Giống khoảnh khắc giao thừa, nhưng chiếc đồng hồ này lại đang đếm ngược đến Ngày tận thế

Thanh Long |

Năm 2022, nhân loại còn 100 giây trước thời khắc Nửa đêm. Nguy cơ diệt vong của chúng ta lúc này còn cao hơn cả thời Chiến tranh Lạnh.

"Anh sẽ vặn ngược lại kim của đồng hồ, để nó luôn chỉ thời khắc nửa đêm. Ta sẽ có một ngày dài như là thế kỷ, như vậy mới đủ để cho anh hiểu em", đó là lời bài hát Loving You Sunny của Kimmese và Đen Vâu.

Nhưng trên thế giới có một chiếc đồng hồ khác mà không ai muốn nó chỉ vào khoảnh khắc nửa đêm cả, các nhà khoa học gọi nó là Doomsday Clock, hay "Đồng hồ Ngày tận thế".

Được khởi xướng vào năm 1947 bởi Bulletin of the Atomic Sciences, tờ báo do một nhóm các nhà khoa học thành lập vì lo ngại nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân trên thế giới, Đồng hồ Ngày tận thế là một thước đo cảnh báo chúng ta về thời điểm mà nhân loại có thể bị hủy diệt.

Họ gọi đó là "Midnight", "khoảng khắc nửa đêm" hay khi kim dài của chiếc đồng hồ trùng đúng vào kim ngắn ở đúng số 12 của nó. Trong khi chiếc đồng hồ chạy tiến lên, các nhà khoa học đang sử dụng thang đo đếm ngược đến khoảnh khắc họ cho là tận thế.

Giống khoảnh khắc giao thừa, nhưng chiếc đồng hồ này lại đang đếm ngược đến Ngày tận thế - Ảnh 1.

Nhân loại còn 100 giây trước thời khắc Nửa đêm

Năm 1947, khi chiếc đồng hồ lần đầu tiên xuất hiện trên trang bìa tờ báo Bulletin of the Atomic Sciences, nó được Martyl Langsdorf, một họa sĩ theo trường phái trừu tượng vẽ ở 11h53 phút, nghĩa là còn 7 phút trước khi đến Nửa đêm.

Langsdorf là vợ của Alexander, một trong những thành viên sáng lập tờ báo nhưng đồng thời là một nhà vật lý tham gia vào dự án chế tạo bom nguyên tử Manhattan của Hoa Kỳ.

Khi được Alexander nhờ thiết kế trang bìa cho số tháng 6 năm 1947 của tờ báo, Langdorf đã chọn hình ảnh một chiếc đồng hồ với kim chỉ đến gần nửa đêm, mà như các biên tập viên của Bulletin viết để tưởng nhớ cố nghệ sĩ - "nó gợi ý đến sự hủy diệt đang chờ đợi nếu không có ai hành động để ngăn chặn nó".

Kể từ đó, cứ vài năm một lần, ủy ban khoa học của Bulletin of the Atomic Sciences lại họp lại một lần để đánh giá các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân của thế giới đối chiếu với tốc độ chạy đua hạt nhân giữa các quốc gia để cập nhật khoảnh khắc đếm ngược của Doomsday Clock.

Ví dụ năm 1953, chiếc đồng hồ được vặn tới thời gian 23h58, tương đương chỉ còn 2 phút là đến Nửa đêm sau khi Hoa Kỳ và Liên Xô thử nghiệm những vũ khí nhiệt hạch lần đầu tiên của họ.

Tới năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ và ký kết Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược, chiếc đồng hồ đã được vặn lùi xuống tới 23h43, nghĩa là cách thời khắc Nửa đêm tới 17 phút, khoảng thời gian an toàn nhất mà loài người có được.

Giống khoảnh khắc giao thừa, nhưng chiếc đồng hồ này lại đang đếm ngược đến Ngày tận thế - Ảnh 2.

Khi thế giới cơ bản trở lên hòa bình và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân không còn quá hiện hữu, Bulletin of the Atomic Sciences đã chuyển chiếc đồng hồ của họ sang cả các mối đe dọa tận thế khác như biến đổi khí hậu, chiến tranh sinh học, đại dịch bệnh, sự trỗi dậy của robot và trí tuệ nhân tạo…

Tổng hợp tất cả các điều kiện đó, tới năm 2020, nhân loại đã ở gần khoảnh khắc tận thế hơn bao giờ hết, với kim đồng hồ chỉ còn cách khoảnh khắc Nửa đêm 100 giây. Con số được giữ nguyên trong năm 2021. Và mới đây nhất, vào ngày 21 tháng 1, các nhà khoa học tại Bulletin of the Atomic Sciences cho biết Doomsday Clock vào năm 2022 vẫn sẽ cách nửa đêm 100 giây.

Rachel Bronson, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Bulletin of the Atomic Sciences cho biết: "Ở thời điểm này, thế giới chưa có gì là an toàn hơn so với năm ngoái. Đồng hồ Ngày tận thế tiếp tục lơ lửng ở một khoảnh khắc nguy hiểm, nó nhắc nhở chúng ta rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo một hành tinh an toàn hơn và khỏe mạnh hơn".

Đại dịch Covid-19 hiện là một ví dụ chứng minh cho điều đó. Nó cho thấy thế giới vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng khi phải đối phó với một loại virus lây nhiễm mới nổi. Sự gia tăng kết nối toàn cầu và sự phát triển của các công cụ kỹ thuật sinh học mới có nghĩa là mối đe dọa từ các mầm bệnh tự nhiên và cả nhân tạo sẽ ngày một lớn hơn.

Giống khoảnh khắc giao thừa, nhưng chiếc đồng hồ này lại đang đếm ngược đến Ngày tận thế - Ảnh 3.

Và ngay cả với những nỗ lực nhằm giảm lượng khí thải carbon như hiện nay, biến đổi khí hậu vẫn đang diễn biến xấu đi từ năm này qua năm khác. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, vũ khí tự động, thậm chí cả các cuộc tấn công mạng đều đem đến những mối hiểm họa khôn lường.

Đứng giữa tất cả các nguy cơ đó, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân vẫn tồn tại, khi loại vũ khí này vẫn được nhiều quốc gia nắm giữ hoặc âm thầm phát triển.

Tíc tắc, tíc tắc, tíc tắc

Tại Đại học Princeton, một nhóm các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực bảo mật đã xây dựng một chương trình thực tế ảo. Trong đó, người dùng có thể đeo kính VR và xuất hiện trong Phòng Bầu dục của Nhà trắng, nơi họ được hóa thân thành tổng thống Mỹ.

Từ tai nghe, bạn sẽ tấy còi báo động liên tục vang lên. Sau đó, một vị tướng quân đội sẽ dẫn bạn tới Phòng Tình huống. Phòng Tình huống (Situation Room) là nơi Tổng thống Mỹ có thể theo dõi diễn biến mọi cuộc chiến tranh và điều khiển bất kỳ đơn vị quân đội Mỹ nào trên thế giới.

Kịch bản được báo cáo cho bạn lúc này là: Các cảm biến cảnh báo sớm của quân đội Mỹ phát hiện Nga đã phóng đồng loạt 299 tên lửa hạt nhân nhắm vào lãnh thổ Mỹ và các căn cứ quân sự ICBM, nơi mà Mỹ đặt tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Nếu những cảnh báo là thật, ước tính cho thấy sẽ có ít nhất 2 triệu người Mỹ thiệt mạng trong cuộc tập kích này. Vấn đề là bạn không biết chắc chắn 100% những tín hiệu cảnh báo đó có thật hay không? Hoàn toàn có khả năng một kẻ nào đó đã hack vào hệ thống và tạo ra các tín hiệu cảnh báo giả.

Teaser mô phỏng của Đại học Princeton: Điều gì sẽ xảy ra trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng khi có cảnh báo hạt nhân?

Với tư cách là Tổng thống Mỹ, bạn có dưới 15 phút để quyết định xem mình sẽ làm gì? Nếu cuộc tấn công là thật mà bạn không đưa ra phản ứng gì, toàn bộ ụ phóng hạt nhân tại các căn cứ ICBM của Mỹ sẽ bị phá hủy, bạn sẽ không thể tổ chức lại một cuộc phản công hạt nhân sau đó.

Nhưng nếu cuộc tấn công chỉ là lỗi hệ thống mà bạn lại kích hoạt các ụ phóng ICMB, thì chính bạn lại đang phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân trước tiên. Tình huống lại được đặt ngược lại cho phía Nga, liệu họ có kích hoạt tên lửa hạt nhân của họ không?

Đây chính là một khoảnh khắc "tíc tắc" thực sự. Và nhóm nghiên cứu tại Đại học Princeton cho biết nó có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Mặc dù các kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ đã đều được giải trừ bớt và thu nhỏ đáng kể so với khoảng thời gian căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh, ngày nay, hai cường quốc quân sự vẫn duy trì hàng nghìn đầu đạn hạt nhân đang hoạt động, quá đủ để gây ra thảm họa ở quy mô không thể tưởng tượng được.

Ngay đầu năm mới 2022, 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phải nhắc lại một tuyên bố chung, nói rằng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không thể có bên thắng cuộc.

Đó thực chất là luận điểm mà Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev từng nhất trí vào năm 1985. Nhưng tại sao Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lại phải nhắc lại quan điểm đó vào năm nay?

Đó là bởi những gì đang diễn ra tại thời điểm này cho thấy một cuộc chiến tranh hạt nhân vẫn là nguy cơ tiềm ẩn. Thậm chí, chúng ta đang tiến gần đến nó hơn rất nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Giống khoảnh khắc giao thừa, nhưng chiếc đồng hồ này lại đang đếm ngược đến Ngày tận thế - Ảnh 7.

Chẳng hạn như nếu căng thẳng giữa Nga vào Ukraine hiện nay phát triển thành một cuộc chiến tranh trên bộ, nó có khả năng sẽ đẩy xung đột giữa Mỹ và Nga lên một mức mới, mà hai nước hiện đang sở hữu gần như toàn bộ kho vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Nga đã ám chỉ về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân gần với đường bờ biển của Mỹ, điều này sẽ làm giảm thời gian cảnh báo xuống chỉ còn 5 phút. Ngược lại, Washington đang theo đuổi mục tiêu hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Theo đó, nước Mỹ có thể chi tới 1,2 nghìn tỷ USD trong 30 năm tới để làm điều đó.

Và trong khi Moscow cũng có những động thái tương tự, Trung Quốc cũng đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình trong một nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Nga và Mỹ.

Gần đây, Jon B. Wolfsthal, cố vấn cấp cao của sáng kiến chống hạt nhân Global Zero, cựu giám đốc cấp cao về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, đã cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân ở thời điểm này đã tăng "cao một cách nguy hiểm".

Và nếu nó xảy ra, mức độ tàn phá của một cuộc xung đột như vậy sẽ không thể tưởng tượng được. Chỉ riêng một đầu đạn hạt nhân 800 kiloton nhắm vào một thành phố 4 triệu dân, sức nóng và sóng xung kích của nó đã đủ để giết chết 120.000 người ngay lập tức. Nhiều người hơn nữa sẽ chết sau đó trong cơn bão lửa và ngộ độc bụi phóng xạ.

Chỉ cần một cuộc chiến tranh hạt nhân cục bộ trong một khu vực cũng sẽ nhân số người chết lên gấp nhiều lần, làm gián đoạn hoặc sụp đổ chuỗi cung ứng toàn cầu và dẫn đến những sự biến đổi của khí hậu về lâu về dài.

Trong trường hợp xấu nhất, theo lời nhà khoa học môi trường Alan Robock đến từ Đại học Rutgers, "hầu hết mọi người trên hành tinh sẽ chết".

Giống khoảnh khắc giao thừa, nhưng chiếc đồng hồ này lại đang đếm ngược đến Ngày tận thế - Ảnh 9.

Và không giống như những mối đe dọa khác như biến đổi khí hậu, đại dịch bệnh hay sự trỗi dậy của AI mà Đồng hồ Ngày tận thế cũng đang nhắm tới, một cuộc chiến hạt nhân có thể được kích hoạt bất cứ lúc nào và gây ra những thiệt hại tức thì.

Thậm chí, nhiều khi nó còn có thể xảy ra một cách vô tình. Nhiều lần trong Chiến tranh Lạnh, trục trặc kỹ thuật trong bộ máy phòng thủ hạt nhân suýt chút nữa đã khiến Mỹ hoặc Liên Xô kích hoạt nhầm tên lửa. Và như mô phỏng VR ở trên cho thấy, tốc độ của một cuộc khủng hoảng hạt nhân sẽ đặt những người nắm trong tay "nút nhấn" vào một áp lực kinh khủng.

Khi chiếc đồng hồ trước mặt họ kêu tíc tắc, tíc tắc, sẽ không có chỗ cho sai lầm được phép xuất hiện.

Làm thế nào để thoát khỏi Nửa đêm?

Phải khẳng định rằng, chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại với số lượng đáng kể, chúng sẽ vẫn là mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại.

Không giống như các công nghệ đột phá khác như AI hoặc kỹ thuật sinh học, hoặc thậm chí nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân không hề có mặt tốt hay công năng nào ngoài việc tạo ra sự hủy diệt. Các đầu đạn hạt nhân, bom hạt nhân chỉ đơn thuần là vũ khí, thứ vũ khí có sức công phá không thể tưởng tượng.

Nhân loại đã sống sót cho tới ngày nay, trải qua thời đại hạt nhân bởi vì chúng ta biết dùng cái đầu lạnh của mình, chúng ta có trí tuệ và một phần là may mắn. Nếu tiếp tục duy trì được những yếu tố đó, chúng ta sẽ có thể ngăn chiếc kim đồng hồ của Doomsday Clock tiến lên phía trước.

Giống khoảnh khắc giao thừa, nhưng chiếc đồng hồ này lại đang đếm ngược đến Ngày tận thế - Ảnh 11.

Năm ngoái, Mỹ và Nga đã gia hạn hiệp ước vũ khí hạt nhân START thêm 5 năm, trong đó hai cường quốc đã thống nhất giới hạn về quy mô kho vũ khí hạt nhân của họ. Đây là một bước tiến mới trong công cuộc kiểm soát vũ khí thời hậu Chiến tranh Lạnh, và nó sẽ cho phép các nhà ngoại giao có thêm thời gian để đàm phán những giới hạn mới chặt chẽ hơn trong tương lai.

Cùng với đó, 59 quốc gia khác đã ký kết một hiệp ước quốc tế kêu gọi lệnh cấm toàn cầu đối với vũ khí hạt nhân (mặc dù không có quốc gia nào trong số các quốc gia ký hiệp ước này được liệt vào nhóm cường quốc hạt nhân).

Các tín hiệu khả quan này sẽ được quy đổi thành từng giây một trên chiếc Đồng hồ Ngày tận thế. Vì vậy, mặc dù đã 75 năm trôi qua, có thể nhiều người đã quên mất sự hiện diện của Doomsday Clock khi Chiến tranh Lạnh qua đi và các mối lo hạt nhân đang nhường chỗ cho những kịch bản tận thế mới.

Nhưng việc các nhà khoa học tiếp tục vặn lại nó mỗi năm một lần đang nhắc nhở chúng ta rằng nhân loại vẫn đang sống trong một thời đại chơi vơi. Ở đó, những mối đe dọa thảm khốc vẫn có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Tham khảo Vox , Theconversation , Wired

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại