Doanh thu của Việt Á tăng "khủng khiếp" như thế nào từ khi bán kit xét nghiệm?

B. Bình |

Từ năm 2016 đến 2019, doanh thu của Công ty Việt Á giảm liên tục nhưng tăng vọt vào năm 2020.

Ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP phần công nghệ Việt Á.

Ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP phần công nghệ Việt Á.

Doanh thu tăng gấp sáu lần trong năm bắt đầu bán kit test

Cơ quan điều tra vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19.

Theo nguồn tin của VnExpress, từ năm 2016 đến 2019, doanh thu của Công ty Việt Á giảm liên tục nhưng tăng vọt vào năm 2020, khi bắt đầu kinh doanh kit xét nghiệm Covid-19.

Đáng chú ý, phần lớn tài sản của Việt Á hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu, tức không phụ thuộc vào vốn vay. Quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2020 đạt hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ là vốn chủ sở hữu.

Trong bốn năm từ 2016 đến 2019, hoạt động của Việt Á có xu hướng giảm dần khi doanh thu từ mức 166 tỷ giảm về còn 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đã tăng vọt lên hơn 400 tỷ đồng vào năm 2020, gấp hơn 6 lần năm 2019.

2020 cũng là năm Việt Á bắt đầu kinh doanh kit xét nghiệm Covid-19. Tháng 4/2020, Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit test Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Trả lời báo chí khi đó, ông Việt cho biết, giá mỗi bộ kit test từ 400.000-600.000 đồng là mức "thấp hơn thế giới nhiều lần".

Ước tính, theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra, Công ty Việt Á đến nay đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Công ty Việt Á cũng trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện lớn

Theo tìm hiểu của báo Thanh niên, Công ty Việt Á (VietACorp) được thành lập năm 2007, có trụ sở chính tại TP.HCM, với vốn ít ỏi chỉ 80 triệu đồng, được góp từ 5 thành viên. Công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử và tự giới thiệu có đội ngũ cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực sinh học phân tử. Đây cũng là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật Realtime PCR (là một kỹ thuật thí nghiệm sinh học phân tử dựa trên phản ứng chuỗi polymerase) và lai phân tử.

Trước năm 2017, việc kinh doanh của công ty không mấy sáng sủa, doanh thu vài chục tỉ đồng và thường báo lỗ. 

Tuy nhiên, cuối năm 2017, Việt Á Corp bỗng tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng. Mệnh giá mỗi cổ phần của công ty là 1 triệu đồng với 1.000 cổ phần, 100% đều là cổ phần phổ thông. Sau khi tăng vốn, công ty có doanh thu lên tới 4.000 tỉ đồng và tuyên bố có trên 3.000 khách hàng, 1.500 dự án…

Việc tăng vốn thần tốc của Công ty Việt Á gắn với sự kiện rất đáng chú ý sau đó. Tháng 4.2020, công ty được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất. 

Doanh thu của Việt Á tăng khủng khiếp như thế nào từ khi bán kit xét nghiệm? - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của Công ty CP Công nhệ Việt Á. Ảnh: VIETACORP

Theo chia sẻ của ông Phan Quốc Việt khi đó, năng lực sản xuất của công ty khoảng 10.000 bộ kít/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần (khoảng 30.000 kít/ngày). 

Ngoài kit test, Công ty Việt Á cũng trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện lớn trên cả nước. 

Công ty đã tham gia 105 gói thầu, trong đó trúng 74 gói, trượt 8 gói, 23 chưa có kết quả và có quan hệ với 64 bên mời thầu. Đã từng đấu với 42 nhà thầu trong 31 gói thầu, thắng 19 gói, thua 5 gói, 7 chưa có kết quả. Đã từng liên danh với 21 nhà thầu trong 26 gói thầu, thắng thầu 24 gói, thua 0 gói, 2 chưa có kết quả.

Một số gói thầu đã trúng bao gồm: gói thầu cung ứng hóa chất năm 2016 - 2017 (cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế) cho Bệnh viện Quân y 175; gói thầu cung cấp hóa chất dung dịch khử khuẩn, dụng cụ xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm năm 2018 - 2019 cho Bệnh viện Da liễu T.Ư.Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, công ty này đã trúng gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chuyên khoa và dung dịch khử khuẩn (gồm 609 danh mục) theo Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu số 5269/QĐ-BYT ngày 30.8.2018 của Bộ Y tế. 

Gần đây, Công ty Việt Á còn trúng gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm (gồm 3.296 danh mục) tại Bệnh viện Bạch Mai.

Phát ngôn về đạo đức của doanh nhân "thổi giá" kit test Phan Quốc Việt

Tại công bố bộ kit xét nghiệm Covid-19, ông Phan Quốc Việt từng dẫn chứng, 1 test kit nước ngoài thường phải có giá thành gấp 10 lần, rẻ cũng phải gấp từ 3 tới 4 lần mặc dù chất lượng tương đương. Chính vì vậy, ông không "cổ súy" cho việc một số doanh nghiệp lợi dụng tinh thần "người Việt dùng hàng Việt" để đẩy giá sản phẩm lên cao.

"Tại sao chúng ta không quan niệm người Việt dùng hàng tốt, giá tốt. Hàng sản xuất trong nước hoàn toàn có lợi thế so với hàng nhập khẩu, ít nhất về chi phí vận chuyển. Anh sản xuất trong nước trước hết phải phục vụ người dân trong nước, tại sao lại tăng giá tới mức cắt cổ? Chất xám cần để phục vụ cộng đồng"- giám đốc công ty Việt Á nói.

Tuy nhiên, khác với những gì đã khẳng định trên báo chí, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, bị can Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Cùng với đó, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và nhóm của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, bước đầu Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương, số tiền gần 30 tỉ đồng, thông tin trên báo Người lao động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại