Nửa chặng đường COP26 - những thỏa thuận đạt được và thách thức

Trang Phan |

Nhiều thoả thuận về khí hậu liên tiếp được các quốc gia đưa ra tại COP26. Tuy nhiên, việc thực hiện những thỏa thuận ấy sẽ có hy vọng tới đâu?

COP26 - Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, tổ chức tại Glasgow, Scotland, khai mạc hôm 31/10, cho tới nay đã đi được nửa chặng đường. Nhiều thỏa thuận về khí hậu liên tiếp được các quốc gia đưa ra. Tuy nhiên, việc thực hiện những thỏa thuận ấy sẽ có hy vọng tới đâu?

Những thoả thuận đã đạt được và cam kết của các nước

Thỏa thuận bảo vệ và phục hồi "lá phổi của hành tinh"

Hôm 1/11, trong COP26, hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất vào cuối thập niên này, thông qua đóng góp 19 tỷ USD vào quỹ công-tư đầu tư vào bảo vệ và phục hồi rừng

Trong Tuyên bố về sử dụng rừng và đất, các lãnh đạo đại diện cho các quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng trên thế giới đã thông qua kế hoạch đẩy lùi nạn phá rừng, trong đó 12 quốc gia đã cam kết đóng góp 12 tỷ USD quỹ công trong giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm những nỗ lực khôi phục đất đai bị suy thoái và ứng phó với cháy rừng. 

Hơn 30 nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân cũng cam kết hỗ trợ thêm ít nhất 7,2 tỷ USD cho kế hoạch này. Các nhà đầu tư này, sở hữu khối tài sản 8.700 tỷ USD, cũng cam kết ngừng đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng vào năm 2025.

Nửa chặng đường COP26 - những thỏa thuận đạt được và thách thức - Ảnh 1.

Các quốc gia tham gia COP26 cam kết bảo vệ và phục hồi rừng. (Ảnh: Reuters)

Nhìn chung, thỏa thuận trên mở rộng đáng kể cam kết tương tự được 40 quốc gia đưa ra như một phần của Tuyên bố New York về Rừng năm 2014, và đã đạt được tiến bộ chưa từng có trong việc bố trí các nguồn lực để đạt được mục tiêu đó. Đánh giá về thỏa thuận này, Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu rõ: "Chúng ta sẽ có cơ hội chấm dứt lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, thay vào đó trở thành người trông coi và chăm sóc thiên nhiên".

Thỏa thuận của các nước

- Mỹ: Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ "giúp thế giới thực hiện mục tiêu chung là ngăn chặn mất rừng tự nhiên và khôi phục ít nhất 200 triệu hecta rừng và các hệ sinh thái khác vào năm 2030". 

Theo Tổng thống Biden, chính quyền Mỹ sẽ yêu cầu Quốc hội chi 9 tỷ USD cho việc bảo tồn rừng đến năm 2030 và sẽ làm việc với khu vực tư nhân, cũng như các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất của nạn phá rừng. Nhà Trắng cũng đã công bố một kế hoạch dài 25 trang, gồm 4 điểm để bảo tồn các khu rừng toàn cầu trước cuộc họp trên.

- Nga: Là một nước có diện tích rừng rộng lớn, Nga sẽ dựa vào đó để đạt được các cam kết khí hậu. Đây là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin được ghi hình trước đó và phát tại COP26. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin khẳng định việc bảo tồn các khu rừng và hệ sinh thái tự nhiên khác là yếu tố then chốt đối với thế giới trong việc giải quyết tình trạng Trái Đất ấm lên và giảm thiểu khí phát thải. 

Bài phát biểu của ông Putin cũng nhấn mạnh, Nga chiếm tới 20% diện tích rừng trên thế giới và nước này đang nghiên cứu bảo tồn các khu rừng này, ngăn chặn nạn chặt phá rừng và các đám cháy rừng. 

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, muộn nhất, nước này sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2060 và nước Nga sẽ thực hiện cam kết này dựa vào nguồn tài nguyên độc đáo của hệ sinh thái rừng, vốn có khả năng hấp thụ khí CO2 và thải ra khí oxy. Ông Putin nhấn mạnh, Nga sẽ triển khai các biện pháp quyết liệt để bảo tồn rừng, cải thiện năng lực quản lý, mở rộng diện tích rừng tái sinh đồng thời tăng đầu tư cho các hoạt động này.

Theo các nhà khoa học, Nga, đặc biệt là khu vực Siberia và Bắc Cực, là một trong những nước chịu tác động lớn nhất của tình trạng biến đổi khí hậu trong khi nước này là quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 4 thế giới.

Nửa chặng đường COP26 - những thỏa thuận đạt được và thách thức - Ảnh 2.

Nga chiếm tới 20% diện tích rừng trên thế giới. (Ảnh: Greenpeace)

- Anh: Trong khi đó, Anh cam kết sẽ góp phần điều chỉnh hệ thống tài chính toàn cầu để hướng tới mục tiêu phát thải ròng (Net Zero) bằng 0, khẳng định Anh sẽ cam kết 100 triệu bảng Anh (136,19 triệu USD) để giúp các các nước đang phát triển tiếp cận với các nguồn tài chính dễ dàng hơn. 

Anh cũng sẽ ủng hộ một cơ chế thị trường vốn mới để phát hành hàng tỷ trái phiếu xanh mới. Ông đồng thời kêu gọi tăng cường đầu tư công vào các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Tài chính Anh nhấn mạnh: "Sáu năm trước Paris đề ra các mục tiêu tham vọng, nay tại Glasgow chúng ta được cung cấp các khoản đầu tư cần thiết để hiện thực hóa những tham vọng đó".

Bộ trưởng cũng kêu gọi các công ty tài chính nước này lên kế hoạch hướng tới mục chuyển đổi sang mô hình kinh tế phát thải thấp vào năm 2023, một phần trong các bước nhằm đưa nước này trở thành trung tâm tài chính đầu tiên trên thế giới đạt mục tiêu đưa mức khí thải carbon ròng về 0. 

Thông báo của Bộ Tài chính nêu rõ, các tổ chức tài chính Anh và các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ được yêu cầu công bố các kế hoạch chuyển đổi, trong đó nêu chi tiết cách thức thích nghi và giảm khí thải carbon khi Anh tiến tới mô hình nền kinh tế "net zero" vào năm 2050. Dự kiến, trong năm 2022, Anh cũng sẽ công bố các đề xuất về các biện pháp chuyển đổi lĩnh vực tài chính theo hướng đưa khí thải ròng về mức 0 vào năm 2050.

Nửa chặng đường COP26 - những thỏa thuận đạt được và thách thức - Ảnh 3.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak phát biểu tại COP26 hôm 3/11/2021. (Ảnh: AFP)

- Canada: Chính phủ Canada thì cam kết chấm dứt tất cả các khoản tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào năm 2022. Đây là nỗ lực mới nhất của Ottawa nhằm cải thiện hình ảnh Canada vốn từ lâu được xem là một nước ủng hộ mạnh mẽ ngành công nghiệp dầu khí. Cam kết này sẽ gây áp lực lớn lên Cơ quan phát triển xuất khẩu Canada (EDC) - nơi cung cấp các khoản cho vay, bảo hiểm và các hình thức hỗ trợ tài chính khác cho các công ty dầu khí kinh doanh ở nước ngoài.

Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Trudeau đã phát đi tín hiệu về ý định chấm dứt hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài thông qua các thỏa thuận với Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhưng chưa công bố mốc thời gian cụ thể.

- New Zealand: New Zealand thì cam kết cắt giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 2005. Cam kết trên thể hiện trong Đóng góp do quốc gia xác định (NDC) mới của New Zealand được đưa ra trong khuôn khổ của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Cam kết cao hơn đáng kể so với mục tiêu do nước này đặt ra vào năm 2015, đó là cắt giảm 39% lượng khí thải so với mức năm 2005 vào năm 2030.

- Các quốc gia Mỹ Latin: 4 quốc gia Mỹ Latinh bao gồm Colombia, Costa Rica, Ecuador và Panama cũng đã cam kết mở rộng các khu bảo tồn thuộc Hành lang biển, nằm ở phía Đông Thái Bình Dương nhiệt đới. Cam kết này cho phép 4 quốc gia Mỹ Latinh cùng phối hợp hành động để xây dựng và bảo vệ khu bảo tồn biển lớn nhất tại Tây Bán cầu, và "có lẽ cả trên toàn thế giới".

Nửa chặng đường COP26 - những thỏa thuận đạt được và thách thức - Ảnh 4.

Khu vực Hành lang biển Đông Thái Bình Dương nhiệt đới (CMAR). (Ảnh: Tổ chức Bảo tồn Quốc tế)

Đây là "một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới" và bốn quốc gia sẽ "hợp tác cùng nhau để bảo vệ khu vực này", bao gồm hợp tác trong điều tra và an ninh để tố giác và đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật trên đường bờ biển. 

Hình thành cách đây 15 năm, Hành lang biển Đông Thái Bình Dương nhiệt đới (CMAR) là một sáng kiến khu vực bao gồm các vùng lõi là Công viên Tự nhiên Quốc gia Gorgona và Khu bảo tồn Động thực vật Malpelo ở Colombia, đảo Coco của Costa Rica, quần đảo Galapagos của Ecuador và đảo Coiba của Panama.

Nửa chặng đường COP26 - những thỏa thuận đạt được và thách thức - Ảnh 5.

Hành lang biển Đông Thái Bình Dương nhiệt đới (CMAR) là "một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới". (Ảnh: Alamy)

Liên minh tài chính cam kết đặt hành động vì khí hậu làm trọng tâm

Một trong những cam kết quan trọng nhất đã đạt được đến lúc này, khoảng 450 ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà đầu tư trên toàn thế giới đã cam kết sẽ đặt vấn đề hạn chế biến đổi khí hậu làm trọng tâm trong hoạt động của mình. Trong tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ COP26, nhóm các tổ chức tài chính khẳng định sẽ thực hiện một cách công bằng phần trách nhiệm của ngành tài chính trong nỗ lực toàn cầu giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhóm các công ty và ngân hàng tham gia cam kết nói trên có tổng giá trị vốn lên tới 130.000 tỷ USD (tương đương 40% vốn toàn cầu). Đặc phái viên khí hậu của Liên hợp quốc Mark Carney, chủ trì hội nghị bàn tròn của GFANZ- Liên minh Tài chính vì mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 (Net Zero) trong khuôn khổ COP26, ước tính số tiền đầu tư trong 3 thập kỷ tới là khoảng 100.000 tỷ USD. 

Ông Carney cho rằng ngành tài chính cần tìm ra những cách thức để huy động dòng tiền tư nhân cùng chung sức với các chính phủ thúc đẩy nỗ lực thực hiện mục tiêu Net Zero. Theo ông, việc làm sao gắn nguồn tiền hiện có vào các dự án hướng đến mục tiêu Net Zero và tạo lập một vòng tuần hoàn chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư cho mục tiêu này mới thực sự là thách thức.

Những thách thức mà COP26 phải đối mặt

Trọng tâm của hội nghị COP26 là thúc đẩy các quốc gia đưa ra những cam kết phù hợp, đủ để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính - chủ yếu là giảm sử dụng than đá, dầu mỏ và khí đốt- để kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, các nước vẫn chưa thể tìm ra cách thức cụ thể để và cách dùng những khoản tài chính để hoàn thiện những cam kết này, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Mục tiêu cơ bản của tài chính khí hậu là phải đảm bảo có đủ tài chính, ở những địa điểm thích hợp để cho phép chuyển đổi các ngành sang một tương lai phát thải thấp hơn. Ông Amar Bhattacharya, thành viên cấp cao của Viện Brookings cho biết, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển là nơi nắm giữ sự hiệu quả và tương lai của các hành động khí hậu. Nhưng họ phải có đủ khả năng để thực hiện các thay đổi. Ông nói: "Cần phải đầu tư rất lớn".

Việc đáp ứng khoản đầu tư này không hề dễ dàng hoặc đơn giản. Cùng nhìn lại hơn một thập kỷ trước, các nước phát triển đã cam kết đầu tư "100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu". 

Tuy nhiên, tính đến thời hạn trên, các nước đã không thực hiện được lời hứa này. Và sau 1 thập kỷ bỏ lỡ các hành động chống biến đổi khí hậu, "100 tỷ USD mỗi năm giờ không còn đủ để giải quyết những thiệt hại cho khí hậu nữa, chưa nói đến việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi hệ thống năng lượng của các nước đang phát triển" - theo tạp chí Times.

Nửa chặng đường COP26 - những thỏa thuận đạt được và thách thức - Ảnh 7.

Thủ tướng Anh Boris Johnson: Các quốc gia cam kết chưa đủ để giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C. (Ảnh: Shutterstock)

Một vấn đề khác mà tài chính khí hậu phải đối mặt xoay quanh việc giảm thiểu rủi ro. Việc phát triển công nghệ đổi mới cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu có thể gặp phải rào cản về mặt kinh tế. Khi đó, con đường đi từ ý tưởng đến kết quả sẽ bị chặn lại.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo COP26 có nguy cơ thất bại bởi các quốc gia cam kết chưa đủ để giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C, đồng thời cảnh báo sự thất bại của hội nghị sẽ đồng nghĩa với thất bại của nỗ lực ngăn chặn tình trạng Trái đất nóng lên. 

Theo ông, hội nghị G20 đã đạt được một số tiến bộ nhưng vẫn còn một "chặng đường dài" để đi. Đến nay mới chỉ 12 quốc gia cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 "vào hoặc khoảng năm 2050" trong khi một số quốc gia chủ chốt như Trung Quốc và Arập Xêút chỉ chính thức cam kết đạt được mục tiêu đó vào năm 2060.

Các giải pháp tiềm năng cho đến lúc này

Theo các chuyên gia việc huy động được nhiều tiền hơn cho các nước đang phát triển để chống biến đổi khí hậu là mục tiêu chính cho COP26. 

Ngay cả khi các nước chạm được đến mục tiêu 100 tỷ USD vào một thời điểm nào đó trong những năm tới, theo Liên Hợp Quốc, khoản tiền đó giờ "cần được coi là mức sàn chứ không phải mức trần nữa". Điều này có nghĩa là các nước phát triển không chỉ thực hiện các cam kết đã đưa ra trước đó mà còn cần đưa ra các cam kết cao hơn.

Báo cáo của Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế "tìm kiếm tất cả các lựa chọn" để giúp tài trợ cho quá trình chuyển đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. "5 năm tới là rất quan trọng, bắt đầu ngay từ năm 2021" - theo báo cáo của Liên hợp quốc.

Các chương trình tài trợ, cho vay và tìm kiếm tài năng có thể hữu ích trong việc giảm thiểu rủi ro trong quá trình đổi mới chống biến đổi khí hậu. Ví dụ, năm ngoái, Hoàng tử Anh William và nhà tự nhiên học truyền hình Anh David Attenborough đã phát động cuộc thi Earthshot để tìm giải pháp cho các vấn đề môi trường. 

Họ đã công bố 5 người chiến thắng đầu tiên trong thời gian diễn ra COP26. Các dự án bao gồm một nhóm nuôi san hô ở Bahamas, cho đến một bộ trang phục Ấn Độ biến chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu, và mỗi dự án đã giành được 1 triệu bảng Anh.

Giới phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo tham dự COP26 sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể tìm ra cách thức giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, thúc đẩy các nỗ lực nhằm khống chế nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Từ nay cho đến lúc kết thúc COP26 vào ngày 12/11, các nhà đàm phán sẽ tiếp tục tìm cách giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, tìm cách thúc đẩy các nỗ lực nhằm không chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở hơn 1,5 độ C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại