời, có lẽ ta đã vui vẻ với cuộc sống ấy. Có vẻ khả năng săn bắt của ta quá tốt, đến mức phải tìm tới nông nghiệp để duy trì sự sống.

Có lẽ, nông nghiệp và sự xuất hiện của nền văn minh hiện hình không phải là cách cải thiện cuộc sống “ăn lông ở lỗ”, mà là lựa chọn cuối khi ta bị dồn tới đường cùng. Nông nghiệp là nỗ lực sinh tồn khi tự nhiên không thể chu cấp thực phẩm cho những cộng đồng người ngày một lớn, đi ngày một xa.

Nếu đúng như vậy, ta tìm tới nông nghiệp, để rồi tiến hóa tới lúc gây dựng được nền văn minh, là bởi thảm họa hệ sinh thái do chính tay con người tạo ra.

Dựa trên bài viết đăng trên The Conversation của giảng viên Nicholas R. Longrich, công tác tại Đại học Bath, chuyên khoa cổ sinh vật học và sinh học tiến hóa.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại