Ba chữ nhìn thấu con người của Khổng Tử: 'Soi' kỹ mới thấy không đơn giản

Khánh Linh |

Khi đệ tử hỏi Khổng Tử thế nào là một người có trí tuệ, ông liền đáp: "Người có trí tuệ là người hiểu được người khác".

Biết người là cơ sở để đối nhân xử thế, đồng thời cũng là một kiến thức vô cùng uyên thâm mà một người có thể đạt được. Khổng Tử từng nói: "Lòng người nham hiểm hơn cả núi sông, khó đoán hơn cả trời cao". Điều đó cho thấy muốn nhìn thấu một con người không phải là một điều dễ dàng.

Cho dù đó là đối phó với một cá nhân riêng biệt hay điều hành một đất nước với hàng vạn dân, kĩ năng thấu hiểu con người cũng vô cùng quan trọng. Tuy khó nhưng Khổng Tử lại có những bí quyết giúp chúng ta nhìn thấu được lòng người.

Ba chữ nhìn thấu con người của Khổng Tử: Soi kỹ mới thấy không đơn giản - Ảnh 1.

Khổng Tử có cách nhìn người độc đáo. Ảnh minh họa

Quy tắc này được tóm gọn vỏn vẹn trong ba chữ "thị", "quan", "sát" bắt nguồn từ câu nói "Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỷ sở an".

Tạm dịch là: Muốn thấu hiểu một người trước hết phải xem mục đích việc người đó làm, thứ hai là phải xem việc và cách thức người đó làm, thứ ba là xem việc gì khiến người đó vui vẻ, hạnh phúc.

Trong cuộc sống, ta có thể bắt đầu từ những khía cạnh sau.

Trước tiên, quan sát và lắng nghe những gì người đó nói. Khổng Tử lý giải bằng câu nói: "Không biết lời thì không thể biết người".

Ông cho rằng những người cứng rắn, giản dị, ít nói sẽ là những người "mạnh mẽ, kiên trung, mộc mạc, sống có tình nghĩa và thân thiện. Ông cũng đưa ra cảnh báo rằng những người ăn nói khéo léo, lươn lẹo là những người thiếu đạo đức. Ngoài ra, Khổng Tử còn lên án những người nói lời đao to búa lớn những thực chất lại chỉ là thùng rỗng kêu to.

Thứ hai, quan sát hành vi của người đó. Mặc dù lời ăn tiếng nói của một người có thể dùng làm tiêu chuẩn để đọc vị người khác trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, Khổng Tử cũng bổ sung rằng: "Người quân tử không cất nhắc người căn cứ vào lời nói, không bỏ lời nói căn cứ vào người". Có nghĩa là lời nói và hành động lúc nào cũng phải đi liền với nhau. Ta không thể quan sát chỉ dựa trên một khía cạnh duy nhất.

Thứ ba, quan sát người đó khi họ gặp những khó khăn hay thất bại trong cuộc đời. Khổng Tử viết "Ở nơi có nhân đức là tốt đẹp, sống nơi thiếu nhân đức sao gọi là hiểu biết". Muốn quan sát một người không nên chỉ nhìn vào công lao, thành tựu của người đó, mà còn phải nhìn vào những lỗi lầm của người đó.

Từ những sai lầm của một người, chúng ta có thể thấy được sức nặng của "lòng nhân từ" trong trái tim người đó. Ngoài ra, bằng cách quan sát thái độ của một người đối với lỗi lầm, ta cũng có thể biết được nhân phẩm của họ. Một người quân tử là người hiểu rõ về bản thân và có khả năng tự kiểm điểm, sửa chữa lỗi làm của mình.

Thứ tư, quan sát những gì mọi người nói về họ. Phải lắng nghe cả những lời vu khống hay khen ngợi khác nhau của mọi người. Xem xét kỹ lưỡng lý do tại sao người này lại bị mọi người ghét bỏ hay ngợi ca.

Sự minh tuệ của Khổng Tử được khắc họa rõ nét qua cách ông nhìn người khác. Ông quan sát kỹ càng từ việc nhỏ đến việc lớn, từ mọi góc độ khác nhau. Qua đó, cho ra một cái nhìn toàn cảnh và đầy đủ nhất về một con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại