Yêu cầu doanh nghiệp cấp tốc đăng ký mã xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Dương Hưng |

Từ ngày 1/1/2022, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thành đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã, lô hàng xuất khẩu sẽ không được thông quan.

Ngày 27/11, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thông báo một số thông tin mới liên quan đến việc thực hiện Lệnh 248 (Quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm), và Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu) của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, sau khi nhận các câu hỏi từ phía Việt Nam và các quốc gia ASEAN, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có những giải đáp cụ thể để phổ biến cho doanh nghiệp thực hiện.

Theo đó, đối với 4 loại sản phẩm đã đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc và được cấp mã (gồm thịt và sản phẩm từ thịt; sản phẩm thuỷ sản; sản phẩm sữa; tổ yến và sản phẩm từ tổ yến), hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục thực hiện bình thường theo quy định giữa hai nước.

Đối với 14 loại sản phẩm (gồm ruột lòng, sản phẩm ong, trứng và sản phẩm từ trứng, dầu ăn và nguyên liệu dầu, thực phẩm hỗn hợp từ bột mỳ, ngũ cốc thực phẩm, sản phẩm ngũ cốc công nghiệp và mạch nha, rau tươi và rau tách nước, đậu khô, gia vị, các loại hạt và hạt giống, quả khô, hạt ca cao và hạt cà phê chưa rang, thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm chức năng) nhưng không gửi danh sách doanh nghiệp đúng thời hạn quy định trước ngày 31/10, hoặc xuất khẩu lần đầu vào Trung Quốc từ thời điểm 1/1/2022 sẽ áp dụng quy định tại điều 8, Lệnh 248 để thực hiện đăng ký.

Lệnh này sẽ chỉ áp dụng cho doanh nghiệp chế biến – sản xuất – bảo quản, không áp dụng cho doanh nghiệp thương mại.

Đối với những doanh nghiệp sản xuất 18 loại sản phẩm trên, việc đăng ký có thể thực hiện qua các đơn vị gồm: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản & Thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công thương).

Sau đó, các doanh nghiệp có thể đề nghị những đơn vị này liên hệ Tổng cục Hải quan Trung Quốc xác nhận để được cấp tài khoản đăng ký.

Trường hợp doanh nghiệp tự đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, hồ sơ sẽ bao gồm: Bản miêu tả công nghệ, dây chuyền sản xuất chủ yếu (bắt buộc); Thành phần nguyên liệu cấu thành sản phẩm; Nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu; Tỷ lệ thành phần.

Việc đăng ký hiện có thể thực hiện theo phương thức cũ, hoặc qua website singlewindow.cn. Sau ngày 1/1/2022, việc đăng ký chuyển hoàn toàn qua website singlewindow.cn.

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, từ thời điểm 1/1/2022, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thành đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã, lô hàng xuất khẩu sẽ không được thông quan. Đáng chú ý, khi doanh nghiệp/nhà máy thay đổi người đại diện pháp luật hoặc mã số đăng ký sẽ phải thực hiện đăng ký mới.

Trong quá trình chờ đợi mã đăng ký mới, doanh nghiệp có thể sử dụng mã số đã cấp để khai báo thông quan.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đề nghị các bên hoàn thiện việc đăng ký doanh nghiệp đến trước ngày 31/12/2021 để hoạt động thương mại giữa hai nước không bị gián đoạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại