Hóa ra làn sóng "ly hôn" ở chim hải âu lại có nguyên nhân bắt nguồn từ con người chúng ta

Đức Khương |

Chim hải âu là một loài sống theo hệ thống một vợ một chồng, tuy nhiên các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng hệ thống này đang dần thay đổi và chúng đang "ly hôn" ngày càng nhiều.

Chim hải âu là loài chim biển sống rộng rãi ở Nam bán cầu. Chúng thường được biết đến với kích thước khổng lồ và kỹ năng bay tốt. 

Loài chim hải âu trung bình có thể dễ dàng đạt sải cánh hơn 1 mét và chim hải âu lang thang là loài lớn nhất hiện có, chúng có thể phát triển đến sải cánh dài khoảng 3-4 mét, đồng thời, do sải cánh rất lớn nên khả năng bay của chúng cũng rất vượt trội, có báo cáo cho rằng chúng có thể bay 5.000 km mà không cần ngủ trong 12 ngày.

Hóa ra làn sóng ly hôn ở chim hải âu lại có nguyên nhân bắt nguồn từ con người chúng ta - Ảnh 1.

Tuy nhiên, ngoài những đặc điểm đáng kinh ngạc đó, chin hải âu (albatross) còn có một ưu điểm khác được nhiều người ca tụng, đó chính là hệ thống "một vợ một chồng" bền chặt. 

Nếu hai con chim hải âu kết thành quan hệ vợ chồng thì trong hầu hết các trường hợp, chúng sẽ ở bên nhau trọn đời, tỷ lệ "ly hôn" trung bình của loài chim này là dưới 4%, và có năm thậm chí chỉ là 1% (trong khi đó tỷ lệ ly hôn của con người ở nhiều quốc gia vượt quá 50%). Vì vậy chim hải âu còn được coi là biểu tượng của sự trung thành trong hôn nhân ở một số quốc gia.

Tất nhiên, trên thực tế, chế độ "một vợ một chồng" cũng phổ biến trong giới động vật, trường hợp này xảy ra ở rất nhiều loài chim, cũng như một số loài động vật có vú thuộc bộ linh trưởng và động vật ăn thịt, chẳng hạn như chế độ "một vợ một chồng" của thiên nga, vượn hay cho sói Bắc Cực.

Tuy nhiên, chế độ "một vợ một chồng" ở động vật không được đánh đồng hoàn toàn với chế độ một vợ một chồng trong xã hội loài người, chúng ta cũng không thể dùng giá trị nhân văn của mình để đánh giá động vật. 

Bởi vì đối với động vật, hệ thống này không có mối quan hệ giữa cảm xúc và đạo đức, thay vào đó nó chỉ là chiến lược để tồn tại và sinh sản - "chế độ một vợ một chồng" ở các loài động vật là chiến lược có lợi cho việc sinh sản và nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo.

Hóa ra làn sóng ly hôn ở chim hải âu lại có nguyên nhân bắt nguồn từ con người chúng ta - Ảnh 2.

Thiên nga cũng là loài sinh vật "một vợ một chồng" điển hình, thường được dùng làm biểu tượng cho tình yêu thủy chung, nhưng thực tế, những sinh vật này không thể được đánh giá bằng giá trị của xã hội loài người.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng với sự gia tăng của sự nóng lên toàn cầu, chim hải âu đã bắt đầu mở ra một làn sóng ly hôn! Các nhà khoa học đã nghiên cứu loài chim hải âu đen trên quần đảo Malvinas (còn được gọi là quần đảo Falkland) ở nam bán cầu. 

Loại chim hải âu này có nơi làm tổ ổn định và có thể sống hơn 70 năm. Tỷ lệ "ly hôn" ở loài hải âu này là 3,7% và được duy trì trong nhiều năm, tuy nhiên những năm gần đây tỷ lệ này đã tăng lên tới 8%.

Hóa ra làn sóng ly hôn ở chim hải âu lại có nguyên nhân bắt nguồn từ con người chúng ta - Ảnh 4.

Chim hải âu đen có sải cánh dài 2,4 mét, chúng sẽ làm tổ trên các hòn đảo. Đây là địa điểm làm tổ của chim hải âu nâu đen ở quần đảo Malvinas.

Các nhà khoa học tin rằng sự thất bại trong sinh sản là một trong những lý do dẫn đến sự ra tăng của tỷ lệ ly hôn ở loài hải âu. Ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu không tăng lên, thì sự thất bại trong sinh sản vẫn khiến cho những cặp vợ chồng hải âu phải ly hôn. 

Trong mùa sinh sản hàng năm, chim hải âu đen chỉ đẻ một quả trứng, chim trống và chim mái cùng nhau ấp nở, nhưng sẽ luôn có một số trứng không nở được, hoặc chim non sẽ chết sớm. Theo đó, chim hải âu cái sẽ bay đi và tìm bạn tình mới, bỏ lại con đực cũ ở lại một mình. Tuy nhiên khả năng chim hải âu đực bị bỏ rơi tìm được bạn tình mới và giao phối lại là rất thấp.

Hóa ra làn sóng ly hôn ở chim hải âu lại có nguyên nhân bắt nguồn từ con người chúng ta - Ảnh 5.

Chim hải âu lông đen chăm sóc chim non, thường chim non sẽ được bố mẹ luân phiên ấp nở và chăm sóc

Một lý do khác là sự nóng lên toàn cầu. Khí hậu nóng lên sẽ khiến nhiệt độ bề mặt đại dương tăng cao, làm giảm chất dinh dưỡng trong đại dương và kéo theo hàng loạt phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đến tình trạng "kết hôn" của chim hải âu. Một mặt, việc giảm thức ăn trong đại dương sẽ khiến chim hải âu dành nhiều thời gian hơn để săn mồi thay vì sinh sản, do đó chúng có thể sẽ bỏ lỡ mùa sinh sản.

Việc giảm thức ăn cũng sẽ khiến chim hải âu bị suy dinh dưỡng nhiều hơn, điều này sẽ làm giảm sức hút đối với những con chim hải âu đang tìm kiếm bạn tình. Sinh sản của thế giới động vật rất đơn giản, chỉ có những cá thể khỏe mạnh mới sinh ra những thế hệ sau khỏe mạnh, và chim hải âu ở đây cũng vậy, chúng sẽ lựa chọn những con chim trống khỏe mạnh để kết đôi thay vì những con chim gầy còm ốm yếu.

Sự suy dinh dưỡng của chim hải âu cũng có thể dẫn đến tình trạng những quả trứng bị dị tật hoặc dễ vỡ hơn, điều này chắc chắn làm tăng khả năng nở thất bại hoặc chim non chết sớm. Cuối cùng, suy dinh dưỡng có thể làm tăng áp lực sinh tồn của chim, gây tiết hormone bất thường trong cơ thể và ảnh hưởng đến việc lựa chọn bạn tình.

Do đó, tình trạng ly hôn ở chim hải âu vẫn đang tiếp diễn, và hậu quả là sự bất ổn của toàn bộ quần thể chim hải âu và sự suy giảm của quần thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại